Ngày 22-12, Thượng viện Mỹ đã chính thức phê chuẩn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí hạt nhân chiến lược mới (START) với tỷ lệ áp đảo 71 phiếu thuận, 26 phiếu chống. Theo CNN, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn hiệp ước này sau 18 phiên điều trần và tranh luận căng thẳng với hơn 1.000 câu hỏi liên quan.
Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đã nỗ lực làm việc với Đảng Cộng hòa để đạt được sự thống nhất nhằm thông qua hiệp ước. START mới ra đời nhằm thay thế cho START cũ hết hạn vào tháng 12-2009. Theo đó cả hai nước đều phải hạn chế, giảm số đầu đạn hạt nhân từ 2.200 xuống còn 1.550 trong vòng 7 năm tới.
Hãng thông tấn Nga RIA nhận định, thành công bước đầu của hiệp ước mới giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama ghi điểm cả về ngoại giao và chính trị khi giữ đúng cam kết với Tổng thống Nga Dmitry Medvedev rằng START mới sẽ được phê chuẩn vào cuối năm nay.
Phát biểu tại buổi họp báo ở Nhà Trắng, ông B.Obama hoan nghênh việc Thượng viện nước này phê chuẩn START mới, đồng thời nhấn mạnh START mới là thỏa thuận kiểm soát vũ khí quan trọng nhất trong gần hai thập kỷ qua và nó sẽ giúp thế giới an toàn hơn.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên tiếng hoan nghênh việc Thượng viện Mỹ phê chuẩn START mới. Tuyên bố của TTK LHQ nhấn mạnh hành động này của Thượng viện Mỹ đã gửi đi thông điệp vững chắc và rõ ràng ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến hạt nhân.
Từ Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng lên tiếng hoan nghênh Thượng viện Mỹ phê chuẩn START mới, đồng thời kêu gọi Nga nhanh chóng thông qua hiệp ước này. Trong một thông cáo phát đi ngày 22-12, bà A.Merkel cũng bày tỏ hy vọng những bước tiếp theo hướng tới giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ tiếp tục được thực hiện.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Matxcơva cần có thời gian để nghiên cứu các văn kiện của Mỹ trước khi có hành động tương tự.
Hiệp ước START mới có ý nghĩa quan trọng đối với Nga và Mỹ, vì văn bản này có thể dọn đường cho việc cắt giảm số vũ khí hạt nhân lớn hơn nữa trong tương lai. Đối với thế giới, hiệp ước là tín hiệu cho thấy Mỹ và Nga không hề phớt lờ cam kết của họ theo đuổi Hiệp ước chống phổ biến hạt nhân (NPT).
Bên cạnh đó, thỏa thuận này còn mang đến nhiều lợi ích phụ trợ ngoài vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân như đánh dấu sự cải thiện lớn trong mối quan hệ song phương Mỹ-Nga. Đây cũng là thành tựu đáng kể về chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, vì mục tiêu chính của ông vạch ra khi lên cầm quyền là nỗ lực ngăn chặn sự phổ biến của vũ khí hạt nhân.
Việc Nga cải thiện quan hệ với Mỹ cũng có thể khiến Washington hy vọng Matxcơva có quan điểm cứng rắn hơn về chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên vốn là cái gai trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Giữa lúc cộng đồng quốc tế đang hoan nghênh sự kiện Thượng viện Mỹ phê chuẩn START mới, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Boris Gryzlov tuyên bố có thể thông qua văn kiện này ngay trong ngày 24-12. Ông Gryzlov cho biết, Duma Quốc gia Nga sẽ có quyết định cuối cùng trên cơ sở xem xét văn bản START mới mà Thượng viện Mỹ đã thông qua.
Việt Anh