Hồ tiêu Chư Sê đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để thương hiệu mặt hàng nông sản chủ lực này của tỉnh Gia Lai phát triển vững vàng, phía trước vẫn còn một chặng đường dài phấn đấu.
- Những triệu phú vùng sâu
Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) có diện tích đất tự nhiên 135.098ha, trong đó đất có khả năng sản xuất nông nghiệp 60.000ha, rất phù hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày, đặc biệt là cây hồ tiêu. Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, hồ tiêu đã được người dân đưa về trồng và phát triển thành cây hàng hóa mang lại lợi nhuận cao.
Ngay từ đầu khi đặt mục tiêu phát triển sản xuất hàng hóa, lãnh đạo huyện Chư Sê cũng đã xác định cây tiêu là một trong những cây trồng chủ lực đi đầu trong việc tạo ra hàng hóa xuất khẩu. UBND huyện Chư Sê và Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cùng với các cơ quan chức năng khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và chế biến hồ tiêu, giúp xây dựng quy trình kỹ thuật chọn giống, trồng, thu hái, chế biến và bảo quản hồ tiêu, phát triển sản phẩm hồ tiêu bền vững.
Giờ đây, không ít hộ gia đình đồng bào Ja Rai, Ê Đê đã tiếp cận và làm quen với các quy trình kỹ thuật hiện đại trồng và chế biến hồ tiêu. Ông Riah Ke ở làng Bê The, xã Ia H’rú, huyện Chư Sê vào những năm đầu đổi mới kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Song khi thấy cán bộ huyện vận động trồng tiêu đã dành dụm tiền mua giống, trụ trồng dần. Đến nay gia đình ông có vườn tiêu 1 ha, năng suất 7 tấn, doanh thu hàng năm hơn 300 triệu đồng.
Anh Ksor Ken ở làng Plei Hrai Dong 2, thị trấn Nhơn Hòa, mặc dù thuộc thế hệ hậu sinh trong giới làm tiêu, song đến nay đã có vườn tiêu 2 ha, trong đó mới một phần nhỏ đưa vào kinh doanh, sản lượng được hơn 4 tấn, thu nhập 200 triệu đồng/năm. Các hộ gia đình như Siu Rôn ở làng Klah, xã Al Bá; Đinh Lăh ở làng Bui, xã Bờ Ngoong, Sui Pan ở xã Ia Đreng... đều là những hộ rất giỏi trong áp dụng quy trình kỹ thuật, tạo ra năng suất tiêu khá cao.
- Tiềm năng lớn, hiệu quả cao
Đến nay, huyện Chư Sê có trên 3.000ha tiêu kinh doanh cho năng suất bình quân 6 tấn/ha/năm, chiếm 20% sản lượng hồ tiêu của cả nước, là huyện đứng đầu về năng suất, sản lượng cũng như chất lượng trong ngành hồ tiêu thế giới. Tiêu Chư Sê đã được xuất sang 73 quốc gia và vùng lãnh thổ, qua mặt các nước có nghề trồng tiêu lâu đời như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia… Thương hiệu hồ tiêu Chư Sê dần dần được khẳng định trên thị trường quốc tế.
Từ những thành quả đạt được, ngày 14-8-2007, Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đã ký quyết định cấp giấy chứng nhận đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể số 86.138 cho thương hiệu “Hồ tiêu Chư Sê”. Đây là thương hiệu đầu tiên dành cho những người nông dân Tây Nguyên, trong đó không ít hộ là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Sê, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - một trong những người góp công lớn làm nên thương hiệu tập thể này, cho biết: Các doanh nghiệp áp dụng công nghệ chế biến tiêu trắng từ tiêu quả tươi ngay sau khi thu hoạch không dùng hóa chất để xử lý nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế cao cho sản phẩm.
Chư Sê cũng là huyện đầu tiên của cả nước tìm ra quy trình chế biến tiêu đỏ từ những hạt chín, và được các đơn vị kiểm định đánh giá đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có giá trị xuất khẩu cao. Đặc tính sản phẩm tiêu Chư Sê là độ đen bóng đồng đều, hạt to đều và đẹp; hương thơm đặc trưng, cay nồng, dung trọng sản phẩm tiêu đen Chư Sê cao nhất cả nước.
Hiện tại, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chế biến được các loại sản phẩm đặc trưng như: tiêu đen, tiêu trắng, tiêu đỏ, tiêu hữu cơ và tiêu bột. Sản phẩm tiêu Chư Sê hiện đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính như EU và Mỹ; tạo việc làm, ổn định đời sống cho gần 10.000 hộ dân, trên 16.000 lao động trực tiếp sản xuất; thu ngoại tệ trên 60 triệu USD cho đất nước.
Trong thời gian tới, hồ tiêu Chư Sê phát triển ổn định trên 3.000ha, sản lượng từ 18.000 - 20.000 tấn/năm. Được biết, trong năm 2010, Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Gia Lai sẽ hỗ trợ Chư Sê triển khai 3 đề tài, dự án phục vụ cho việc quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm “Hồ tiêu Chư Sê”, với tổng kinh phí đầu tư lên đến 4,1 tỷ đồng, để cây hồ tiêu Chư Sê phát triển bền vững và sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới
AN KHÊ