
Các thuyền hành nghề giã cào hoạt động sai tuyến, lấn vào khu vực có độ sâu dưới 30m vẫn tiếp tục gia tăng tại vùng biển Bình Thuận. Dù ngành chức năng đã “vào cuộc”, nhưng nạn giã cào hoạt động sai tuyến vẫn diễn ra hàng ngày, ảnh hướng đến hoạt động của các nghề khai thác thủy sản khác, gây thiệt hại đến tài sản và hoạt động sản xuất của ngư dân các địa phương trong tỉnh.
- Những chuyến đi biển “về không”

Thuyền giã cào bay của tỉnh Kiên Giang trên vùng biển Bình Thuận.
Đi trên chiếc thuyền đánh cá của một ngư dân xã Tân Hải, huyện Hàm Tân, tôi nói với sang thuyền anh Hà cùng ở xã Tân Hải, đang chạy song song với thuyền tôi: “Có nhiều cá không?”. Anh Hà trả lời: “Giã cào nó kéo mất lưới rồi, mất hết rồi chú mày ơi! Xin mãi “nó” không cho lấy lại lưới, chỉ mới một tuần mà trắng tay hai trận rồi”. Anh T. là tài công, đập vai tôi: “Ngày trước gặp thuyền bạn, chúng tôi thường hỏi có trúng cá không, nay câu hỏi thăm là có bị cào mất lưới không?”. Khoảng 3 giờ sáng, chúng tôi gặp một thuyền làm nghề lưới ghẹ cũng mới bị thuyền giã cào kéo mất lưới.
Anh tài công cho tôi biết: “Thuyền của Nguyễn Đ. ở thị trấn Lagi. Thằng này “đen” thật. Từ tháng 6-2005 đến nay, nó bị cào mất mấy chục tấm lưới rồi, mỗi lần bị mất lưới, vợ nó chỉ biết ngồi khóc!”. Nói xong, anh tài công quay sang thuyền anh Đ., nói: “Bao phen tay trắng rồi, mày về bán thuyền mà chuyển nghề khác làm ăn”.
Sau một đêm lênh đênh trên biển, theo chỉ dẫn của một cán bộ UBND thị trấn Lagi, huyện Hàm Tân, chúng tôi gặp khoảng 10 hộ dân của khu phố 11A và 11B thị trấn Lagi, ai cũng mếu máo nói với chúng tôi bị thuyền giã cào của tỉnh Kiên Giang kéo mất lưới.
Trong đám đông, một ngư dân khoảng 50 tuổi bực tức nói: “Chúng nó chưa bằng tuổi con tôi, nhưng mỗi lần nó giã cào vào khu vực thả lưới, tôi phải quỳ lạy chúng, nhưng nó vẫn đóng kín cửa thuyền, tắt hết đèn và cào mất lưới của chúng tôi”. Những lần như vậy, không chỉ mất hết lưới, ngư dân còn mất cả tiền dầu và chi phí cho một chuyến đi biển.
- Kiểm ngư cũng bị theo dõi
Sau một chuyến đi biển cùng ngư dân xã Tân Hải, tôi và anh Trần Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Lagi, thuê một thuyền đánh cá đi thực tế trên vùng biển huyện Hàm Tân. Trong khi làm thủ tục xuất bến với biên phòng tại cảng cá Lagi, chúng tôi vô tình phát hiện một số đối tượng đang theo dõi mình.
Anh tài công khuyên tôi đừng đi nữa, tôi liền nói: “Anh đừng sợ tôi say sóng”. “Không phải vậy, bị lộ rồi, có một đối tượng là đầu nậu thu mua cá của các thuyền giã cào đang theo dõi anh đó, họ tưởng anh là kiểm ngư của tỉnh, nên mới gọi điện thoại di động báo cho các thuyền giã cào chạy ra khơi rồi”.
Trên suốt tuyến biển từ Cảng Lagi đến huyện Bình Châu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chúng tôi chỉ gặp một cặp giã cào bay mang biển hiệu của tỉnh Kiên Giang đậu tại địa phận xã Tân Thắng, cách bờ khoảng 4 hải lý, đang sang đá. Gặp anh Nguyễn Thanh Long là thuyền trưởng, anh cho biết thuyền anh mới bán cá và sang đá cho kịp tối nay giã cào. Tôi hỏi Long: “Thuyền anh ở mãi Kiên Giang, sao phải ra tận đây để đánh bắt?”, Long trả lời: “Ngư trường Kiên Giang không thuận lợi, khai thác ở gần bờ kiểm ngư làm gắt lắm, ra tuyến khơi đánh bắt thì lỗ tiền dầu nên mới ra ngư trường Bình Thuận đánh bắt!”.
Quay về cảng Lagi trời sẩm tối, canô tuần tra của kiểm ngư vẫn đậu ở cảng vì bị hỏng. Một tài công cho biết: hôm nay kiểm ngư không tuần tra, thuyền giã cào tha hồ lộng hành.
- Những cuộc vây bắt
2 giờ sáng, chúng tôi xuất phát từ cảng Thanh Hải, tại thành phố Phan Thiết. Anh Nguyễn Văn Thọ, Đội trưởng Đội kiểm ngư Phan Thiết vừa lái chiếc canô vừa chỉ huy 6 anh em trong đội vây bắt thuyền giã cào. 3 giờ sáng, chúng tôi đến vùng biển phường Mũi Né. Trời lúc này vẫn tối, chiếc canô không bật đèn vì sợ lộ.
Cách chúng tôi khoảng nửa hải lý, có một bóng đen đang di chuyển, anh Thọ nhận định: “Đây là thuyền giã cào sai tuyến nên tắt hết đèn để tránh kiểm ngư phát hiện!”. Áp sát canô vào chiếc thuyền đang cào, anh em kiểm ngư bám vào thành chiếc canô nhảy sang thuyền giã cào ra lệnh bật đèn để làm việc nhưng chủ thuyền vẫn bất động.
Từ phía boong thuyền, một bóng người đi tới phía hai anh kiểm ngư gằn giọng: “Sang đây làm gì, ăn cướp à?”. “Chúng tôi là kiểm ngư, yêu cầu các anh bật đèn lên để làm việc, các anh giã cào sai tuyến lại không bật đèn rất dễ gây tai nạn trên biển”. Lúc này, 1 bóng đèn được bật lên ở phía trước boong thuyền. Đội kiểm ngư lập biên bản vi phạm vì giã cào sai tuyến.
Anh Thọ tiếp tục điều khiển chiếc canô chạy sang hướng khác, lại phát hiện một thuyền cũng tắt hết đèn đang giã cào ở độ sâu 26m, thuộc tuyến lộng. Chiếc canô ghé sát vào thuyền và yêu cầu bật đèn. Đèn được bật sáng nhưng chiếc thuyền vẫn di chuyển. Nhanh như cắt, 2 anh kiểm ngư nhảy sang chiếc thuyền khống chế thuyền trưởng xuất trình giấy tờ và lập biên bản. Chỉ trong 4 giờ tuần tra, đội kiểm ngư đã vây bắt được 5 thuyền giã cào sai tuyến.
Trao đổi với anh Lê Thanh Bình, Phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, anh Bình khẳng định: rất khó ngăn chặn triệt để tình trạng giã cào sai tuyến vì nguồn hải sản ở ven bờ của ngư trường Bình Thuận rất phong phú, các thuyền giã cào thường xuyên lén lút vào tuyến bờ và tuyến lộng khai thác.
Lực lượng kiểm ngư quá mỏng (30 người), phương tiện ít nhưng phải tuần tra kiểm soát ở vùng biển rất rộng nên không thể kiểm soát hết được. Bên cạnh đó, mức phạt cho các thuyền giã cào sai tuyến theo quy định còn thấp nên chưa đủ sức răn đe. Theo phản ánh của nhiều ngư dân huyện Hàm Tân, thuyền giã cào bay của các tỉnh Kiên Giang, Vũng Tàu… khai thác sai tuyến làm hư hại rất nhiều tài sản của ngư dân Bình Thuận.
Ông Lê Thanh Bình cho biết thêm: Trong đợt cao điểm xử lý nghề giã cào bay khai thác sai tuyến (từ 15-9 đến 11-10-2005), toàn tỉnh đã xử lý 19 trường hợp giã cào sai tuyến, trong đó có 10 thuyền của tỉnh Kiên Giang, 9 thuyền của Bình Thuận. Có trường hợp xử phạt xong lại tiếp tục vi phạm. Bao giờ mới ngăn chặn triệt để tình trạng giã cào sai tuyến? Cơ quan chức năng nào phải chịu trách nhiệm trước thiệt hại của ngư dân? Câu trả lời vẫn chưa rõ…
THANH QUANG