Ngày 6-7, tại TPHCM, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công thương, Trung tâm nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt tổ chức Hội nghị “Kết nối đầu tư, xúc tiến thương mại phát triển kinh tế doanh nghiệp”. Mục đích tạo cầu nối giúp các doanh nghiệp (DN) có điều kiện giao lưu, phát triển đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh...
Các đại biểu tham dự hội nghị ngày 6-7 tại TPHCM
Theo ông Trần Giang Khuê, Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, hàng rào sở hữu trí tuệ ngày càng cao, ngay cả đối với thị trường nội địa, chứ không riêng gì xuất khẩu. Ghi nhận từ các cơ quan chuyên trách gần đây cho thấy hàng giả rất nhiều, nên DN phải nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ để tự bảo vệ mình, phát triển bền vững. Tỷ trọng tài sản vô hình chiếm khoảng 84% (trong cơ cấu tài sản của DN), thậm chí là 97% thay vì vài chục phần trăm như trước đây. Do vậy DN nên quan tâm đầu tư cho tài sản vô hình, bao gồm các yếu tố có liên quan như thương mại, kỹ thuật, pháp lý.... Làm sao để khi nhắc đến gạo, thế giới biết đến Việt Nam, tương tự như nói đến Thụy Sỹ sẽ nhắc đến đồng hồ vậy.
Doanh nghiệp thắc mắc liên quan đến sở hữu trí tuệ
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng nhấn mạnh rằng, thương hiệu là tất cả đối với DN, mất thương hiệu là mất thị trường. Bài học kinh nghiệm từ vụ Khaisilk, Asanzo… là ví dụ. Trên thị trường trong nước và quốc tế, thương hiệu của DN là thông điệp về sản phẩm, dịch vụ, làm cầu nối đối với khách hàng. Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh, thế nhưng 47% đến từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo đó cần phát huy hơn nữa những lợi thế của DN dân tộc để thúc đẩy xuất khẩu thông qua giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản xuất với thương hiệu quốc gia, tận dụng nhãn hiệu của sản phẩm sản xuất trong nước…