Thực trạng chuyển đổi rừng ở Tây Nguyên - Bài 1: Hô biến... rừng giàu

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng để trồng cao su theo chủ trương của Chính phủ. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp (DN) không chuyển đổi rừng “nghèo” mà tập trung chuyển đổi rừng “giàu”. Để rồi nhiều cánh rừng tự nhiên xanh tốt đã phải nhường chỗ cho những dự án trồng cao su. Mất rừng, hậu họa về lâu dài sẽ là hạn hán, lũ lụt, còn ngay trước mắt, việc trồng cao su ở Tây Nguyên chưa cải thiện được cuộc sống người dân địa phương…Theo quy hoạch đến năm 2020, Tây Nguyên trồng mới 100.000ha cao su, nhưng các địa phương đã chuyển đổi rừng để trồng cao su một cách ồ ạt, đến năm 2015 sẽ lên tới 164.000ha. Nhiều cánh rừng giàu có, xanh tốt bỗng nhiên bị xếp loại rừng “nghèo” để chuyển sang trồng cao su.
Thực trạng chuyển đổi rừng ở Tây Nguyên - Bài 1: Hô biến... rừng giàu

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng để trồng cao su theo chủ trương của Chính phủ. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp (DN) không chuyển đổi rừng “nghèo” mà tập trung chuyển đổi rừng “giàu”. Để rồi nhiều cánh rừng tự nhiên xanh tốt đã phải nhường chỗ cho những dự án trồng cao su. Mất rừng, hậu họa về lâu dài sẽ là hạn hán, lũ lụt, còn ngay trước mắt, việc trồng cao su ở Tây Nguyên chưa cải thiện được cuộc sống người dân địa phương…

Theo quy hoạch đến năm 2020, Tây Nguyên trồng mới 100.000ha cao su, nhưng các địa phương đã chuyển đổi rừng để trồng cao su một cách ồ ạt, đến năm 2015 sẽ lên tới 164.000ha. Nhiều cánh rừng giàu có, xanh tốt bỗng nhiên bị xếp loại rừng “nghèo” để chuyển sang trồng cao su.

        Gỗ ùn ùn ra đi

Từ năm 2006 - 2011, tỉnh Kon Tum cấp phép chuyển đổi rừng và đất rừng trồng cao su cho 10 đơn vị (56 dự án) với diện tích lên tới hơn 39.000ha. Trong đó, tại địa bàn xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) có 9 đơn vị được cấp phép với diện tích hơn 37.500ha. Dù tỉnh Kon Tum đã tạm dừng việc cấp phép dự án chuyển đổi rừng trồng cao su, nhưng gỗ rừng vẫn hàng ngày tuồn ra khỏi địa bàn xã Mô Rai.

Có mặt tại đoạn quốc lộ 14C từ huyện Ngọc Hồi đi vào xã Mô Rai, chúng tôi đã bắt gặp nhiều xe container ùn ùn chở gỗ ra. Nhiều xe tải nặng cũng tham gia chở gỗ làm cho con đường quốc lộ này dập nát, trơ sỏi đá. Khu vực rừng Vườn Quốc gia Chư Mon Ray nằm cạnh quốc lộ 14C cũng xuất hiện nhiều toán lâm tặc địa phương canh giữ cho nhau vào đây chặt gỗ. Ở cái xã vùng sâu này, chuyện lâm tặc hay ai chở gỗ từ rừng ra là chuyện không có gì ngạc nhiên.

Từ trung tâm xã Mô Rai, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình vào các dự án trồng cao su. Tại dự án Làng thanh niên lập nghiệp, cây cao su đã được gần hai tuổi mọc cạnh những cây gỗ bị đốt cháy còn trơ lại gốc. Cạnh đó, nhiều cây gỗ xanh tốt được chủ đầu tư giữ lại để làm bóng mát. Nhiều khu vực sắp được khai hoang chuyển đổi cũng sót lại những cây gỗ lớn. Nhìn qua, có thể thấy trước khi là vùng dự án, ở đây là những cánh rừng tự nhiên xanh tốt. Còn tại dự án của Công ty CP Đầu tư phát triển Duy Tân, những cánh rừng xanh tốt bị chặt phá không thương tiếc để trồng cao su. Những dự án trồng cao su ở đây đang lấn dần những cánh rừng phòng hộ của xã Mô Rai.

        Lập dự án để chiếm rừng

Do việc khảo sát không kỹ, nhiều cánh rừng “giàu” ở Đắk Lắk bỗng chốc biến thành rừng “nghèo” khi giao cho các doanh nghiệp. Đi khắp các dự án ở huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng…, đâu đâu chúng tôi cũng gặp cảnh này. Ngày 26-11-2010, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (Công ty Hoàng Gia Phát) được giao 977ha đất lâm nghiệp ở tiểu khu 134, 138 thuộc xã Ea Jlơi, huyện Ea Súp để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su.

Trong đó, hơn 193,5ha rừng nghèo được cải tạo để trồng cao su. Mặc dù được xếp vào loại rừng nghèo, nhưng trên thực tế, mật độ cây rừng ở đây rất dày, cây rừng có đường kính từ 15 - 60cm, cùng nhiều loại gỗ quý hiếm. Rừng ở khu vực thực hiện dự án thuộc hệ sinh thái rừng khộp.

Ông Võ Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát, cho biết: Tổng khối lượng gỗ tận thu trên 193,5ha rừng cải tạo khoảng 400m3. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi khối lượng gỗ thu được trên thực tế lớn gấp nhiều lần con số này. Trong khi đó, toàn bộ diện tích rừng thực hiện dự án của Công ty Hoàng Gia Phát đều nằm trong khu vực phòng thủ kế hoạch A của tỉnh.

Gỗ tận thu tại dự án trồng cao su của Công ty Kim Huỳnh (ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk).

Gỗ tận thu tại dự án trồng cao su của Công ty Kim Huỳnh (ở huyện Ea H’leo, Đắk Lắk).

Trong chuyến về huyện Ea H’leo, chúng tôi tìm đến dự án trồng cao su của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Kim Huỳnh. Ngày 4-8-2010, công ty này được tỉnh giao 778ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 120, 121 của xã Ea Tir để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su.

Ông Nguyễn Văn Trừ (cán bộ trạm bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Chư Pả đóng cạnh đó) cho biết: “Khu vực rừng đó có trữ lượng gỗ rất lớn, nhưng không biết vì sao tỉnh lại cho chuyển đổi. Trong khi đó, khu vực được giao cho công ty khoanh nuôi, bảo vệ thì cũng bị người dân chặt phá không thương tiếc”.

        Cây cao su èo uột

Có một thực tế đáng buồn, hiện nhiều cánh rừng khộp không thích hợp cho việc chuyển đổi trồng cao su nhưng tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai vẫn cho doanh nghiệp khảo sát trồng cao su. Tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), hai dự án trồng cao su của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn và Công ty CP Đầu tư Tân Tiến được giao trên những cánh rừng khộp nhiều sỏi đá, khó trồng cao su. Sau 3 năm được giao đất, Công ty TNHH Hoàng Nguyễn mới trồng được 80ha cao su hơn 1 tuổi nhưng cây cũng xấu và phải trồng đi trồng lại vài ba lần. Còn dự án của Công ty CP Đầu tư Tân Tiến được giao chồng lên khu vực quy hoạch Khu du lịch Thác Bảy Tầng của huyện Ea H’leo.

Nhiều cánh rừng khộp ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cũng được giao trồng thí điểm cao su. Tháng 12-2010, Công ty TNHH Minh Hằng được giao 983ha tại các tiểu khu 213, 218, 226 và 231 của xã Ya T’Mốt. Ông Phan Long Hải Âu, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hằng, cho biết: Giai đoạn từ 2010-2015, công ty chỉ được giao trồng thí điểm 100ha cao su, nhưng trong đó khoảng 30ha rơi vào vùng đất trũng (chủ yếu là đất xám, đất vón) rất khó trồng cao su, vì mùa mưa lầy lội, mùa nắng lại khô cằn.

“Đã đến lúc tỉnh cần khảo sát kỹ những vùng đất quy hoạch trồng cao su, nơi nào trồng được mới giao cho doanh nghiệp, còn lại thì trồng rừng. Không nên giao trồng thí điểm tràn lan vì sẽ tốn sức, tốn của và không có hiệu quả kinh tế”, ông Âu đề xuất.

Từ năm 2008 - 2011, các tỉnh Tây Nguyên cho phép các doanh nghiệp (DN) khảo sát, lập 273 dự án trồng cao su. Trong đó, có 277 dự án của 131 DN được phê duyệt với tổng diện tích trồng cao su trên đất lâm nghiệp là 117.220ha, nhưng phần lớn là đất rừng tự nhiên với diện tích lên tới 92.669ha (chiếm 79%). Trong thời gian từ năm 2005 - 2012, bình quân, mỗi năm Tây Nguyên mất đi gần 26.000ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%. (Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT).

Bài 2: Dân chưa giàu từ cao su

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục