Thực thi quyền con người tốt hơn

Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến tại phiên họp sáng 13-3. Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe và cho ý kiến tại phiên họp sáng 13-3. Chiều cùng ngày, UBTVQH nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Bảo đảm thiết chế VKSND đủ năng lực

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao Nguyễn Hòa Bình, dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) đã cụ thể hóa các quy định về Viện KSND trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Viện KSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế Viện KSND có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới. Đáng lưu ý, dự thảo quy định theo hướng Viện KSND có thẩm quyền điều tra trong các trường hợp: tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật, khi xét thấy cần thiết; viện kiểm sát đã yêu cầu điều tra nhưng yêu cầu đó không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; vụ án mà tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng xét thấy không cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Dự thảo luật cũng bổ sung nội dung về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của Viện KSND, trong đó, quy định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của Viện KSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 30) và thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND (Điều 31).

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ủy ban Tư pháp nhận định, dự án luật đã được Viện KSND tối cao chuẩn bị công phu. Liên quan đến quyền hạn điều tra của Viện KSND, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với ban soạn thảo về sự cần thiết tiếp tục quy định Viện KSND có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, nhưng không giao Viện KSND có quyền điều tra lại toàn bộ vụ án, vì không phù hợp với việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể các trường hợp Viện KSND tiến hành một số hoạt động điều tra như thế nào, phạm vi và mức độ đến đâu phải được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Vì vậy, đề nghị không quy định cụ thể vấn đề này trong Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi).

Bên cạnh đó, tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện KSND là vấn đề còn có những ý kiến khác nhau ngay trong cơ quan thẩm tra. “Nhiều ý kiến tán thành với ban soạn thảo tiếp tục tổ chức và quy định về Cơ quan điều tra của Viện KSND ngay trong luật. Cơ quan điều tra này chỉ tổ chức ở Viện KSND tối cao. Tuy nhiên, phạm vi thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Viện KSND điều tra loại tội phạm gì phải được quy định trong Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) đang được soạn thảo. Cũng có ý kiến khác đề nghị bỏ Cơ quan điều tra của Viện KSND, bảo đảm phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ với Cơ quan điều tra và Viện KSND chỉ làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp” - người đứng đầu Ủy ban Tư pháp giải trình rõ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra, đối chiếu với các quy định trong Hiến pháp sửa đổi, đảm bảo quyền con người được thực thi tốt hơn. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh thêm: “Hiến pháp sửa đổi nêu rất rõ vai trò của Viện trưởng Viện KSND và vai trò của kiểm sát viên. Luật phải thể hiện cụ thể hơn quan hệ chỉ đạo giữa Viện trưởng Viện KSND tối cao với Viện KSND cấp dưới và kiểm sát viên. Tôi chưa thấy rõ cơ chế để kiểm sát viên thật sự hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND, nhất là trong quá trình thực hành quyền công tố”.

Cân nhắc kỹ quy định về án lệ

Quy định về án lệ trong dự thảo Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) là vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Theo cơ quan soạn thảo, hiện có 2 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần quy định cụ thể trong luật nhiệm vụ của Tòa án nhân dân (TAND) tối cao là xây dựng và phát triển án lệ để cụ thể hóa nhiệm vụ “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật” quy định tại Điều 104 của Hiến pháp, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yêu cầu áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của TAND tối cao. Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc thêm quy định về nhiệm vụ xây dựng và phát triển án lệ vì đây thực chất là hoạt động cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử. Nếu quy định nhiệm vụ xây dựng và phát triển án lệ thì cần làm rõ giá trị pháp lý của án lệ. TAND tối cao nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và đã quy định bổ sung nhiệm vụ của TAND tối cao là xây dựng và phát triển án lệ. Về các nguyên tắc hoạt động của tòa án, tại khoản 12 Điều 7 của dự thảo luật cũng đã bổ sung nguyên tắc: “TAND các cấp phải tham khảo án lệ trong xét xử”.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nhận định, đây là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được cân nhắc kỹ. Từ nhiều năm qua, TAND tối cao đã và đang thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của tòa án các cấp, hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao và được coi là văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước ta. Đây chính là hình thức cao nhất của án lệ (vì phải qua tổng kết thực tiễn xét xử nhiều vụ án, qua nhiều năm áp dụng pháp luật…, mới hướng dẫn được) rất có hiệu quả. Vì vậy, Ủy ban Tư pháp cho rằng trước mắt, chỉ nên quy định TAND tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật là phù hợp với Hiến pháp năm 2013. Các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định của pháp luật để các tòa án khác nghiên cứu, học tập.

ANH THƯ


Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam

Chiều 13-3, đồng chí Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM chủ trì cuộc thảo luận với các đơn vị liên quan về Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) năm 2006. Trong tổng số 202 điều của Luật HKDDVN năm 2006, Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 46 điều, chiếm khoảng 22,8% tổng số điều của luật.

Tại buổi thảo luận, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Trung tâm An ninh hàng không Tân Sơn Nhất, Viện Nghiên cứu phát triển, các hãng hàng không… đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp, sửa đổi để Luật HKDDVN phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức HKDD quốc tế - ICAO. Một trong những vấn đề được quan tâm tại buổi thảo luận là việc cần sửa đổi, bổ sung quy định về giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Hiện nay, do đặc thù, những dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không, sân bay vẫn mang tính chất độc quyền, vì vậy cần phải tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý dịch vụ phi hàng không trong phạm vi cảng hàng không, sân bay để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục