Hàng chính hãng?
Thông tin từ lãnh đạo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, trong số hàng loạt khiếu nại từ doanh nghiệp và người tiêu dùng về thương hiệu nhái có tên một số thương hiệu như N.K, T.G.D.Đ., Đ.M.X… Những đơn vị này đều bị các công ty nhỏ, chưa tên tuổi làm nhái, giả mạo và rao bán sản phẩm, bảo hành tận nhà một cách công khai. Qua xác minh của Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, những hàng nhái đều tranh thủ tên tuổi, uy tín của doanh nghiệp chính hãng để gạt người mua nhằm thu lợi bất chính, như thành lập các trang mạng có tên gọi, logo thương hiệu giống hệt doanh nghiệp thật, sau đó quảng bá sản phẩm có giá rẻ để lừa người mua. Chia sẻ với báo chí, hàng loạt đại diện các thương hiệu như N.K, Đ.M.X. đều bức xúc cho biết, đơn vị đã tiếp hàng chục cuộc gọi điện thoại cũng như đơn phản ánh yêu cầu bảo hành sản phẩm của khách mua hàng trôi nổi, yêu cầu được đổi trả sản phẩm. Để chỉ cho người mua thấy rằng họ bị lừa mua hàng dỏm, phía siêu thị điện máy đã phải làm thêm các công đoạn như so sánh, đối chiếu website thật - giả, hàng thật - giả để khách hàng nhận ra sự khác biệt. “Do người mua thiếu hiểu biết nên bị lường gạt. Chúng tôi cũng liên tục cảnh báo trên website chính hãng nhưng nhiều người vẫn bị lừa”, giám đốc truyền thông của một thương hiệu điện máy tên tuổi, bức xúc.
Chị N.T. (ngụ trên đường Nguyễn Ảnh Thủ, quận 12, TPHCM) phản ánh, chị từng gọi trực tiếp cho một địa chỉ trên mạng có gắn logo siêu thị N.K. (nhưng thực chất là cửa hàng giả mạo), để yêu cầu bảo hành sản phẩm. Nhân viên siêu thị đã đến kiểm tra, sửa chữa tủ lạnh nhà chị N.T. nhưng đòi thu phí khá cao, lên tới 500.000 đồng. Thắc mắc trước mức giá này, chị N.T. gọi đến Tổng đài 1080 TPHCM để xin số điện thoại đường dây nóng của siêu thị N.K. Từ đó, chị N.T. được xác nhận sản phẩm còn trong thời hạn bảo hành nên miễn phí; đồng thời, nhân viên trực tổng đài đề nghị chị N.T. xem bảng tên của nhân viên và có hướng xử lý. Tuy nhiên, nghi ngờ hành vi giả mạo có khả năng lộ tẩy nên nhân viên bảo hành này từ chối hợp tác và tranh thủ lúc chị N.T. không để ý đã lái xe bỏ đi. Theo chị N.T., đây là bái học cảnh giác cho người tiêu dùng. “Rất may, tôi tranh thủ gọi lại số tổng đài của siêu thị điện máy N.K. để xác minh nên không bị lừa. Vì thế, tốt nhất mọi người nên đề cao cảnh giác với trường hợp quảng cáo bán hàng điện máy trả góp, bán sản phẩm giá rẻ… trên các trang mạng giả mạo thương hiệu”, chị N.T. cho biết.
Chế tài không đủ răn đe
Không chỉ mặt hàng điện máy mà nhiều sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm các loại cũng bị làm nhái, làm giả. Chỉ tính riêng mặt hàng bánh, kẹo của những thương hiệu nổi tiếng cũng là món lời béo bở của những đối tượng làm giả, làm nhái. Chẳng hạn, tại các cửa hàng tạp hóa ở nông thôn rất dễ bắt gặp các thương hiệu bánh như Damisa (nhái của Danisa), Oshi (nhái của Oishi), Custar (nhái của Custas), Choco Pia (nhái của Choco Pie)… Tất nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng đủ tỉnh táo để phân biệt được với sản phẩm chính hãng. Từ đầu tháng 9 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã kiểm tra, tạm giữ hàng chục vụ vi phạm liên quan đến hàng kém chất lượng, hàng giả mạo, nhập lậu…, tịch thu gần 57.000 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, quần áo các loại.
Theo Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nghiêm cấm hành vi giả mạo, phát tán thông tin sai sự thật, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Nghị định số 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông từ 20 - 30 triệu đồng. Thế nhưng, mức xử phạt này còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Ngoài ra, người tiêu dùng có tâm lý chung ham rẻ, lấy mức giá để so sánh, làm tiêu chí mua sắm. Thực sự, không hẳn “của rẻ là của ôi”, nhưng rõ ràng để có một sản phẩm chất lượng, lại có giá siêu rẻ thì không doanh nghiệp nào có thể thực hiện. Do vậy, đại diện các cơ quan chuyên trách, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo rằng người dân nên cảnh giác và cần thận trọng khi thấy sản phẩm được chào bán với giá rẻ bất ngờ, phi lý.