Thước đo văn hóa

Từ lá thư của em Nguyễn Mạnh Quân, học sinh Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) gửi qua Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP Đà Nẵng (do Trung tâm Thông tin dịch vụ công, Sở TT-TT điều hành) về việc không có sân chơi, sau đó bức thư này đến tay lãnh đạo quận Sơn Trà và vấn đề được giải quyết. Từ bức thư của Quân, chúng ta không khỏi giật mình khi sân chơi cho trẻ, thậm chí cho cả thanh niên, chưa được quan tâm đúng mức.

Bức thư đề ngày 29-3-2016 của em Nguyễn Mạnh Quân cho biết, khu phố em ở có một công viên nhưng không có đèn chiếu sáng, bên trong lại là nơi chăm sóc cây cảnh của người khác nên các em nhỏ trong khu phố không có chỗ để đá bóng. Vì vậy, các em phải đá bóng ở ngã ba đường, nhưng việc đá bóng này là nguy hiểm do phương tiện qua lại đông đúc. Vì vậy, em Quân gửi đến chính quyền với mong muốn: “...con viết lá thư này ao ước có đèn chiếu sáng vào buổi tối, để con được chơi đá banh với các bạn trong xóm...”.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin của em Quân, ngày 9-4, UBND quận Sơn Trà đồng ý đầu tư 80 triệu đồng để lắp 4 trụ đèn chiếu sáng tại khu công viên này. Dự kiến ngày 15-4 này, việc lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng hoàn thành. Đồng thời, các cấp chính quyền huy động các hội ngành đoàn thể, vận động nhân dân tổng dọn vệ sinh môi trường, tạo không gian thông thoáng cho trẻ em vui chơi.

Một bức thư với ước mơ hồn nhiên của con trẻ về một vấn đề hết sức nhỏ bé - theo suy nghĩ của người lớn - đó là cái sân chơi, vậy mà làm bao người lớn giật mình. Giật mình vì lẽ, lâu nay trong quá trình phát triển đô thị, sân chơi cho thanh thiếu niên dường như chưa được quan tâm đúng mức. Có một thực tế, trong quy hoạch, nhiều khu phố rộng lớn, nhà san sát nhau nhưng không có lấy một khoảng trống thông thoáng để sinh hoạt chung. Có những khu phố tuy có công viên nhưng bị trưng dụng làm việc khác hoặc bỏ hoang, bẩn thỉu.

Bởi vậy, ở nhiều khu đô thị mới, nhiều thanh thiếu niên tràn xuống đường đá bóng, nô đùa... vô tình gây nguy hiểm cho chính họ cũng như cho những người đi đường. Vậy nhưng, khi nhìn thấy thanh thiếu niên đá bóng dưới đường, người ta thường phê phán thanh thiếu niên thiếu ý thức, nhưng ít ai chịu hỏi: Tại sao thanh thiếu niên lại xuống đường đá bóng với bao hiểm nguy rình rập?

Bức thư của cậu bé Quân là một câu trả lời cụ thể, rõ ràng khiến những người lớn ngộ ra nhiều điều. Lâu nay, người lớn “quên” quan tâm đến sân chơi - cho trẻ và vỡ lẽ rằng “tại sao ngày càng nhiều thanh thiếu niên cứ la cà quán cà phê, chơi game?”.

Điều đáng nói hơn, một công viên như công viên gần nhà em Quân, tại sao phải đến khi em Quân - một học sinh cấp 2 - phản ánh thì các cấp lãnh đạo quận Sơn Trà mới biết để xử lý? Chính quyền địa phương, tổ dân phố, các hội đoàn thể, đoàn thanh niên... đang ở đâu? Họ có nhìn thấy thực trạng công viên này như em Quân nhìn thấy? Có trả lời hết các câu hỏi trên, chúng ta mới có thể hiểu được người lớn đang quan tâm đến trẻ em ở mức nào.

Năm 2015, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã phát động xây dựng thành phố văn hóa và chi nhiều tỷ đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa tại các địa phương. Thế nhưng, đến nay các thiết chế văn hóa này vẫn chưa phát huy tác dụng như mong muốn.

Lâu nay, các thế hệ lãnh đạo TP Đà Nẵng dám nói dám làm, dám lắng nghe... để có một TP Đà Nẵng khang trang như hiện nay. Tuy nhiên, lãnh đạo cấp thành phố, cấp quận... dù cởi mở lắng nghe đến mức nào chăng nữa cũng không thể nắm và xử lý hết từng “cây kim, sợi chỉ” như trường hợp công viên gần nhà em Quân. Vì vậy, chính quyền cấp cơ sở, các hội đoàn thể phải nâng cao vai trò quản lý, giám sát, phản biện của mình trước mọi mặt đời sống xã hội thì may ra con đường trở thành thành phố văn hóa văn minh, thành phố đáng sống mới được rút ngắn.

Ai đó đã nói rằng: “Để đánh giá tầm văn hóa của một gia đình, hãy nhìn vào cách họ đối xử với con trẻ”. Đối với một xã hội, cách quan tâm đến con trẻ sẽ là thước đo văn hóa cho xã hội đó.

NGUYÊN KHÔI

- Từ phản ánh của một học sinh, chính quyền Đà Nẵng đầu tư sân chơi

Tin cùng chuyên mục