Tại thời điểm này, đi đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp cách người ta hỏi nhau: “Mua thịt, cá, rau ở đâu cho sạch? Mua lúc nào thì còn hàng? Sản phẩm đó có nguồn gốc từ đâu?...”. Chưa bao giờ miếng ăn hàng ngày lại được người dân quan tâm đặc biệt vì nhiều lý do.
Du khách thích thú với những trái bí ngô khổng lồ trồng trong trang trại của An Phú Đà Lạt
Tín nhiệm hàng siêu thị
Chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, ngụ chung cư Mỹ An, quận Thủ Đức kể, gia đình có 6 người, trong đó có tới 5 người còn đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng. Thu nhập chủ yếu từ việc làm thêm, cộng với tiền cha mẹ gửi hàng tháng từ quê rất hạn chế, nên thực phẩm hàng ngày chủ yếu đi mua từ các điểm bán phát sinh lề đường cho rẻ. Tuy nhiên, một ngày nọ, chị mua mớ rau dền, khi rửa thì tay nổi mẩn ngứa, luộc trong nước sôi thì mùi thuốc sâu nồng nặc. Chị Thảo sợ quá, đổ luôn vào sọt rác và thông báo cho cả nhà, từ nay chỉ ăn các loại thực phẩm trong siêu thị, dù có ít một chút cũng được. “Thời gian đầu, khi mấy nhà cùng tầng thấy chúng tôi hay mua hàng siêu thị, họ bảo là xài sang, vì sinh viên bày đặt không ăn hàng chợ cho rẻ. Nhưng tôi thấy sức khỏe của những đứa em rất quan trọng nên quyết tâm ăn ít chút nhưng phải là thực phẩm an toàn. Và 2 năm qua, siêu thị là điểm chúng tôi chọn mua các loại thực phẩm đạt chuẩn VietGAP”, chị Thảo nói.
Chị Trần Thanh Trúc, ngụ tại quận Phú Nhuận, tỏ ra hiểu biết hơn khi phân tích giữa hàng bán ở chợ và siêu thị. Hơn 5 năm qua, gia đình chị Trúc đã chọn rau VietGAP để sử dụng. So với rau bán mão ngoài chợ, giá bán có thể lên xuống tùy thời tiết và mùa vụ, nhưng riêng rau VietGAP của HTX Thỏ Việt, Phú Lộc hay rau nhãn hàng riêng của Co.opmart, Big C giá bán gần như không thay đổi, thậm chí ngày càng rẻ hơn do các đơn vị này đã tăng diện tích gieo trồng với số lượng lớn để kéo giảm giá bán. Cụ thể, 1 gói rau muống (loại 500gr), cách đây 5 năm giá bán ở mức 10.000 đồng/gói thì nay chỉ còn 8.000-9.000 đồng/gói.
Theo tính toán của ông Trần Quang Chánh, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp TMDV Phú Lộc (huyện Củ Chi), nếu so sánh giá rau VietGAP với các loại rau đang bán mão thì giá bán gần như không có sự chênh lệch. Nhưng với đại đa số người tiêu dùng vẫn còn mang tâm lý, giá bán rau VietGAP quá đắt so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bên cạnh đó, kênh phân phối rau VietGAP vẫn còn bó hẹp ở các siêu thị nên mức độ phổ biến chưa cao. Hiện Phú Lộc đang sản xuất để cung ứng chủ yếu cho hệ thống siêu thị Co.opmart thực hiện chương trình bình ổn giá. Mặt khác, HTX cũng đang làm việc với các chợ và mời chính ban quản lý chợ làm đại lý phân phối rau VietGAP đến các hộ kinh doanh trong chợ.
Tương tự, ông Nguyễn Lam Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên, cho hay, giá rau VietGAP do công ty sản xuất chỉ cao hơn bình quân khoảng 5%-10% so với rau bình thường. Mức chênh lệch này không cao bởi rau VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, đồng thời phải thực hiện sơ chế sau thu hoạch mới tiến hành đóng gói. Do vậy, nếu nói giá bán rau VietGAP quá đắt là “oan” cho nhà sản xuất!
Riêng với các mặt hàng như cá biển, cá nước ngọt, hiện nhiều siêu thị cũng đã kết nối với các nhà cung cấp ở đầu nguồn để đưa thẳng hàng vào siêu thị, bỏ qua trung gian để sản phẩm an toàn, tươi ngon. Tại hệ thống Metro đã thực hiện bấm số cho một số loại cá biển, cá chẽm… để người tiêu dùng có thể truy suất được nguồn gốc của con cá này được nuôi hoặc đánh bắt từ đâu, tạo sự yên tâm khi sử dụng. Nhiều bà nội trợ cũng đã tìm được nhiều nguồn cung thực phẩm sạch như thịt heo thì được mua từ các doanh trại quân đội; cá biển được chuyển từ miền Trung vào theo đơn đặt hàng; rau củ quả được cung cấp bởi các gia đình có diện tích đất lớn, họ trồng ăn không hết và chia lại cho người quen…
Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, sau hơn 2 năm triển khai ký kết với các DN, HTX đạt chuẩn VietGAP để bán trong hệ thống Co.opmart, đến nay sản lượng rau tiêu thụ đã tăng 2,5 lần. Theo đó, mức tăng trưởng doanh thu ở ngành hàng thực phẩm tươi sống tại Co.opmart từ nhiều năm qua luôn dẫn đầu, do hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng nên được người tiêu dùng tín nhiệm.
Còn nhiều dư địa để phát triển
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản An Phú Đà Lạt (APP), cho biết, từ nhiều năm qua công ty đã định hướng sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP, trong đó có một số ít được trồng hữu cơ (organic). Các mặt hàng đều đi vào phân khúc tiêu dùng cao trên thị trường như nhà hàng, khách sạn 5 sao tại TPHCM và các siêu thị như Metro, Aeon, Big C. Sản phẩm chủ yếu của công ty hiện có cà chua cherry, cà chua vàng, cà chua tím, dưa leo baby, cải bó xôi, cà rốt, và các loại xà lách giống nhập ngoại… Riêng mặt hàng đậu Hà Lan ngọt, công ty được độc quyền trồng từ loại giống của Mỹ để xuất khẩu, đồng thời cung ứng trong nước. Điều khiến chúng tôi rất thú vị, đến trang trại của APP là tất cả các sản phẩm khi hái đều có thể dùng được ngay. Ông Bình giải thích, để đạt được các tiêu chuẩn nêu trên, ngoài nguồn đất an toàn thì quy trình trồng và tưới nước cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài việc tự kiểm tra, các đối tác cũng sẽ kiểm tra hàng đột xuất, nếu không đảm bảo họ sẽ ngưng đơn hàng ngay.
Cũng theo ông Bình, gần đây có nhiều đối tác từ Hà Nội đặt hàng cung ứng sản phẩm nhưng công ty không dám nhận vì diện tích sản xuất mới chỉ gói gọn trong 17ha nên chưa thể tăng sản lượng. Sắp tới, công ty sẽ đầu tư một trang trại khép kín, trong đó trồng tất cả các loại rau quả cao cấp để du khách có thể đến tham quan và sử dụng các loại thực phẩm sạch. Sản xuất kết hợp với du lịch sẽ là xu hướng đầu tư mới của công ty.
Bà Phạm Thị Thu Cúc, chủ thương hiệu rau organic “Rừng hoa Bạch Cúc” lại đi theo một hướng khác, đó là trồng hơn 20 loại rau thơm ngoại nhập, thường được sử dụng tại VN như củ hồi, quế tím, origano, lavender... Bên cạnh đó, bà Cúc trồng thêm một số loại rau khác cũng chủ yếu phục vụ cho khách hàng cao cấp như dưa leo baby, củ cải đỏ, cà chua cherry, cà chua beef, xà lách các loại. Điều khác với nông dân bình thường là bà Cúc không bán hàng theo giá thị trường lên xuống, bà cung cấp hàng cho khách với “giá chết”, dù giá thị trường có thay đổi thì giá bán vẫn ổn định. Nhờ vậy, bà có thể lên kế hoạch sản xuất phù hợp và bền vững. Hiện tại, mục tiêu của bà là nhân rộng loại lavender, một cây rau thơm rất nổi tiếng, đồng thời mang một vẻ đẹp kỳ lạ. Hiện người nước ngoài sinh sống và làm việc tại VN ngày càng nhiều, song không phải nơi nào cũng trồng thành công các loại rau thơm ngoại nhập. Bà Cúc hy vọng sẽ còn nhiều dư địa để tăng sản lượng cung ứng trong nước, hướng đến xuất khẩu.
Tại TPHCM, trong định hướng chiến lược phát triển, lãnh đạo TP cũng thể hiện rõ quan điểm sẽ hỗ trợ, ưu tiên phát triển sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm sạch nhằm bảo vệ sức khỏe giống nòi. Dự kiến, ngay trong tháng 12 này, TPHCM sẽ ra mắt chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn để thực hiện mục tiêu nêu trên, khuyến khích DN liên kết hình thành các mô hình khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”. Đây là tín hiệu tốt để người sản xuất không còn sợ thiếu đầu ra, còn người tiêu dùng bớt đi nỗi lo ăn gì, mua hàng ở đâu để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho người thân.
HẢI HÀ