Thương hiệu “Nhi Bình Tân”

Thương hiệu “Nhi Bình Tân”

Tại TPHCM, trước nhu cầu khám và điều trị của hơn 10 triệu dân thành phố và nhân dân các tỉnh thành lân cận, các bệnh viện (BV) - đặc biệt là những BV chuyên khoa tuyến cuối như ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi đồng - thường xuyên bị quá tải. Để giảm bớt tình trạng này, 17 BV thành phố đã thành lập 48 phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh tại 12 BV tuyến quận - huyện. Mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả, đặc biệt ở khoa nhi. Thực tế từ BV quận Bình Tân là một ví dụ điển hình…

        Tăng 2,5 lần

Khá thú vị khi chúng tôi gặp trường hợp bé Quỳnh Anh (12 tháng tuổi) bị rối loạn tiêu hóa, nằm điều trị được 3 ngày tại Khoa Nhi của BV quận Bình Tân. Mẹ cháu tên Chi, là điều dưỡng của Khoa Tai Mũi Họng - BV Nhi đồng 1. Chị cho biết gia đình sống ở quận Bình Tân, mỗi khi con bị bệnh chị đều đưa đến khám tại BV quận. Chị nói: “Chất lượng khám chữa bệnh nơi đây rất tốt, phòng bệnh lại rộng rãi, thoáng mát. Cho nên, dù là nhân viên của BV Nhi đồng 1 nhưng tôi vẫn đưa con đến đây điều trị cho thuận tiện, gần nhà”. Tương tự là trường hợp của bé Như Ý (8 tháng tuổi, ngụ phường Bình Trị Đông, bị viêm phổi). Chị Huệ Liên (mẹ cháu Ý) kể: “Tôi nghe hàng xóm khen các bác sĩ khoa nhi của BV quận “mát tay” nên rất yên tâm đưa con vào đây điều trị”.

Theo Sở Y tế TPHCM, bên cạnh việc thành lập các phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh tại 12 BV quận - huyện, nhiều kỹ thuật chuyên môn đã và đang được BV tuyến thành phố chuyển giao cho BV tuyến dưới. Qua đó đã giúp các BV quận - huyện tăng từ 5% - 15% lượt bệnh nhân đến khám và giảm đáng kể tỷ lệ chuyển viện lên tuyến trên.

Đó là kết quả sau hơn 2 năm nỗ lực xây dựng thương hiệu “Nhi Bình Tân” của đội ngũ cán bộ y tế BV quận dưới sự hỗ trợ của BV Nhi đồng 1. Bắt đầu từ giữa tháng 7-2011, thực hiện Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ các BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh”, BV Nhi đồng 1 đã đưa bác sĩ về BV quận Bình Tân tham gia khám ngoại trú lẫn điều trị nội trú. Với cách làm này, lượng bệnh nhân nhi đến khám và chấp nhận ở lại điều trị tăng rõ rệt.

Về khám ngoại trú, số lượt bệnh nhân nhi đến khám trong năm 2013 tăng hơn 2,5 lần so với trước khi có phòng khám vệ tinh của BV Nhi đồng 1 (hiện bình quân khoảng 220 lượt/ngày).

Về điều trị nội trú, trước kia 50 giường lưu bệnh của khoa nhi thường xuyên trống, họa hoằn lắm mới có trường hợp nhập viện và chỉ sau 1 đêm nằm viện cho đủ thủ tục thì cha mẹ “đùng đùng cuốn gói” đòi chuyển viện cho con. Từ khi có “1816” và sau đó là thành lập Khoa Nhi vệ tinh (giữa năm 2012), BV quận Bình Tân phải liên tục nâng số giường bệnh nhi - đến nay là 150 giường - mới đáp ứng đủ nhu cầu. “Ngược chiều” với xu hướng trên là tỷ lệ bệnh nhân chuyển viện ngày càng giảm, từ 2,54% của năm 2011 xuống chỉ còn 0,71% ở năm 2013. Có thể nói, từ chỗ “bệnh nhân ít, chuyển viện nhiều”, với quyết tâm và nỗ lực, Khoa Nhi BV quận Bình Tân đã thực hiện được cú “đảo chiều” ngoạn mục.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Hoàng Sơn (người đeo kính), Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng BV Nhi đồng 1 hướng dẫn kỹ thuật phẫu thuật tai - mũi - họng nhi tại BV quận Bình Tân.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Đặng Hoàng Sơn (người đeo kính), Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng BV Nhi đồng 1 hướng dẫn kỹ thuật phẫu thuật tai - mũi - họng nhi tại BV quận Bình Tân.

        Thương hiệu “Nhi Bình Tân”

Quận Bình Tân là địa phương có lượng bệnh nhân nhi khá cao (dân số 800.000 người, trong đó 1/3 là trẻ em, phần lớn là con em của công nhân, người thu nhập thấp). Sau một thời gian thực hiện “1816” mang lại hiệu quả rõ rệt với lượng bệnh nhân tăng lên mỗi ngày, BV Nhi đồng 1 quyết định thành lập Khoa Nhi vệ tinh tại BV quận Bình Tân. Lãnh đạo 2 BV thống nhất quan điểm: BV Nhi đồng 1 hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật tại chỗ, đào tạo tại chỗ, hướng tới mục tiêu BV quận Bình Tân “tự chủ hoàn toàn” về đội ngũ y bác sĩ có tay nghề cao. Đây mới là biện pháp cơ bản, hữu hiệu để giải được bài toán quá tải do thiếu nhân lực y tế.

Đến đầu năm 2014, BV quận Bình Tân đã “chạm đích” mục tiêu trên, toàn bộ bác sĩ, y tá, điều dưỡng của khoa nhi đều là người tại chỗ. BV Nhi đồng 1 chuyển qua phương thức hỗ trợ từ xa và chuyển giao kỹ thuật theo từng gói, cụ thể hiện tại là kỹ thuật phẫu thuật tai - mũi - họng cho bệnh nhân nhi (cắt amiđan, VA… bằng kỹ thuật cao coblator). Trước kia, với những bệnh lý này, sau khi khám nội khoa thì Bình Tân chuyển bệnh nhân lên BV Nhi đồng 1 để thực hiện phẫu thuật.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV quận Bình Tân, cho biết: “BV nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây thành phố, chúng tôi đang xây dựng mô hình BV đa khoa hoàn chỉnh với các chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi, hồi sức tích cực chống độc. Về khoa nhi, tuy là BV cấp quận nhưng chúng tôi được Sở Y tế giao chỉ tiêu 150 giường. BV Bình Tân đã thành lập được box cấp cứu nhi 24/24, tiếp nhận bệnh nhân nhi tại đây không qua khoa cấp cứu chung của BV. Hiện nay, “Nhi Bình Tân” khám và điều trị tất cả các bệnh nội khoa, kể cả các bệnh nặng (như sốt xuất huyết, tay chân miệng…), trừ một số bệnh mạn tính (tim, huyết học…) mới chuyển các cháu đến BV chuyên khoa. Về ngoại khoa, chúng tôi đã thực hiện được các phẫu thuật tai - mũi - họng cho bệnh nhân nhi. Khó khăn hiện nay của BV là trang thiết bị chưa đầy đủ, còn chắp vá, thậm chí phải đi thuê”.

Trong những năm qua, dù ngân sách còn hạn hẹp so với nhu cầu phát triển, nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn tập trung đầu tư cho giáo dục và y tế. Nhiều BV quận - huyện và khu vực được xây dựng mới, khang trang. Việc nâng cao chất lượng chuyên môn cho y tế cơ sở, thu hút bệnh nhân không chỉ nhằm để giảm tải cho BV tuyến trên, mà còn là sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư, tránh lãng phí.

BỐI DIỆP

Tin cùng chuyên mục