Nhiều diện tích khoai môn đã quá ngày thu hoạch nhưng chờ mãi chẳng thấy thương lái tới mua. Giá khoai môn ngày càng rẻ và tiêu thụ ì ạch khiến người dân rơi vào cảnh thua lỗ nặng…
Khổ vì khoai
Nhiều năm nay, khoai môn là một trong những cây trồng chủ lực của người dân các xã Tân Mỹ, Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B và Hội An Đông (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), vậy mà lúc này người trồng khoai lại khổ vì khoai. Ông Hà Văn Phong, ngụ xã Tân Mỹ (huyện Lấp Vò), buồn bã: “Năm nay, gia đình tôi bỏ lúa đông xuân để trồng 2,5 công khoai môn, hy vọng trúng giá như năm rồi. Vốn nhà, vốn vay, tất cả mấy chục triệu đồng đầu tư hết vào vụ khoai. Thế nhưng, tới kỳ thu hoạch thì giá khoai sụt giảm thê thảm, cộng với ruộng khoai bị ảnh hưởng sâu bệnh làm củ bị hư khiến thương lái chê. Năn nỉ bán suốt mấy ngày qua, nhưng thương lái chỉ mua toàn bộ ruộng khoai 3 triệu đồng, tính ra lỗ rất nặng…”.
Giá khoai môn giảm mạnh, nông dân huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) lỗ nặng
Theo ông Trần Ngọc Thanh (xã Tân Mỹ), dân xứ này trồng khoai môn từ nhiều năm, nhưng năm nay giá khoai cứ ngày càng tệ. Hồi đầu vụ (khoảng tháng 4), khoai môn được giá tới 30 triệu đồng/công trở lên (1 công cho năng suất bình quân 3-3,5 tấn), dân lãi nhiều. Tuy nhiên, khi vào giai đoạn thu hoạch rộ hiện nay, giá khoai môn giảm thê thảm, xuống còn 10 triệu đồng/công, rồi 5-7 triệu đồng/công, thậm chí những ruộng khoai không tốt, thương lái chỉ trả giá có 2-3 triệu đồng/công… rồi bỏ đi, không thèm mua.
Tại cánh đồng khoai môn bạt ngàn ở xã Mỹ An Hưng A và xã Mỹ An Hưng B, tình hình cũng rất ảm đạm. Khoai quá kỳ thu hoạch, rủ héo lá nhưng thương lái thu mua rất thưa thớt. Ông Bùi Văn Dư, xã Mỹ An Hưng B, mếu máo: “Vụ này tôi trồng 8 công khoai môn... Lo sợ ruộng khoai quá ngày, để kéo dài trên đồng sẽ khô, chất lượng kém…, cuối cùng bán tháo, chấp nhận thua lỗ khoảng 90 triệu đồng”.
Gần đó, ông Nguyễn Văn Vẹn (cùng ngụ xã Mỹ An Hưng B) đã đầu tư gần 150 triệu đồng canh tác 10 công khoai môn, ruộng khoai hơn 6 tháng tuổi quá thời gian thu hoạch nhưng kêu bán mà thương lái chưa chịu mua. Nhiều hộ trồng khoai môn ở huyện Chợ Mới (An Giang) cũng chịu chung số phận. Giá khoai giảm mạnh và khó tiêu thụ khiến người dân chịu trận…
Giá rớt do cung vượt cầu
Ông Lê Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (huyện Lấp Vò), cho biết: “Giá khoai sụt giảm cả tháng nay khiến chính quyền và người dân như ngồi trên lửa. Thống kê mới nhất cho thấy, chi phí đầu tư vụ khoai môn hiện nay dao động 12-15 triệu đồng/công, nhưng thương lái mua chỉ khoảng 4 triệu đồng/công, khiến nông dân lỗ nặng”.
