Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Giáo sư - Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Mở rộng quy hoạch vùng
Các đại biểu tham dự hội thảo đều có chung nhận định, trước những áp lực phát triển của TPHCM thì việc thực hiện quy hoạch vùng TPHCM đồng bộ mới là lối thoát căn cơ cho sự phát triển của TP cũng như cho khu vực.
Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, 8 tỉnh xung quanh TPHCM có dịch vụ hạ tầng liên quan với nhau, như trục Quốc lộ 51, tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Bến Lức... Do đó, liên kết vùng tốt sẽ giúp TPHCM giải quyết các thách thức của mình một cách căn cơ.
Dẫn chứng hàng loạt vấn đề cấp bách về giao thông của TPHCM, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, đề xuất việc xem xét công tác quản lý đô thị nói chung và quản lý giao thông đô thị của TPHCM không chỉ dừng ở nội vi của thành phố, mà cần xem xét mối tương quan với mức độ quản lý của các tỉnh thành phố lân cận. Theo định hướng phát triển chùm đô thị đa cực, trong đó TPHCM là hạt nhân thì chính quyền đô thị vệ tinh cũng cần được quan tâm đúng mức trong triển khai thực hiện đầu tư quy hoạch đô thị theo kế hoạch đã được xác lập. Từ đó sẽ giảm áp lực hiện tại cho TPHCM, đồng thời tạo khả năng kết nối giao thông thuận tiện giữa đô thị hạt nhân và đô thị vệ tinh.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Phạm Chánh Trực nêu lên thực trạng, nếu chỉ là đường bộ độc đạo thì 100 năm nữa cũng không giải quyết được vấn đề. Phải xem xét bố trí lại lực lượng sản xuất cho toàn vùng, tạo thêm đường sắt đi Cần Thơ, Đà Lạt, tạo ra thế lưu thông thì việc phát triển kinh tế mới kết nối, lưu thông kể cả phát triển tuyến xuyên Á, ra biển…
Phải làm cho các địa phương cùng tốt lên
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu 4 vấn đề đối với quy hoạch của TPHCM. Quy hoạch đô thị là trung tâm, sắp tới phải làm rõ, trung tâm đến đâu, có bao nhiêu đô thị vệ tinh; đặc biệt việc này gắn với phát triển giao thông. Kinh nghiệm các nước, có hẳn trường phái phát triển đô thị dựa vào giao thông, thế nhưng TP có đường vành đai 3, 4 rất quan trọng chỉ nằm trên giấy; quy hoạch phải gắn liên kết vùng; giao thông phải đi trước. Do vậy sắp tới trong thảo luận quy hoạch chung thành phố, phải có “tứ” quy hoạch gắn với hệ thống giao thông của nội bộ thành phố và liên kết vùng. Trục giao thông là dẫn dắt kinh tế và con người thì giao thông phải đi trước.
Phát triển đô thị hướng nào, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề. Thành phố lúc đầu phát triển theo hướng Đông Bắc là chính, hướng phụ là phía Nam, sau đó có phát triển thêm hướng Đông Nam, rồi Tây, Tây Bắc. Chúng ta cần phải định rõ hướng phát triển là hướng nào, tại sao? Đô thị gắn với xây nhà thì nhà phải xây trên vùng đất cao. Vùng phía Nam thành phố là vùng đất thấp, cho nên việc xây dựng nhà ở khu vực này có mức độ vừa phải, phải giữ được vùng đất trũng và vùng sinh quyển Cần Giờ. Phía Nam sẽ ngày càng ngập nhiều, nước biển dâng, lún xuống. Do vậy, cần xác định trục chính hệ thống giao thông thành phố, tiếp đó đô thị phát triển hướng nào.
Về chức năng kinh tế và cơ cấu kinh tế của thành phố: Suốt 43 năm qua, thành phố là địa phương duy nhất mà ngành nông nghiệp giảm xuống từ 5% còn 0,8%, vậy định hướng thành phố chắc chắn là công nghiệp dịch vụ, nhưng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp dịch vụ theo hướng nào, công nghiệp là công nghiệp gì, dịch vụ là dịch vụ gì, phải làm rõ về quy hoạch, kể cả các quận huyện. Gần đây thành phố bắt đầu đề xuất trong khối dịch vụ gắn với công nghiệp có khu đô thị sáng tạo phía Đông, gồm quận 2, 9 và Thủ Đức. Nơi đây có mật độ trí thức cao nhất thành phố, mật độ cao nhất về công nghiệp công nghệ cao, cao nhất về trí tuệ chất xám, gồm có 12 trường đại học, 100.000 sinh viên, 1.500 tiến sĩ, có Đại học quốc gia, có Khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm tài chính… Vậy các quận khác quy hoạch là dịch vụ gì, công nghiệp gì, không gian phát triển, không gian kinh tế ra sao? Như vậy phân khu chức năng kinh tế thành phố cần phải làm rõ hơn. Tiếp theo là giải quyết mâu thuẫn bài toán dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng kịp. Bình quân 15 năm qua, mỗi năm thành phố tăng thêm 1 triệu người, đến năm 2035, dân số thường xuyên 13,5 triệu người, không tính người vãng lai. Tăng với tốc độ này thì hạ tầng không theo kịp. Cụ thể, tốc độ làm đường mới trong 10 năm qua đạt được mật độ 1,95km đường/km2, như vậy cứ giữ tốc độ này thì phải đến 150 năm mới đủ đường! Về nhà ở, năm 2016 có 1,6 triệu căn nhà thì nhà bán kiên cố chiếm 63%, nếu tốc độ tăng dân số tăng lên nữa thì thành phố không phải là đô thị hiện đại. Như vậy, chấp nhận với tốc độ tăng dân số như thế này thì hạ tầng về giao thông, xây dựng nhà ở không cách nào tăng theo kịp.
Từ đó, vấn đề đặt ra, trong quy hoạch có một cơ chế phối hợp vùng, giúp cho các vùng phát triển mạnh lên, thu nhập cao hơn để áp lực dân về thành phố giảm đi. Chúng ta cố gắng xây dựng tốt môi trường, đủ trường học, hoặc sắp tới triển khai chương trình sữa học đường… thì sẽ thu hút đồng bào tới đây, đó là điều rất tự nhiên. Do đó, việc thực hiện quy hoạch phải tính toán thế nào để hỗ trợ các địa phương xung quanh cùng phát triển, tự giữ dân ở lại địa phương. Ngoài ra, thành phố cần chọn những ngành công nghiệp dịch vụ cần lao động công nghệ cao, có tiêu chí vốn đầu tư, có tay nghề trí tuệ rất cao, từ đó mới giảm áp lực tăng dân số tự nhiên.
Cuối cùng, mô hình quản lý hành chính cũng là một vấn đề phải tính toán. Quận nhỏ nhất thành phố có diện tích khoảng 5km2, nhưng huyện lớn nhất là huyện Cần Giờ lên tới 704km2, chênh nhau 140 lần nhưng bộ máy quản lý giống nhau. Dân số huyện Cần Giờ là 70.000 người, còn các quận trung bình trên 600.000 người. Thành phố đã đặt Học viện Quản lý cán bộ thành phố và các sở ngành đề tài nghiên cứu, sắp xếp lại cơ cấu quận huyện thành phố như thế nào để đảm bảo vận hành đô thị lớn như TPHCM hợp lý hơn. Về ý kiến mở rộng địa bàn TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, thành phố chỉ cần phát triển tốt 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ, vì dư địa phát triển của hai khu vực này rất lớn.
Phát biểu kết thúc hội thảo, đồng chí Phùng Hữu Phú đồng tình với cách đặt vấn đề của các đại biểu, nhìn lại quá trình phát triển đô thị, chuyển đổi thăng trầm mô hình quản lý của TP, khẳng định những thành tựu, thành công, văn minh hiện đại, đồng thời nêu rõ những mâu thuẫn, bất cập của TPHCM, những hệ lụy phải đối mặt; gợi mở định hướng, giải pháp tiếp tục đổi mới nhằm phát huy lợi thế sức mạnh vốn có của TP, khắc phục những mâu thuẫn bất cập trong quá trình phát triển, trong thời đại 4.0 để TPHCM phát triển văn minh, hiện đại; đầu tàu không chỉ phía Nam mà cả nước. Đồng chí đề nghị, để thực hiện các định hướng, giải pháp thì phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy quản lý đô thị, từ Trung ương cho đến các địa phương, giải quyết mối quan hệ Trung ương và các địa phương trong vùng, phát triển TPHCM là trách nhiệm; TPHCM tác động cả vùng phát triển, thông qua thể chế, cơ chế, chính sách; Trung ương tập trung đầu tư, định hướng phát triển các hướng. “Hiện nay thế giới đi theo hướng bền vững, sáng tạo, không để ai bị tụt lại phía sau, tức là những thành phần dễ bị tổn thương. Câu chuyện không chỉ là công nghệ, cái đích cuối cùng là con người, phát triển để thành đô thị nghĩa tình; mô hình sắp tới phải hướng về con người, chăm lo cho con người, chứ không đơn thuần là kết nối”, đồng chí Phùng Hữu Phú lưu ý.