Sau nhiều năm thi công, đầu những năm 2000, nước từ công trình đại thủy nông Ayun Hạ đã xuôi dòng tưới cho những cánh đồng lúa, ruộng mía, rẫy bắp ở các huyện Ia Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai). Từ đây, “chảo lửa” phía Đông Nam Gia Lai đã biến thành “thung lũng xanh”, cuộc sống của những nông dân được khơi nguồn, cất cánh.
Nông dân đổi đời
Ai có dịp về Phú Thiện trong những năm gần đây sẽ được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của mảnh đất này. Nằm dưới chân đèo Chư Sê, từ khô cằn trơ trọi, khi công trình thủy lợi Ayun Hạ đưa nước về, vùng đất này đã bừng dậy hồi sinh. Nhiều người đến đây theo chính sách “kinh tế mới”, nay đã yên ổn làm ăn, xem nơi này như quê hương thứ hai, và ngày càng nhiều bà con, họ hàng ở Bắc-Trung - Nam về đây lập nghiệp, ổn định đời sống.
Tháng ba ở Tây Nguyên, chúng tôi trở lại vùng đất “trẻ” này. Nói “trẻ” vì huyện Phú Thiện mới được thành lập tròn 5 năm, còn đầy những lo toan, bộn bề. Trong nắng sớm, người dân thôn Plei Kte lớn B, xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) xuống đồng chăm sóc lúa đang lên xanh.
Gặp nông dân Siu Chă (dân tộc Ja Rai) trên cánh đồng, anh cười tươi cho biết: Sau nhiều năm tiếp thu, học hỏi phương thức sản xuất lúa nước của người Kinh, cộng với hướng dẫn kỹ thuật của ngành nông nghiệp địa phương, giờ đây “sự nghiệp” trồng lúa nước của gia đình anh và bà con trong thôn, làng không thua kém nơi nào. Mỗi năm, với năng suất bình quân 7 tấn/ha/vụ, gia đình anh thu lãi hơn 80 triệu đồng từ 2ha lúa nước; cộng với mì, bắp lai, bò, heo, gà… kết thúc một năm làm lụng, Siu Chă cũng được hơn trăm triệu đồng. Đó là chưa kể tới máy tuốt lúa, xe công nông... phục vụ sản xuất của gia đình và bà con trong vùng.
Những năm 1990, khi chưa có công trình thủy lợi Ayun Hạ, sản xuất nông nghiệp của bà con Ja Rai vùng Đông Nam tỉnh Gia Lai hầu như phó mặc... cho trời. Quanh năm, bà con cứ canh tác theo kiểu phát, đốt, chọc, tỉa. Trên đồng đất khô hạn, họ tra hạt lúa xuống, rồi để chúng tự lớn lên, hết sức hoang sơ... Rồi nhiều năm trôi qua, cái đói, cái nghèo cứ đeo đuổi nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bấp bênh…
Còn giờ đây, theo lời ông Ksor Dương, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện, đã có hơn 90% số bà con người dân tộc thiểu số nhuần nhuyễn làm lúa nước hai vụ, cho năng suất cao, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ở vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng” giờ đã xuất hiện nhiều triệu phú người Ja Rai, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, như hộ ông Rơ Mah Hyoh (thôn Plei Tel B, xã Ia Sol), hộ ông Nay Giác (thôn Ama Nhơn, xã Ia Pia)...
Thương hiệu “lúa gạo Phú Thiện”
|
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, cánh đồng lúa ở huyện Phú Thiện có năng suất bình quân cao nhất tỉnh, trên dưới 65 tạ/ha. Có được năng suất “vàng” như vậy, trước hết là nhờ dòng nước mát từ công trình thủy lợi Ayun Hạ (năng lực tưới 12.500ha diện tích cây trồng). Sau nữa, huyện Phú Thiện còn được thụ hưởng dự án cấp giống lúa cấp I trong giai đoạn 2002 - 2006. Đây là những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, như giống Ma Lâm, DV 108, HT1 (giống Hương thơm).
Nông dân ở đây cần cù, chăm chỉ, biết áp dụng những biện pháp thâm canh và quy trình bảo vệ thực vật. Nhờ hội đủ các yếu tố nước - phân - cần - giống, khiến vùng đất quanh năm khô khát trước đây, giờ trở thành cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, cho biết, không nơi nào ở khu vực Tây Nguyên có đồng lúa mênh mông như Phú Thiện. Mục tiêu chiến lược của huyện giai đoạn 2010 - 2015 là triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào nhiệm vụ chính là xây dựng thương hiệu “Lúa gạo Phú Thiện”. Theo đó, ngành nông nghiệp huyện tổ chức lại sản xuất theo hướng “cánh đồng một giống”, gắn với tập huấn nâng cao kỹ năng ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến. Đặc biệt, sẽ thực hiện quy trình GAP, quản lý sau thu hoạch.
Với lợi thế của vùng lúa nước hai vụ có diện tích lớn, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp Tây Nguyên, Trạm Giống cây trồng của tỉnh đặt tại xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) nghiên cứu đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng, tìm kiếm giống lúa mới phù hợp, tạo nên giống lúa đặc sản. Ngoài việc phát triển lúa thương phẩm, còn tạo ra vùng nguyên liệu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của khu vực.
Chia tay đồng lúa Phú Thiện, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Phụng gửi gắm: Nâng cao chất lượng hạt gạo Phú Thiện, tiếp cận và tạo dựng uy tín trên thị trường là hướng đi trong những năm tới của địa phương. Ngoài sự nỗ lực tự thân, huyện rất cần sự hỗ trợ của tỉnh. Hy vọng ý tưởng đưa hạt gạo Phú Thiện vào bản đồ lúa gạo Việt Nam sớm thành hiện thực.
Đức Trung