Vì sao khoai môn vụ này giảm mạnh và khó tiêu thụ? Giải thích việc này, ông Hồ Tấn Vũ, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cho rằng: “Cung quá nhiều nhưng cầu ít, là một trong những nguyên nhân chính làm cho giá giảm”. Theo ông Vũ, nông dân huyện Lấp Vò trồng khoai môn đã rất nhiều năm và trước đây diện tích chỉ vài trăm hécta. Năm 2015, giá khoai môn cũng có lúc giảm và nông dân cũng thua lỗ. Sang năm 2016, huyện Lấp Vò chủ trương khuyến cáo nông dân trồng khoai môn theo dạng “rải vụ” trong cả năm như đông xuân, hè thu và xuân hè; không tập trung vào vụ chính là đông xuân như trước.
Cách làm này giúp nông dân trồng khoai môn trúng mùa, trúng giá liên tục 2 năm (2016 và 2017). Thế rồi, năm 2018, ai cũng ùn ùn trồng khoai môn, chỉ tính đến cuối tháng 5 mà diện tích khoai môn ở huyện đã tăng lên hơn 1.000ha (cao nhất từ trước tới nay). Tăng diện tích và tăng sản lượng khoai quá nhanh, trong khi đầu ra chưa được mở rộng, từ đó khiến khoai giảm giá. Lãnh đạo UBND xã Tân Mỹ thừa nhận: “Năm nay diện tích khoai môn ở xã lên tới 368ha, tăng gần cả trăm hécta so với năm trước. Ban đầu xã rất lo và đã khuyến cáo, nhưng bà con thấy 2 năm trước có lãi cao nên ào ạt mở rộng trồng khoai…”.
Theo tìm hiểu được biết, dù khoai môn là loại cây được trồng từ nhiều năm qua nhưng nông dân vẫn sản xuất tự phát, chưa theo quy hoạch, chưa có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp. Đa phần khoai môn ở Đồng Tháp và An Giang… được bán thông qua thương lái địa phương, sau đó cung ứng cho thị trường các tỉnh ĐBSCL, các chợ đầu mối ở TPHCM…
Mấy năm nay, khoai môn xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhiều thương lái cho biết, hiện tại có khoảng 50%-60% sản lượng khoai môn được cung ứng cho thị trường này. Cụ thể, trong 2 năm trước, thương lái Trung Quốc thu mua khoai môn khá mạnh nên giá tăng cao và nông dân có lãi trung bình khoảng 20 triệu đồng/công.
“Riêng năm 2018, lúc đầu vụ, giá khoai môn vẫn khá cao, nhưng sau đó có vài thương lái Trung Quốc âm thầm sang các cánh đồng khoai môn ở huyện Lấp Vò tìm hiểu và phát hiện diện tích tăng mạnh... Thế là không bao lâu giá khoai môn giảm thê thảm. Đây tiếp tục là bài học cho việc sản xuất tự phát, theo phong trào…”, một thương lái ở huyện Lấp Vò tiết lộ.
Trước tình cảnh cây khoai môn, chính quyền địa phương ở Đồng Tháp, An Giang… đã nỗ lực liên lạc các nơi, các chợ đầu mối nhằm tháo gỡ đầu ra. Theo ông Hồ Tấn Vũ, tới đây huyện sẽ không chủ trương trồng khoai môn nhiều như vậy (nhất là vụ đông xuân), mà khuyến cáo nông dân áp dụng rải vụ hợp lý trong năm. Song song đó, quy hoạch lại vùng trồng khoai môn, đầu tư hạ tầng, kỹ thuật… Trước mắt sẽ thực hiện mô hình trồng khoai môn an toàn, trên diện tích khoảng 150ha, có sự đầu tư bài bản và kêu gọi doanh nghiệp tham gia liên kết cùng nông dân.
Đây cũng là hướng đi bền vững nhằm tránh sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tại An Giang, lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Chợ Mới cho biết, khoai môn trồng đạt thì cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng giá cả không ổn định. Vì vậy, huyện không khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích, mà chỉ duy trì khoảng 200ha. Vấn đề là đầu tư để tăng năng suất, chất lượng và kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để nông dân an tâm sản xuất…