Ngày 18-3, TS-BS Hoàng Văn Thiệp, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa An Phước (171/3 Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM) cho biết đã có buổi làm việc với cơ quan an ninh điều tra để làm rõ những khuất tất tại BV. Theo BS Thiệp, BV đã xây xong từ năm 2008 nhưng không đưa vào hoạt động được do có dấu hiệu chiếm dụng vốn cổ đông, sử dụng vốn vay kích cầu của UBND TPHCM không đúng. Trước đó, Giám đốc BV Đa khoa An Phước cũng đã gửi đơn thư cầu cứu đến các cơ quan chức năng.
Góp vốn có bị lừa?
Theo đơn tố cáo của TS-BS Hoàng Văn Thiệp, tháng 4-2010, ông được ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch HĐQT và là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần BV Đa khoa An Phước nhượng lại 665.200 cổ phần để trở thành cổ đông sáng lập và tham gia điều hành BV. “Tôi đã thế chấp 3 căn nhà và vay 9,7 tỷ đồng để hoàn tất thủ tục sang nhượng”, TS Thiệp cho biết.
Đến ngày 30-9-2010, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho Công ty cổ phần BV Đa khoa An Phước. Danh sách cổ đông sáng lập có TS Hoàng Văn Thiệp với vốn góp gần 6,7 tỷ đồng, chiếm 20,4% vốn điều lệ của công ty (33,2 tỷ đồng). Sau khi được bổ nhiệm làm giám đốc BV, TS Hoàng Văn Thiệp đã nhiều lần đề nghị ông Nguyễn Văn Chính tiến hành kiểm toán, bàn giao hồ sơ sổ sách để tiếp tục điều hành xây dựng BV và làm thủ tục thay đổi tên người đại diện theo pháp luật nhưng không được chấp thuận.
Không những vậy, theo đơn tố cáo của TS Thiệp, một số cổ đông chưa góp vốn đầy đủ. Khoản tiền góp vốn còn thiếu của các cổ đông này lẽ ra phải góp đủ lại được biến thành khoản vay ngắn hạn của các cá nhân cho công ty vay với lãi suất cao.
“Tôi đã đóng đủ tiền góp vốn nhưng hiện tại tôi vẫn phải chia phần trả tiền gốc và lãi cho các khoản vay vô lý đó”, TS Thiệp bức xúc. Trao đổi với báo giới, TS Thiệp không khỏi lo lắng về “số phận” phần vốn góp của mình đang có dấu hiệu bị chiếm dụng. “Mặc dù tôi đã tìm hiểu nhưng không lường trước được tình hình nội bộ của Công ty cổ phần Bệnh viện Đa khoa An Phước. Có lẽ tôi đã bị lừa góp vốn”, TS Thiệp nói.
Có mặt tại BV Đa khoa An Phước ngày 15-3, chúng tôi chứng kiến BV đã được xây xong từ năm 2008 nhưng đang có dấu hiệu xuống cấp mặc dù chưa hoạt động được. BV gồm 1 tầng hầm, 9 tầng lầu, năng lực thiết kế 70 giường bệnh nhưng nay một số hạng mục như đà chống ở hầm ngầm bị rạn nứt phải dùng trụ sắt để gia cố lại, phần nối giữa các khối nhà ở các tầng 6, 7 và 8 có vết xé nứt do có hiện tượng lún sụt. Nhiều trang thiết bị của BV đã mua sắm như máy chụp DSA, máy chụp MSCT… bị “trùm mền”.
Theo TS Hoàng Văn Thiệp, sau khi góp vốn vào BV một thời gian, ông đã đề nghị và được HĐQT cho sửa sang, thay đổi một số hạng mục như phòng hồi sức, phòng mổ. Mặt khác, các dụng cụ như giường nằm cho bệnh nhân, đèn mổ, bàn mổ cũng đã được mua sắm nhưng nay đành chất thành đống chẳng khác nào sắt vụn.
Theo báo cáo quản trị từ ngày 1-4-2002 đến 30-11-2010 của Công ty cổ phần BV Đa khoa An Phước mà phóng viên có được cho thấy công ty này đã thu về hơn 87,980 tỷ đồng và đã chi ra hơn 87,916 tỷ đồng. Báo cáo do ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch HĐQT ký và đóng dấu cho thấy công ty đang nợ tiền vay Vietcombank và các cá nhân lên tới hàng chục tỷ đồng.
Thực, hư chuyện vay vốn kích cầu
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, năm 2002, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty TNHH BV Đa khoa An Sương và công ty này tiến hành xây dựng BV Đa khoa An Sương tại địa chỉ 171/3 đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TPHCM. Sau đó, Công ty TNHH BV Đa khoa An Sương đổi tên thành Công ty cổ phần BV Đa khoa An Phước do ông Nguyễn Văn Chính làm Chủ tịch HĐQT và đổi tên BV thành BV Đa khoa An Phước.
Được biết, để xây dựng BV trên, ông Nguyễn Văn Chính đã làm hồ sơ và được UBND TPHCM cho hỗ trợ lãi vay vốn kích cầu, vay của ngân hàng, cá nhân lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng nay chưa trả được. Điều đáng nói, từ năm 2004, kèm theo Quyết định số 137 của Chủ tịch UBND TPHCM, Công ty cổ phần BV Đa khoa An Phước được phê duyệt số vốn vay kích cầu 20 tỷ đồng mà ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ lãi vay.
Và đến nay, theo báo cáo quản trị ngày 15-12-2010 của Công ty cổ phần BV Đa khoa An Phước, số tiền mà UBND TPHCM hỗ trợ lãi suất thông qua Sở Tài chính TP đã được giải ngân là gần 6 tỷ đồng. Nhưng theo TS Hoàng Văn Thiệp, có dấu hiệu nâng khống giá trị đầu tư xây dựng để chiếm dụng tiền hỗ trợ lãi vay kích cầu của Nhà nước.
Ngày 17-3, tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch HĐQT cho rằng tiến độ xây dựng còn phải chờ kế hoạch do bác sĩ giám đốc đệ trình. Và để hoàn tất BV còn phải tiếp tục hoàn thiện nhiều hạng mục nữa. Tuy nhiên, đến nay, giám đốc BV chưa xây dựng được kế hoạch để đưa BV đi vào hoạt động. Về tiền hỗ trợ lãi vay vốn vay kích cầu, ông Chính phân trần là sử dụng theo đúng quy định của UBND TPHCM.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Báu, Phó Chủ tịch HĐQT cho rằng dự kiến BV sẽ đi vào hoạt động trong năm 2011 này nhưng mới có thiết bị lớn, chưa có thiết bị nhỏ đồng thời cũng chưa đủ thiết bị, nhân sự để mời Bộ Y tế thẩm định nhằm đưa BV đi vào hoạt động. Bà Báu cũng cho biết hiện BV thiếu tiền và HĐQT đã yêu cầu giám đốc BV đưa ra phương án chính thức để vay vốn nhưng đến nay cũng chẳng thấy đâu.
Với tình trạng quá tải của các BV công lập hiện nay, việc UBND TPHCM chủ trương hỗ trợ lãi suất vốn vay kích cầu để xây dựng các BV tư là rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ để tránh thất thoát tiền nhà nước và sớm đưa BV đi vào hoạt động, phục vụ nhân dân.
TƯỜNG LÂM