Thụy Sĩ – Thiên đường thuế đã mất?

Không còn “trú ẩn” an toàn
Thụy Sĩ – Thiên đường thuế đã mất?

Giữ vị trí hàng đầu về tính bảo mật và độ an toàn cao, các ngân hàng Thụy Sĩ từng là sự lựa chọn đầu tiên của nhiều khách hàng trên thế giới muốn cất giữ những tài khoản bí mật. Giờ đây, vị trí độc tôn này đang bị đe dọa bởi hàng loạt scandal và những quy định nghiêm ngặt.

Thuế bất động sản ưu đãi khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào các dự án bất động sản tại Singapore.

Thuế bất động sản ưu đãi khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào các dự án bất động sản tại Singapore.

Không còn “trú ẩn” an toàn

Vụ việc gần đây nhất là sự kiện UBS, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ phải đối mặt với mức phạt ít nhất 450 triệu USD để dàn xếp vụ bê bối làm giá lãi suất liên ngân hàng London, hay còn gọi lãi suất Libor - công cụ tham chiếu chi phí cho vay trên toàn thế giới. UBS đã đàm phán với các nhà chức trách Mỹ và Anh với hy vọng có thể đạt được thỏa thuận trước cuối năm 2012. Nếu không, đây sẽ là một trong số những mức phạt cao nhất liên quan đến những toan tính định giá lãi suất và từ đây, các cơ sở tài chính khác có thể phải đối mặt với những mức phạt nặng hơn.

Hồi tháng 6-2012, Ngân hàng Barclays, một trong 4 nhà băng lớn nhất nước Anh, cũng đã buộc phải trả khoảng 450 triệu USD vì lý do tương tự. Theo hãng tin AP, đây không phải lần đầu tiên UBS vướng vào những scandal lớn. Cuối năm 2011, UBS đã sơ ý để một nhân viên ngân hàng gây thất thoát 2 tỷ USD. Vụ việc gây không ít chấn động trong giới ngân hàng thế giới bởi sự an toàn của ngân hàng Thụy Sĩ từng là chuẩn mực để các khách hàng “chọn mặt gửi vàng”.

Trong khi châu Âu đối mặt với khủng hoảng nợ đang gia tăng, giới điều tra bắt đầu tra xét kỹ lưỡng các tổ chức tài chính bí mật cũng như các ngân hàng của Thụy Sĩ. Dưới sức ép từ dư luận nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, Liên minh châu Âu, Thụy Sĩ buộc phải cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các nước để điều tra những trường hợp nghi ngờ trốn thuế và ngăn chặn các dòng tiền bẩn tuồn vào hệ thống ngân hàng nước này.

Năm 2011, có 11 ngân hàng của Thụy Sĩ đã bị Mỹ đưa vào danh sách cần điều tra, sang năm 2012, danh sách này có thêm Ngân hàng Wegelin. Các ngân hàng nước này phải ký thỏa thuận với Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) đồng ý tiết lộ danh tính khách hàng gửi tiền đến từ các nước phát triển.

Thụy Sĩ cũng đã thỏa thuận với Đức, Anh và Áo để đánh thuế vào tài khoản của công dân những nước này và các thỏa thuận tương tự cũng đang được thương thảo với Italia và Hy Lạp. Tai tiếng kèm với những thỏa thuận nghiêm ngặt đã làm khách hàng không còn thấy an toàn khi để tiền tại các ngân hàng Thụy Sĩ. Công ty Tư vấn tài chính Zeb/Rolfes Schierenbeck của Đức ước tính đến năm 2016, các khách hàng châu Âu sẽ rút đi khoảng 200 tỷ franc (hơn 200 tỷ USD) trong tổng số 789 tỷ franc (800 tỷ USD) tài sản trốn thuế mà các ngân hàng Thụy Sĩ được cho là đang cất giữ cho nhóm khách hàng này.

Còn nhiều “thiên đường” khác

Những lo ngại về tính bảo mật tại Thụy Sĩ khiến các khách hàng buộc phải đi tìm những “hầm trú ẩn mới”. Một trong những quốc gia nằm trong danh sách lý tưởng này là Singapore. Ông Ronen Palan, giáo sư tại Đại học thành phố London, cho biết: “Nhiều người quan niệm một khi Thụy Sĩ không còn là thiên đường trốn thuế nữa thì Singapore sẽ là địa điểm lý tưởng tiếp theo do quốc gia này có luật ngân hàng rất bí mật, đánh thuế thấp và là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á”.

Điều kiện thuận lợi tại Singapore khiến giới nhà giàu đổ xô đến đây gửi tiền vào ngân hàng, chi hàng chục triệu USD mua bất động sản siêu sang, chuyển cả gia đình tới sinh sống hay thậm chí đổi hẳn cả quốc tịch. Singapore đánh thuế thu nhập cá nhân tối đa 20% và không có thuế thặng dư vốn. Vì vậy, Eduardo Saverin - đồng sáng lập Facebook đã từ bỏ quốc tịch Mỹ để đến đây trước khi mạng xã hội lớn nhất thế giới này IPO. Thuế đất 10% áp dụng cho người nước ngoài cũng không thể ngăn chặn làn sóng giới siêu giàu tại Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia ném tiền vào bất động sản Singapore.

Không riêng Singapore, Hồng Công (Trung Quốc) cũng được hưởng lợi từ xu hướng này. Hai quốc gia trên hiện giữ tới 1.000 tỷ USD tiền gửi từ nước ngoài, khoảng 75% số đó đến từ các nước trong khu vực. Theo hãng tư vấn Boston Consulting Group, cả hai quốc gia trên đều có thể vượt Thụy Sĩ với khoảng 2.100 tỷ USD trong 15 - 20 năm tới.

Để thoát khỏi tiếng tăm là “thiên đường trốn thuế” trong nay mai, Singapore và Đức vừa đồng ý thắt chặt thỏa thuận đánh thuế hai lần, đồng thời cam kết tuân theo các chuẩn mực quốc tế về chia sẻ thông tin. Singapore đã nâng cấp hơn một nửa trong số 70 điều luật thuế với các quốc gia khác để dễ dàng trao đổi thông tin về những vụ trốn thuế. Bắt đầu từ năm 2013, các ngân hàng giúp khách trốn thuế cũng sẽ bị buộc tội rửa tiền.

Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đang thúc giục các nhà băng nước này kiểm tra gắt gao giao dịch của khách hàng. Bộ Thương mại nước này cho biết, năm 2010 và 2011, 44 người đã bị kết tội rửa tiền tại Singapore, phần lớn liên quan đến lừa đảo và gần 106,5 triệu USD đã bị thu giữ hoặc phong tỏa.

Ngoài Singapore, Hồng Công (Trung Quốc) còn có những thiên đường thuế khác nằm ở Luxembourg - nơi các doanh nghiệp và cá nhân được bảo vệ bí mật thông tin về tài sản. Đây cũng là nơi hấp dẫn được các dòng vốn đầu tư khổng lồ nhờ thuế doanh nghiệp ở mức thấp.

Còn hệ thống thuế của Delaware (Mỹ) mang đến cho bang món hời lớn. Ở thời điểm chính quyền nhiều bang khốn khổ trong bối cảnh kinh tế khó khăn, năm 2011, Delaware thu được 860 triệu USD tiền thuế từ các doanh nghiệp “vắng mặt”. Số tiền thuế trên tương đương khoảng 25% tổng ngân sách của bang.

HSBC nộp phạt 1,9 tỷ USD

Hãng Reuters ngày 12-12 đưa tin Ngân hàng HSBC đã đồng ý nộp phạt 1,9 tỷ USD cho các nhà chức trách Mỹ để dàn xếp những cáo buộc của Ủy ban điều tra Thượng viện Mỹ liên quan đến việc HSBC buông lỏng kiểm soát hoạt động rửa tiền, tạo điều kiện cho các nhóm tội phạm tuồn hàng tỷ USD vào Mỹ. Đây là khoản tiền phạt lớn nhất từ trước đến nay mà các nhà chức trách Mỹ áp dụng trong một vụ việc tương tự như thế này.

Tháng 7-2012, Ủy ban điều tra Thượng viện Mỹ đã công bố kết quả điều tra cho biết, việc kiểm soát lỏng lẻo hoạt động rửa tiền của HSBC đã mở đường cho các nhóm tội phạm tuồn hàng tỷ USD từ nhiều nước như Mexico, Iran, Saudi Arabia hay Syria vào Mỹ thông qua các chi nhánh HSBC từ năm 2002 đến 2009.

Thanh Hằng (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục