Nhiều loại thực phẩm phổ biến mua ở chợ hoặc siêu thị được rửa và sơ chế sạch sẽ trước khi nấu, nhưng hàm lượng kim loại tồn dư vẫn không hết. Hơn nữa, những loại thực phẩm này lại là khẩu phần ăn của trẻ từ 24-36 tháng tuổi.
Qua điều tra của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Dinh dưỡng quốc gia về khẩu phần ăn của trẻ ở các phường thuộc 4 quận nội thành Hà Nội là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng cho thấy, có tới 12 loại thực phẩm khá phổ biến và được dùng hàng ngày bị nhiễm chì và một số kim loại nặng khác rất cao.
* Nhiều chuyên gia y tế cho biết, nếu ăn phải thực phẩm nhiễm kim loại vượt quá hàm lượng cho phép sẽ dẫn đến nhiễm độc mãn tính, gây nguy hại cho sức khỏe cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên với trẻ em nhiễm độc kim loại từ thực phẩm sẽ nguy hiểm hơn vì nó ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất và tinh thần của trẻ. |
Để đưa ra được kết quả trên, trong vòng 1 năm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành lấy danh sách trẻ từ 24-36 tháng tuổi và các mẫu thực phẩm được mua ở chợ hoặc siêu thị dựa trên thực đơn hàng ngày của trẻ tại một số trường mầm non, sau đó tiến hành làm xét nghiệm đối với các loại thực phẩm được dùng phổ biến nhất. Theo đó, nhóm thực phẩm ăn hàng ngày bị nhiễm chì cao nhất ở rau muống và thịt heo (5/8 mẫu nhiễm chì), sau đó đến gạo (5/12 mẫu). Tôm rảo, cam và cam quýt cũng có 1/4 số mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng chì. Không chỉ có vậy, kết quả nghiên cứu cũng phát hiện, thực phẩm bị nhiễm cadimin (kim loại gồm sulfua lẫn với carbonat kẽm) vượt quá quy định cũng có ở gạo, thịt heo, thịt bò hay trứng gà.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện, lượng cadimin vượt quá trong sữa bột là 31% và trong cam quýt là 15,6% so với lượng tối đa cho phép ăn vào hàng ngày của trẻ dưới 2 tuổi. Đặc biệt, lượng kim loại tồn dư còn trong thịt heo đã vượt lên tới 177,5%, thịt bò là 60,58%, tôm rảo là 35,73% và thịt gà là 6,84% so với lượng tối đa cho phép ăn hàng tuần của trẻ.
Đáng chú ý, hầu hết các loại thực phẩm trên dù đã được ngâm rửa hay sơ chế sạch sẽ trước khi nấu, nhưng qua chế biến nấu chín thì hàm lượng kim loại tồn dư trong thực phẩm vẫn còn cao quá ngưỡng cho phép.
Trước kết quả nghiên cứu trên, PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, đây chỉ là nghiên cứu nhỏ và thực phẩm lấy ngẫu nhiên từ các chợ, siêu thị chứ không phải lấy mẫu tại các bếp ăn của trường mầm non nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Hơn nữa, PGS-TS Lâm cũng cho biết, nhiều loại thực phẩm tại các chợ đôi khi không rõ nguồn gốc nên thực phẩm bị nhiễm độc kim loại là khó tránh khỏi.
Rõ ràng, nghiên cứu thực tế trên chỉ diễn ra trong một phạm vi hẹp, nhưng những kết quả của cuộc nghiên cứu thì lại thực sự thông tin cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc kim loại trong thực phẩm, khiến cho không ít người tiêu dùng lo ngại về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng trầm trọng.
Chị Nguyễn Thu Hương (ở 17T10 Trung Hòa - Nhân Chính) đang có 2 con nhỏ, bức xúc nói: Nhiều thực phẩm bị ô nhiễm không còn quá xa lạ với người dân, nhưng với nghiên cứu cho thấy, nhiều loại thực phẩm được dùng phổ biến hàng ngày lại cho trẻ nhỏ bị nhiễm độc kim loại thì thực sự là vấn đề nghiêm trọng và rất đáng lo ngại cho sức khỏe người dân.
Nguyễn Quốc