Thượng tá - NSƯT Phạm Cường: Nhiều lúc tôi cũng chông chênh…

25 năm vào nghề, khởi nguồn từ Nhà hát kịch Quân đội, Thượng tá - NSƯT Phạm Cường đã đóng hơn 1.000 tập phim, vài chục vở kịch. Anh đã nhận 3 huy chương vàng sân khấu và 1 giải Cánh diều vàng với vai Hoàng - nam chính trong phim Khoan nói lời yêu thương của đạo diễn Nhuệ Giang. Hiện nay, NSƯT Phạm Cường là Giám đốc Điện ảnh Quân đội.
Thượng tá - NSƯT Phạm Cường: Nhiều lúc tôi cũng chông chênh…

25 năm vào nghề, khởi nguồn từ Nhà hát kịch Quân đội, Thượng tá - NSƯT Phạm Cường đã đóng hơn 1.000 tập phim, vài chục vở kịch. Anh đã nhận 3 huy chương vàng sân khấu và 1 giải Cánh diều vàng với vai Hoàng - nam chính trong phim Khoan nói lời yêu thương của đạo diễn Nhuệ Giang. Hiện nay, NSƯT Phạm Cường là Giám đốc Điện ảnh Quân đội.

NSƯT Phạm Cường và gia đình

* PV: Tính đến thời điểm này, vai diễn nào anh tâm đắc và để lại nhiều cảm xúc nhất?

- Thượng tá - NSƯT PHẠM CƯỜNG: Người nghệ sĩ chân chính thường không cho phép mình hài lòng với bất cứ vai diễn nào và tôi cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi có thể nhắc đến những vai diễn mà tôi gửi gắm được phần nào quan điểm sống, cái nhìn về thân phận con người và những tâm huyết với nghề như: Vĩnh trong Đèn vàng, Nguyễn Trí Tuệ trong Chủ tịch tỉnh và vai Quân, chủ tịch HĐQT trong Mặt nạ da người...

* Từ khi đảm nhận vai trò Giám đốc Điện ảnh Quân đội, dường như công việc quản lý đã khiến anh ít còn thời gian tham gia đóng phim? Hay là do chưa có kịch bản, nhân vật nào vừa ý để anh nhận lời?

- Công việc quản lý rất bận, nhưng kinh nghiệm gần 8 năm làm Phó Giám đốc Nhà hát Quân đội đã giúp tôi điều hành công việc thuận lợi, không thấy khó khăn gì. Dù vậy, khó mà có thể tham gia đóng phim, đóng kịch thường xuyên. Nếu gặp nhân vật phù hợp và thấy thích, có thể tôi sẽ thu xếp mọi việc để tham gia. Tôi hy vọng sẽ có thêm những vai diễn “chất” hơn nữa, trong tương lai.

* Hiện nay, một năm Điện ảnh Quân đội sản xuất bao nhiêu bộ phim? Mảng đề tài có được khai thác đa dạng hay chỉ bó hẹp trong một phạm vi nhất định?

- Trung bình một năm Điện ảnh Quân đội sản xuất từ 15 đến 17 phim, trong đó có 1 phim truyện, còn lại là phim tài liệu, phim chân dung tướng lĩnh. Mảng phim tài liệu được thực hiện 50% là phim nhựa và 50% là phim video. Điện ảnh Quân đội chú trọng nhiều đến mảng đề tài chiến tranh cách mạng, chủ yếu là phản ánh thân phận con người - những nạn nhân trong chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam... Đây chính là thế mạnh của Điện ảnh Quân đội và tôi tin các bộ phim này vì thế cũng hay hơn, nghệ thuật hơn, thuyết phục hơn. Chúng tôi xem đề tài này là một món nợ lớn và cho đến nay, chúng ta vẫn chưa phản ánh và khai thác hết.

* Vừa qua, bộ phim Người trở về được công chiếu và nhận được nhiều tình cảm của khán giả. Đây là một trường hợp khá hiếm hoi của Điện ảnh Quân đội. Vì sao phim của Điện ảnh Quân đội rất ít khi được trình chiếu ngoài rạp, thưa anh?

- Có thể nói, nhiều năm qua hiếm có phim của Điện ảnh Quân đội được chiếu rộng rãi ngoài rạp, vì thế khi bộ phim Người trở về ra rạp là sự kiện với Điện ảnh Quân đội. Nhiệm vụ của Điện ảnh Quân đội là sản xuất và lưu trữ. Đưa phim chiếu phục vụ khán giả - chủ yếu là các cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị quân đội trên cả nước là công việc của đơn vị phát hành phim. Năm nay, bộ phim Người trở về được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, ra mắt đúng dịp cả nước chào mừng 70 năm ngày Quốc khánh nên phim không chỉ chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị mà còn đáp ứng đủ điều kiện để chiếu phục vụ công chúng rộng rãi. Trong khi phim của Điện ảnh Quân đội từ đó đến nay chỉ chiếu phục vụ, không kinh doanh. Thường thì sau khi phim hoàn thành, sẽ chuyển sang Cục Tuyên huấn để đưa vào hệ thống phát hành phi quân đội mà thôi. Hiện nay, chúng tôi đang triển khai kế hoạch phát hành phim không chỉ phục vụ trong quân đội mà còn chiếu rộng rãi cho công chúng và phim Người trở về là mở đầu cho kế hoạch này.

* Điện ảnh Quân đội có lẽ là đơn vị cuối cùng còn sử dụng phim nhựa, trong khi xu thế chung hiện nay là sử dụng máy quay kỹ thuật số. Các anh đã có kế hoạch chuyển đổi công nghệ chưa?

- Điện ảnh Quân đội cũng nắm được xu thế này rồi và đã trình lên thủ trưởng Tổng cục Chính trị phương án chuyển công nghệ nhựa sang kỹ thuật số. Hiện chúng tôi đang chờ đợi hệ thống số hóa giai đoạn 2. Ở giai đoạn 1, chúng tôi đã mua máy móc để dần chuyển quay phim nhựa sang số. Giai đoạn 2, sẽ mua trang thiết bị số tương thích với giai đoạn 1 để từng bước hoàn chỉnh công nghệ kỹ thuật số cả trong sản xuất lẫn lưu giữ các bản phim.

* Điều gì giúp anh cân bằng và làm tốt các vai trò: nhà quản lý,  diễn viên, làm cha, làm chồng... trong một gia đình mà cả hai đều là nghệ sĩ?

- Suy cho cùng, tôi là người có trách nhiệm và luôn cố gắng làm tốt mọi vai trò. Vì là người có trách nhiệm, nên tôi tự nguyện bỏ đi những ham muốn và các nhu cầu cá nhân trong cuộc sống như xem phim, cà phê, đi phượt.... Tập trung cố gắng làm tốt và làm hết sức mình trong các vai trò nhà quản lý, người chủ gia đình... Cái gì thuộc nhu cầu cá nhân, tôi có thể dẹp bỏ bớt. Nhưng thực sự, dù có cố gắng trong mọi lĩnh vực, cũng rất khó cân bằng. Nhiều lúc, tôi cũng chông chênh. Làm sao ung dung tự tại được, khi mà mọi việc đòi hỏi mình nhiều đến thế...

NHƯ HOA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục