
Dẫu biết rằng tử sanh là luật vô thường, ngọn đèn cạn dầu phải tắt, nhưng khi biết được hung tin, lòng vẫn thấy bàng hoàng vì cảm thấy trên bầu trời cải lương, một ngôi sao sáng đã lặn.
Từ năm 1976, sau khi nước nhà thống nhất, hằng năm chương trình nghiên cứu trên thực địa của tôi được bạn Lưu Hữu Phước giúp đỡ sắp đặt cho tôi gặp nghệ nhân, nghệ sĩ trong nước. Nhờ vậy, mà trong mỗi chuyến đi điền dã, Lưu Hữu Phước và tôi đến thăm và ăn cơm trưa với cô Bảy Nam và Kim Cương.

NSND Bảy Nam.
Trong mỗi lần gặp gỡ, cô Bảy Nam thuật lại cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện bên lề sân khấu. Tôi được đọc qua nhiều trang hồi ký của cô Bảy Nam, biết qua sở trường của cô trong những vai đào võ. Và lúc đó, Lưu Hữu Phước đã có ý định quay phim lại những cuộc đời của các nghệ nhân lớn tuổi như cô Bảy Phùng Há, cô Bảy Nam, bà Năm Đồ, các anh Năm Châu, Bảy Nhiêu. Nhưng lúc đó, nước nhà mới vừa ra khỏi chiến tranh, ngân quỹ không dồi dào, muốn thì nhiều nhưng làm được có bao nhiêu! (lực bất tòng tâm).
Mặc dầu cô Bảy xuất thân từ sân khấu cải lương, nhưng ai có xem kịch “Lá sầu riêng” của Kim Cương thì không khỏi ngạc nhiên khi thấy trên sân khấu kịch nói một “lão nghệ sĩ” không phải đóng kịch, mà sống với vai kịch, sống thật sự, sống toàn diện, làm cho khán giả xúc động theo tình cảm của nhân vật, quên rằng mình đang “coi hát” mà tưởng như mình đang “sống thật” ngoài đời.
Cô Bảy ơi! Tôi không bao giờ quên nụ cười rất tươi cô dành cho Lưu Hữu Phước và tôi mỗi khi chúng tôi đến thăm cô. Chắc cô còn nhớ, chuyến đi Thụy Sĩ, năm 1964, cùng với cô Bảy Phùng Há, Kim Cương, Mộng Trung và tôi, giới thiệu âm nhạc và kịch nghệ Việt Nam cho các nhà thông thái, chuyên gia tại CERN Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử lực, lúc nào cô cũng có những câu pha trò duyên dáng trào phúng để làm tan sự mệt mỏi khi phải tập trung trình diễn, nhớ những buổi ăn tối tại nhà hàng Việt Nam của anh Cao Mạnh Khiêm, tại Genève mà sau đêm hát có được cữ ăn khuya với chén cháo gà, tô phở hay tô hủ tiếu.
Tôi cũng không quên lần gặp gỡ tại Đài Truyền hình TPHCM cách nay hơn 4 năm, cũng nhóm người tại Thụy Sĩ, gặp lại trên đất nước mình, trước cả triệu khán thính giả của màn ảnh nhỏ, trao đổi những suy tư, nguyện vọng của mình trong lĩnh vực âm nhạc và kịch nghệ Việt Nam.
Hôm nay nhớ lại hai lần xuất hiện trước khán giả, chung trong một chương trình nghệ thuật, cách nhau gần 30 năm, cô Bảy Nam và tôi, cùng với cô Bảy Phùng Há và Kim Cương được cái vui làm công việc đem nghệ thuật truyền thống Việt Nam đến với đồng bào trong nước và bè bạn ở phương trời xa lạ.
Vitry-sur-Seine, 18-8-2004
GSTS TRẦN VĂN KHÊ