Bố mẹ, thanh niên ở nhà lo chống bão. Nhiều đứa bé lần đầu xa mẹ khóc suốt đêm, đứa lớn hơn bắt đầu biết lo toan thì thức trắng đêm vì sợ ở nhà… bố mẹ chết. Có năm, có đứa “mất mẹ” giữa đêm, khi mẹ bận coi vật liệu xây dựng ngoài cầu Bến Thủy, chạy bão không kịp. Tôi nhớ những đôi mắt hoang hoải của những người lớn trong đêm trú ẩn năm ấy.
Khi bão tan, trở về nhà thì nước sông Lam đã dâng cao tới mức phải ngồi chèo thuyền mới vào nhà được. Cá lớn cá bé đánh võng xung quanh thuyền; bơi cả vào sát giường, bàn học. Dễ bắt tới mức, nhà đứa nào cũng có dăm cái lọ thủy tinh đựng cá lia thia, cá rô con... dựng trên bậu cửa sổ nuôi làm cảnh. Đi bắt cá dọc những con mương dẫn nước từ sông về là một trong những trò vui thích tới mức đứa nào đứa nấy lờ tịt tiếng gọi về ăn cơm của bố mẹ; cho dù sau đó có khi bị “ăn lươn” thay cơm. Người lớn thì lo, con nít lại vui...
Cho tới năm tôi học lớp 4 mới thôi ám ảnh về những trận bão, khi chuyển nhà lên khu Quang Trung, hết cảnh ở tập thể ven sông. Khi ấy, mẹ có căn nhà mái bằng, tạm gọi là kiên cố. Tạm gọi là kiên cố vì cứ mưa to nước thoát không kịp là bị thấm dột nhỏ tong tong xuống dưới nhà. Tranh thủ những lúc cơn mưa bớt nặng hạt là phải trùm áo mưa leo lên sân thượng cầm chổi quét cho thoát nước. Có khi một đêm leo lên leo xuống 5, 7 lượt. Tôi vốn là đứa chết nhát, mỗi lần thấy gió rít, chớp giật quanh bầu trời là giật mình quét vội. Chỗ các khớp tay cầm chổi chà xuống nền sân thượng tóe cả máu.
Lớn lên với những cơn bão, đi xa mới biết thương mẹ những đêm mưa bão xa chồng, một mẹ một con, may có người dì học đại học ở cùng những năm tháng ấy. Những đứa trẻ ngày xưa lớn lên cùng những cơn bão miền Trung như tôi vẫn thường nhắc nhau những kỷ niệm xưa cũ khi mùa mưa bão về. Để nhủ với mình rằng, đã qua những ngày gian truân đến thế thì vất vả thường ngày nào có sá chi.
Chẳng còn mẹ nên những cơn bão càng thấy lòng trống trải. Chỉ mong miền Trung bình yên.