Thực trạng đào tạo mỹ thuật ứng dụng: Lượng nhiều - chất ít

Không kể số lượng các trung tâm đào tạo mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) được thành lập phục vụ nhu cầu học tập của giới trẻ, hiện nay có khoảng 15 trường CĐ, ĐH mở khoa mỹ thuật công nghiệp (MTCN). Hoạt động MTƯD, MTCN khá sôi động, có mặt trên từng cây số, từng khoảnh khắc của con người trên hành tinh, nó gần như hòa tan vào cuộc sống…
Thực trạng đào tạo mỹ thuật ứng dụng: Lượng nhiều - chất ít

Không kể số lượng các trung tâm đào tạo mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) được thành lập phục vụ nhu cầu học tập của giới trẻ, hiện nay có khoảng 15 trường CĐ, ĐH mở khoa mỹ thuật công nghiệp (MTCN). Hoạt động MTƯD, MTCN khá sôi động, có mặt trên từng cây số, từng khoảnh khắc của con người trên hành tinh, nó gần như hòa tan vào cuộc sống…

  • Rộng cửa đào tạo

Chỉ cần dạo quanh một vòng trên các đường phố, biết bao hình ảnh xuất hiện qua các băng rôn, poster quảng cáo, hình ảnh quảng cáo kịch, ca nhạc, phim ở các tụ điểm, sân khấu, rạp chiếu phim, hàng hóa, kiểu dáng tủ, ghế, giường ngủ ở các cửa hàng trang trí nội thất, các loại xe, điện thoại di động… có thể giúp người ta hình dung ý nghĩa: khi đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu thưởng thức tiện nghi tương ứng và sự cạnh tranh cũng xuất hiện… Nhiều ngành nghề lúc này được ra đời theo quy luật cung - cầu của xã hội. Một số trường như ĐH Kiến trúc, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Dân lập Văn Lang, ĐH Quốc tế Hồng Bàng… đã mở khoa MTCN. Phần lớn các trường quan tâm đào tạo 4 lĩnh vực: thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, tạo dáng công nghiệp, trang trí nội thất.

Bà Hồ Thị Kim Quỳ, Phó khoa MTCN (ĐH Quốc tế Hồng Bàng) nhận xét: “…Ở nhà trường, hoạt động thực hành của sinh viên luôn được chú trọng. Thuận lợi cơ bản nhất khi nhà trường có xưởng may cho bộ môn thiết kế thời trang. Đồng thời các nghệ nhân, chủ các lò gốm ở Lái Thiêu, chủ xưởng đúc đồng ở Tân Tạo… sẵn sàng nhận sinh viên vào “thử tay nghề”…”.

Chiếc đèn trang trí được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng được người thiết kế lấy ý tưởng vào tạo dáng từ hình tượng bông sen. Ảnh: AN DUNG

Chiếc đèn trang trí được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng được người thiết kế lấy ý tưởng vào tạo dáng từ hình tượng bông sen. Ảnh: AN DUNG

ĐH Tôn Đức Thắng cũng có xu hướng mở rộng hoạt động thực nghiệm, giúp sinh viên cọ xát công việc nghề nghiệp với đời sống. Về hoạt động đào tạo các lĩnh vực thiết kế, ông Vũ Hiền, Trưởng khoa MTCN, nhận định: “Vào những năm 90 của thế kỷ trước, đồ họa vi tính phát triển, nhiều người đổ xô tìm học bộ môn này. Thế nhưng, cho đến nay, chiều hướng đã thay đổi và môn thiết kế nội thất lại “lên ngôi”. Điều này cũng dễ hiểu: khi đời sống người dân được nâng cao, nhiều công trình nhà cửa xây mới và hiệu ứng nảy sinh, môn thiết kế nội thất đã thu hút nhiều sinh viên theo học. Còn ngành thiết kế tạo dáng công nghiệp, tuy là lĩnh vực chủ chốt nhưng chưa phải là thế mạnh khi nền công nghiệp Việt Nam của chúng ta chưa phát triển cao”.

Phạm Hải Quỳnh Dương (sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng) từng cho biết quá trình thực hiện khá công phu đồ án tốt nghiệp làm poster cho bộ phim Bỗng dưng muốn khóc. Công việc ban đầu tuy nhiều thách thức, khó khăn, nhưng khi tiếp cận đoàn phim, cô cũng nhanh chóng thích nghi với cách làm việc chuyên nghiệp của họ. Quỳnh Dương nhập cuộc khá tốt: đọc, nghiền ngẫm kịch bản, suy nghĩ về hình tượng nhân vật, tìm ý tưởng, tiếp xúc diễn viên… Ý tưởng chủ đạo cho đồ án được cô nắm bắt ngay chi tiết khá thú vị trong phim: một cô gái xinh đẹp, tốt bụng, có tính cách mạnh mẽ, thương người, tâm hồn rất trong sáng… nhưng tất cả những ưu điểm ấy lại đối lập với một điều khá nghịch lý, là cô gái bán sách lại không biết… đọc một chữ nào!

Ứng dụng mỹ thuật trong thiết kế thời trang trên chiếc áo dài của nhà tạo mẫu Sỹ Hoàng. Ảnh: AN DUNG
Ứng dụng mỹ thuật trong thiết kế thời trang trên chiếc áo dài của nhà tạo mẫu Sỹ Hoàng. Ảnh: AN DUNG
  • Lượng át chất

Là người đi tiên phong mở đường, xây dựng và phát triển khoa MTCN ở các trường ĐH phía Nam, họa sĩ Vũ Hiền có rất nhiều kinh nghiệm khi phân tích tình hình các trường đang đua nhau mở khoa MTCN. Theo ông, thực trạng khá ngổn ngang, do mạnh ai nấy làm! Có trường còn “sáng tạo” ra những môn học chiều theo thị hiếu người tiêu dùng như chép tranh; học nhái Manga; hoạt hình Nhật Bản… Về chương trình học, có nơi tự lược bỏ những môn học cơ bản, cơ sở tạo hình, biến đào tạo thành chiến lược kinh tế bất chấp mọi kiến thức đầu vào, đầu ra, trình độ người dạy, bất chấp môi trường của người học… Có nhà trường coi ngành MTCN chỉ là hình thức. Họ cho rằng đào tạo MTCN tốn kém và không có lãi như các ngành khác, nên không quan tâm đầu tư cơ sở vật chất. Lớp học nhồi nhét sinh viên nhằm giảm chi phí cho đội ngũ giáo viên. Sinh viên tăng nhưng lượng lấn át chất!

Trong một ý khác, họa sĩ Vũ Hiền phân tích về chuyên môn hiện tại cũng lâm vào tình trạng thiếu giáo trình mới. Việc gắn bó với thực tiễn xã hội còn nhiều bất cập. Một số nơi chưa là cầu nối  cho sinh viên đến được các cơ sở sản xuất để tham quan, thực tập, thực hành. Điều này khiến khi ra trường, sinh viên thiếu thực tế, ngơ ngác trước các phương tiện kỹ thuật có liên quan tới ngành nghề. Có khi, họ phải mất 1 – 2 năm để tiếp cận sản xuất…

  • Giải pháp

Đề xuất một trong số các giải pháp về phát triển hoạt động MTƯD, đào tạo ngành MTCN, họa sĩ Vũ Hiền nhấn mạnh: một xã hội có nền kinh tế mạnh, có bộ mặt đất nước đẹp thì phải có nhiều hàng hóa sản phẩm mới, chất lượng cao, mẫu mã mới. Vậy thì phải có những nhà thiết kế tâm huyết, có trình độ mỹ thuật, kỹ thuật cao. Và, họ là người rất xứng đáng để tôn vinh. Sinh viên cũng được học trực tiếp với công nhân, nghệ nhân này.

“Nên có Hiệp hội Thiết kế để góp phần là người tư vấn cho xã hội, cho nhà trường. Hiệp hội Thiết kế cũng là cầu nối, đối thoại, góp ý kiến giữa những người hoạt động nghề nghiệp với các nhà lãnh đạo, nhằm đề ra những chính sách, kế hoạch sát thực, những chế tài phối hợp chặt chẽ giữa nhà thiết kế với người tiêu dùng… nhằm cải thiện đất nước tiến tới giàu mạnh, xã hội văn minh”, họa sĩ Vũ Hiền tâm huyết bày tỏ suy nghĩ

YÊN NGỌC

Tin cùng chuyên mục