Năm 2016 vừa qua, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Trong muôn vàn thách thức đó, xuất khẩu thủy sản đã nỗ lực vươn lên trở thành điểm sáng khi đạt kim ngạch hơn 7 tỷ USD, tăng 7,4% so năm 2015, đóng góp hơn 22% trong kim ngạch xuất khẩu của ngành nông lâm thủy sản.
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ảnh: Cao Thăng
Dấu hiệu khởi sắc
Mấy ngày qua, người dân nuôi tôm ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đón tết nhộn nhịp, bởi nhờ giá tôm dao động ở mức cao. Bà Trần Thị Mà, ngụ xã Ngọc Tố, cho biết: “Năm qua, gia đình tôi nuôi 2ha tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Đến khi thu hoạch thì thương lái vào tận ao mua tôm sú loại 20 con/kg với giá hơn 300.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 230.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 50 con/kg giá 150.000 đồng/kg, loại 60 con/kg giá 140.000 đồng/kg… Giá cao, cộng với năng suất tôm đạt khá nên trừ chi phí còn lời trên 400 triệu đồng, giúp cả nhà vui tết đầm ấm”. Ông Võ Văn Chồi, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố, bộc bạch: “Toàn xã thả nuôi hơn 2.100ha tôm, ước tính khoảng 80% hộ nuôi có lãi; hộ nuôi ít thì lãi vài chục triệu đồng, hộ nuôi nhiều lãi vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng. Đa số người nuôi có lời, nên nhiều gia đình ăn tết lớn”.
Tại các vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu…, nhiều hộ đón xuân trong không khí phấn khởi. Ông Võ Bằng Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại (Bến Tre), cho biết: “Những tháng đầu năm 2016 diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt nên xã khuyến cáo người dân nuôi tôm thực hiện các biện pháp né mặn, phòng ngừa nhằm giảm thiệt hại. Bên cạnh đó, đẩy nhanh hoàn thiện các công trình thủy lợi để chủ động nguồn nước phục vụ nuôi tôm. Chính vì vậy mà hơn 4.100ha tôm nuôi các loại trong xã phát triển khá tốt, tỷ lệ bị bệnh thấp hơn những năm trước. Qua thống kê cho thấy đa phần hộ nuôi tôm có lãi, nên tết này nhà nào cũng vui”.
Thu hoạch tôm nuôi trong ruộng lúa ở Cà Mau
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau thời gian gặp khó khăn thì gần đây con tôm có dấu hiệu phục hồi khá tốt, từ giá cả lẫn thị trường tiêu thụ. Nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm trong năm 2016 đạt tới 3,1 tỷ USD, tăng 7% so năm 2015. Đối với cá tra, gần đây giá cả dao động ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg, đảm bảo người nuôi có lãi. Diện tích cá tra toàn vùng ĐBSCL năm 2016 phát triển lên khoảng 5.000ha, tăng 9% so cùng kỳ. Cùng với nuôi trồng thì các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng có bước tiến đáng ghi nhận, đưa kim ngạch thủy sản cán đích theo đúng kế hoạch đề ra.
Chủ động vượt khó
Từ những lạc quan của năm 2016, ngành thủy sản đề ra mục tiêu phấn đấu đạt 7,4 tỷ USD trong năm 2017. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, lưu ý: “Áp lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu, khó khăn về thị trường, những rào cản kỹ thuật… sẽ là thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2017. Cụ thể, Australia vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín trong 6 tháng, kể từ ngày 9-1-2017, do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng. Thời điểm đầu năm, kênh truyền hình Tây Ban Nha đưa một đoạn video có thông tin sai về hình ảnh cá tra của Việt Nam… Hay như thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn tiếp tục là rào cản kỹ thuật cho cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ…”. Ngoài những yếu tố trên thì tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, nguồn nguyên liệu tôm thiếu hụt… cũng là những nỗi lo cho xuất khẩu thủy sản nước ta.
Bà Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết: “Năm 2017, tỉnh sẽ tập trung mạnh vào phát triển con tôm. Theo đó, triển khai dự án 500ha tôm nuôi công nghệ cao, tạo ra con tôm sạch đáp ứng những thị trường khó tính. Đẩy mạnh mô hình nuôi tôm quảng canh và quảng canh cải tiến theo tiêu chuẩn sạch, hướng tới vùng nuôi bền vững…”. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, cá tra tiếp tục là thế mạnh về nông nghiệp của tỉnh. Hiện tại, Đồng Tháp không chủ trương phát triển tràn lan mà quy hoạch theo từng vùng, từng địa phương cụ thể. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và liên kết với người nuôi nhằm hình thành chuỗi khép kín từ nuôi đến thu hoạch, chế biến và xuất khẩu. Cách làm này sẽ quản lý chặt về diện tích, sản lượng, thời gian thu hoạch… đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu sạch, chi phí thấp để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, chủ trương tới đây là giảm số lượng xuất khẩu gạo và tập trung mạnh cho nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản, bởi thủy sản mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Định hướng chung là phát triển thủy sản theo chuỗi liên kết giá trị, tăng cường các mô hình sản xuất VietGAP, GlobalGAP… Theo kế hoạch, dự kiến, quý 4-2017, Quốc hội sẽ thông qua Luật Thủy sản sửa đổi, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới…
| |
HUỲNH PHƯỚC LỢI