Sự nở rộ các loại hình thông tin điện tử đã trở thành thách thức lớn cho các cơ quan báo chí chỉ sống dựa vào báo in. Cùng chung số phận với báo in ở khắp nơi trên thế giới, những năm gần đây, các cơ quan báo in ở Thụy Điển cũng phải gồng mình chống chọi với tình trạng các chi phí đều tăng mà nguồn thu từ quảng cáo và bán báo giảm mạnh. Để cứu vãn tình hình, họ đã phải tái cấu trúc mọi hoạt động, thay đổi cách làm báo.
Đa dạng hóa “đầu ra”
Di chuyển bằng 3 phương tiện xe buýt, tàu điện ngầm và tàu lửa mất khoảng 1 giờ 40 phút, chúng tôi đến Upsala, một thị trấn nhỏ cách Stockholm 75km. Ở đây có một tờ báo 122 năm tuổi, là một điển hình sống động cho sự quyết tâm đưa một tờ báo “cấp thị trấn” thành một tờ báo phát hành toàn quốc, đó là tờ Upsala Nya Fidning (www.unt.se).
Tiếp chúng tôi ngay tại tòa soạn, bà Hanna Stjarne, Tổng Biên tập báo cho biết, từ 5 năm trước, Ban Biên tập Upsala Nya Fidning đã phác họa bức tranh cho báo Upsala Nya Fidning như ngày hôm nay các bạn đang thấy. 5 năm trước, chúng tôi đã thấy rõ rằng nếu không tìm thêm được nguồn thu khác khi nguồn thu từ báo giấy sụt giảm rõ rệt, thì đồng nghĩa với sự diệt vong. Chiến lược tổng thể được đưa ra, bao gồm: Đẩy mạnh làm báo web, làm báo trên điện thoại di động, làm truyền hình, làm các tờ báo in phục vụ riêng cho bạn đọc ở các vùng hẻo lánh, tổ chức các sự kiện. Để làm được điều này, không còn cách nào khác là các phóng viên, biên tập viên phải năng động hơn, làm việc nhiều hơn; các thư ký tòa soạn và cả Tổng Biên tập cũng phải làm ngày làm đêm, trực ngày trực đêm.
Aftonbladet là tờ báo lá cải phát hành buổi chiều lớn thứ nhì ở Thụy Điển, với khoảng hơn 400.000 bản/ngày, đứng sau tờ Dagens Nyheter. Mặc dù làm báo online từ rất sớm, năm 1994, nhưng suốt 16 năm liền, lãnh đạo Aftonbladet vẫn cứ suy nghĩ giản đơn rằng tờ báo in của họ là báo chính, là “báo mẹ”, còn báo online chỉ là báo phụ, là bản báo giấy phát hành qua internet. Vì vậy, nội dung nào “ngon” nhất luôn được dành cho báo in. Còn phóng viên thì chỉ chú tâm viết cho báo in, lười viết cho báo online. “Điều này hoàn toàn sai lầm”, nhà báo Magnus Ringmen, Tổng thư ký tòa soạn, Giám đốc nhân sự của Aftonbladet, nhìn nhận. Ông cho biết, hệ quả là báo giấy giảm vẫn cứ giảm, còn báo online thì chậm chân hơn nhiều báo khác, chẳng mấy người đọc.
Cuối năm 2010, một cuộc họp quan trọng của Aftonbladet diễn ra, đi đến một quyết sách mang tính sống còn: Ở Aftonbladet, báo online phải là ưu tiên 1. Tất cả thông tin phải được đưa lên báo online trước, ngay tức thì. Ban đầu của sự thay đổi này, rất nhiều phóng viên của Aftonbladet tỏ ra bất bình, vì họ vốn sở trường là chỉ viết tin - bài nay lại phải chụp cả ảnh, ghi âm và quay phim nữa, và tất cả đều phải làm nóng, làm tức thì ngay tại hiện trường. Nhưng lãnh đạo Aftonbladet quyết liệt hơn: “Ở Aftonbladet không duy trì bất kỳ một người nào chỉ làm báo in, mọi người phải biết làm tất cả”. Và một học viện mini chuyên đào tạo các kỹ năng tác nghiệp báo online được ra đời, buộc tất cả mọi thành viên trong cơ quan đều phải dự học.
Nói đến đây, ông Magnus Rinmen tươi cười: “Chúng tôi nay đã có 2,5 triệu đọc giả cả báo online và báo giấy, cao hơn báo Dagens Nyheter. Năm 2012, doanh thu quảng cáo của Aftonbladet online đã vượt qua báo giấy”.
Bonnier là tập đoàn tạp chí lớn nhất Thụy Điển, trụ sở là một cao ốc bề thế tọa lạc giữa trung tâm Stockholm. Đối mặt với sự sụt giảm, họ quyết định thay đổi bằng cách đi vào thị trường ngách, đáp ứng các khách hàng mục tiêu, bằng cách chia nhỏ các tạp chí vốn có và mở thêm các tạp chí chuyên đề về các lĩnh vực hẹp. Từ tạp chí Phụ nữ, họ chia thành nhiều tạp chí: Phụ nữ làm đẹp, bạn gái, phụ nữ tuổi 30, 40, 50, bà bầu, mẹ và bé… Tạp chí chuyên về ô tô thì chẻ thành nhiều tạp chí nhỏ: ô tô mới, ô tô cổ, ô tô dòng cao cấp, dòng phổ thông. Thậm chí họ còn xuất bản cả các tạp chí chuyên về giải đố ô chữ. Hiện Bonier sở hữu tới 40 tạp chí, doanh số vẫn đứng đầu nhóm tạp chí ở Thụy Điển. Đây cũng là một cách thay đổi, mà vẫn giữ được sở trường truyền thống. Trước làn sóng công nghệ truyền thông số, các ấn phẩm của Bonnier cũng được online, nhưng có thu phí người đọc qua mạng.
Báo phát không thì sao?
Pellle Anderson là một trong 3 nhà sáng lập tờ Metro - tờ báo phát không có số lượng phát hành 18 triệu bản/ngày trên 20 nước. Ông kể: “Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, báo chí truyền thống có những đặc điểm kinh doanh là bạn đọc mua báo; giá báo thể hiện trị giá tờ báo; chi phí phát hành chiếm đến 30% giá bán. Nhưng chúng tôi không nghĩ như vậy, giá trị của tờ báo nằm ở nội dung chứ không phải ở giá bán báo, từ đó đi đến một quyết định táo bạo: làm báo phát không. Số Metro đầu tiên được phát hành ngày 13-2-1995, nội dung chỉ đăng tin cơ bản, không phân tích, bình luận, không có bài viết chuyên sâu, không đưa quan điểm của bản báo, nhưng đăng ý kiến nhiều chiều của bạn đọc. Chúng tôi phát không báo Metro ở các bến tàu, bến xe. Và Metro đã thành công rực rỡ, liên tục có lãi lớn, còn được nhà Vua Thụy Điển tặng Huân chương Vì sự đóng góp cho phát triển ngôn ngữ”.
Theo ông Pellle Anderson, ưu điểm của báo phát không là người nghèo được đọc báo và các đối tượng khác cũng đọc báo nhiều hơn. Tuy nhiên, “Các bạn thấy đấy, giờ đây người đi tàu, đi xe ít cầm trên tay tờ báo mà họ cầm điện thoại di động quẹt quẹt xem gì đó trên màn hình. Vậy thì chúng ta phải làm gì? Dĩ nhiên là phải thay đổi. Báo phát không sẽ không chỉ có mặt ở bến tàu, bến xe và những nơi công cộng nữa, mà còn phải có mặt ở web, trên mạng xã hội, web TV, máy tính bảng, điện thoại di động… Nói chung là ở tất cả những nơi nào bạn đọc có mặt” - ông Pelle khẳng định.
| |
Bài và ảnh: KHẮC VĂN (từ Stockholm)
- Thông tin liên quan: