(SGGP).- Ba lần đến chùa Pitu Khôsa Răngsây, tên tiếng Việt là chùa Viễn Quang, ở số 27/18, đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, tôi mới gặp được thượng tọa Hoàng Kim, bởi thầy bận liên tục với các chuyến đi từ thiện ở các tỉnh miền Tây.
Ký túc xá có một không hai
Từ nhiều năm nay, chùa Pitu Khôsa Răngsây nổi tiếng với việc cho sinh viên ăn ở miễn phí. Lần đầu đến chùa, chúng tôi gặp anh Lê Chí Bình, sinh năm 1987, là người giúp việc cho thượng tọa Hoàng Kim. Năm 2008, Bình từ thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang lên Cần Thơ thi đại học. Là con thứ 9 trong gia đình nghèo có 11 anh em, nên Bình đi thi mà trong túi chỉ có vẻn vẹn 38.000 đồng. Anh kể: “Tôi đi khắp nơi xin mà không ai cho nghỉ nhờ. Cuối ngày, mệt rã rời, tôi thấy chùa này nên vào ngồi nghỉ ở ghế đá trong sân. Thấy vậy có một vị sư ra ân cần hỏi han. Nghe tôi kể chuyện xong, thầy dẫn tôi vào thu xếp chỗ ăn chỗ ở”. Vị sư đó chính là thượng tọa Hoàng Kim, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây. Sau này, khi học chuyên ngành du lịch (Đại học Cần Thơ), Bình cũng được nhà chùa nuôi ăn ở miễn phí trong suốt 4 năm. Tốt nghiệp năm 2013, Bình làm hướng dẫn viên du lịch cho Công ty Angkor Smile, Công ty Dream Travel… nhưng vẫn ở chùa. Ngoài thời gian đi làm, Bình giúp thầy quản lý sinh viên và làm một số việc vặt khác. Bình cho tôi hay: “Tôi đang học thêm văn bằng 2 tiếng Anh. Sư phụ khuyến khích chúng tôi khi ra trường tiếp tục học thêm hoặc nếu có điều kiện, thì học thạc sĩ, tiến sĩ. Thầy thường căn dặn: “Sư gắng sức hỗ trợ nên các con phải cố gắng ăn học thành tài, nên người, để sau này giúp ích cho đời”.
Thượng tọa Hoàng Kim và tủ sách của chùa.
Lần sau, tôi đến chùa Pitu Khôsa Răngsây thì gặp Kiên Na Riêng (người Khmer) đang quét dọn ký túc xá sinh viên trong khuôn viên nhà chùa. Căn phòng Kiên Na Riêng ở cùng 9 bạn sinh viên rộng chừng 25m2, kê hai dãy giường hai tầng, đủ cho 10 sinh viên sinh hoạt, học tập. Na Riêng quê ở Sóc Trăng đang là sinh viên năm thứ 3, Đại học Y Dược Cần Thơ. Năm 2012, em được bố mẹ dẫn lên chùa, gặp thượng tọa Hoàng Kim xin cho con mình ăn ở tại chùa trong thời gian học đại học. Cha của Na Riêng tâm sự: “Khi con tôi được đi học cử tuyển trên Cần Thơ, thì việc đầu tiên là vợ chồng tôi đưa cháu đến ở nhờ chỗ thượng tọa Hoàng Kim. Ở dưới quê tôi bà con đều biết tiếng thượng tọa Hoàng Kim. Ở chùa, cháu được học giáo lý đạo Phật, lễ nghĩa ở đời, được học đạo làm người nên vợ chồng tôi rất mừng”.
Lần thứ ba đến chùa, chúng tôi mới gặp được thượng tọa Hoàng Kim. 6 giờ sáng, đã thấy trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây tiếp khách. Lúc khách về, thượng tọa Hoàng Kim cho chúng tôi hay: “Đó là mấy người thầu xây dựng đến bàn bạc công việc. Ngày 26-5, sư khởi công xây thêm khu tăng xá, ký túc xá một trệt hai lầu với diện tích 500m2 để lấy chỗ cho các sư và sinh viên ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây về Cần Thơ học đại học. Khu hiện tại có diện tích hơn 200m2 đã kín chỗ.”
- Bạch thầy, nhà chùa đang nuôi bao nhiêu sinh viên?
- Mỗi năm chùa thu nhận từ 45 đến 50 em cho ăn nghỉ tới khi ra trường. Sư cũng liên hệ với chính quyền địa phương để giúp các em tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Vậy là tính từ năm 2004 đến nay, chùa giúp đỡ cho khoảng 600 em sinh viên nghèo, đặc biệt là sinh viên dân tộc Khmer nghèo hiếu học. Ước tính tổng kinh phí mà chùa vận động để lo cho học sinh, sinh viên nghèo và công tác nhân đạo, từ thiện xã hội trong 10 năm qua khoảng 15 tỷ đồng.
Trò chuyện một hồi với thượng tọa Hoàng Kim, chúng tôi mới để ý trên tường phòng khách treo rất nhiều giấy khen, bằng khen của UBND thành phố Cần Thơ, UBMTTQ Việt Nam thành phố Cần Thơ và các đơn vị khác trao tặng cho trụ trì Hoàng Kim. Mỗi bằng khen ghi nhận một việc ý nghĩa mà thầy giúp ích cho đời. Khi thì xây đường giao thông nông thôn, cầu bê tông ở các phum sroc; xây dựng nhà tình thương, tổ chức mổ mắt nhân đạo cho người mù; khi thì vận động trùng tu chùa Sanvor Pôthinhen (quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ), chùa Aranh Nhứt (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), chùa Phno Prel (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh)...
Trả nghĩa cho đời
Sinh năm 1967 trong một gia đình nghèo ở Cần Thơ, ngày nhỏ cậu bé Lý Hùng đã theo mẹ đi vào các doanh trại nấu cơm cho bộ đội. Nghèo khổ quá nên năm 1982, Lý Hùng xuất gia tại chùa Sanvor Pôthinhen và được đặt pháp danh là Hoàng Kim. Từ chùa Sanvor Pôthinhen lên chùa Pitu Khôsa Răngsây học tập, ngày ngày sư Hoàng Kim phải ngồi xe lôi đi 40 km. Thầy tâm sự: “Bản thân nghèo khổ phải vào chùa xuất gia tu học, được sự cưu mang, giúp đỡ của bà con, thầy, bạn… nên mình mới nên người. Thế nên mỗi khi nhìn thấy những sinh viên nghèo, sư lại nhìn lại mình và đồng cảm, thấy các em còn khổ hơn mình khi xưa nên sư cố gắng giúp đỡ. Mong rằng các em sau này có công ăn việc làm sẽ trở lại giúp đỡ các em khác”. Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây từ năm 1996, sau một thời gian trùng tu, tôn tạo, năm 2004 thầy xây dựng ký túc xá để đón sinh viên nghèo đến ăn ở miễn phí. Thượng tọa Hoàng Kim tâm sự: “Trong các hoạt động từ thiện xã hội, sư đặc biệt chú ý đến việc giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo, xây trường học… Bởi sư nghĩ giáo dục là nền tảng để nâng cao nhận thức. Khi nhận thức tốt thì sẽ làm việc tốt, sống có ích cho xã hội”.
Lê Chí Bình (trái) hướng dẫn đàn em Kiên Na Riêng học tập tại chùa. Ảnh: Đình Hùng
Biết tiếng thượng tọa Hoàng Kim, nhiều Việt kiều ở nước ngoài đã chuyển tiền về cùng thầy làm từ thiện: mua xe đạp tặng học sinh, dựng trường học, trao học bổng… Thầy cho chúng tôi hay: “Năm 2013, sư vận động một số nhà hảo tâm là Việt kiều ở Australia đóng góp kinh phí hơn 100.000 USD xây dựng trường Đoàn Kết ở xóm Giữa, tỉnh Kampong Chhnang (Campuchia). Đây là ngôi trường dạy chữ cho con em người Việt Nam đang sinh sống ở Biển Hồ”. Trường có 5 lớp với 500 học sinh. Ngoài ra, thầy còn vận động được nhà hảo tâm quyên góp 10 tấn gạo và 300 suất học bổng trao cho học sinh ở trường Đoàn Kết.
Người xa kẻ gần biết tiếng đều hăng hái hỗ trợ thầy Hoàng Kim làm việc thiện. Anh Lê Minh Quốc nhà ở đường Võ Thị Sáu, phường An Hội, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cứ rảnh việc là lại đi vận động người dân góp mì, gạo, rau để giúp chùa nuôi sinh viên. Ông Lâm Nhơn, 62 tuổi ở huyện Mỹ Xuyên (Hậu Giang) ở trọ gần chùa cảm kích với nghĩa cử của thượng tọa Hoàng Kim nên ngoài thời gian mưu sinh, ông tình nguyện vào chùa làm công quả (quét dọn vệ sinh, tiếp khách, lo hương hỏa…).
Trong số sinh viên đang sống ở chùa Pitu Khôsa Răngsây, có Trịnh Văn Sáng, quê ở tận Nam Định, đang học năm cuối khoa thủy sản (Đại học Cần Thơ). Thạch Hoài Minh cũng đang học năm cuối môn lịch sử, khoa sư phạm (Đại học Cần Thơ). Các sinh viên ai cũng phấn khởi vì ở chùa được ăn ở miễn phí, lại rèn được tính kỷ luật như trong quân đội, có tính tự lập. Thạch Hoài Minh khoe: “Tụi em ai cũng biết nấu ăn. Mỗi lúc bà con có đám tiệc hay hội hè gì, sư phụ chở một xe tải sinh viên đến nấu ăn giúp. Vui lắm!”.
Trò chuyện với những người dân sống xung quanh chùa ở hồ Xáng Thổi, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, chúng tôi được biết chùa Pitu Khôsa Răngsây được bà con miền Tây gọi là “ngôi chùa cử nhân”, “ngôi chùa khuyến học”. Thượng tọa Hoàng Kim thì được bà con yêu mến gọi là “thượng tọa hiếu học”. Thầy đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, chuyên ngành tôn giáo học tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Sắp tới, thầy sẽ làm nghiên cứu sinh tiến sĩ với đề tài “Vai trò của sư sãi trong đời sống xã hội của đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ”. Thầy tâm sự: “Sư có nhiều dự định. Ước có đất để xây một khu ký túc xá cho sinh viên nữ ăn ở. Mong chùa thực sự là “đất lành chim đậu” để giúp sinh viên ăn học, rồi nguyện giúp đời sống phật tử, chúng sinh ngày càng tốt đẹp.”
Nhiều dự định nên luôn tất bật với việc đạo, việc đời nhưng trên môi thầy luôn thường trực nụ cười từ bi, an lạc.
| |
ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG