Sổ tay

Tiêm phòng gia súc, gia cầm - không thể lơ là

Ngày 6-8, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị (số 2349/CT-BNN-TY) nhắc lại và nhấn mạnh việc tiêm phòng bắt buộc các loại bệnh: lở mồm long móng, dịch tả heo, nhiệt thán, tụ huyết trùng (trâu, bò, heo), dại và cúm gia cầm, New Castle, dịch tả vịt (đã nêu trong Quyết định số 63 năm 2005). Riêng đàn heo, tùy đặc điểm dịch tễ tại địa phương, ngành nông nghiệp cần đề xuất UBND tỉnh, TP chỉ thị tiêm phòng bắt buộc thêm bệnh phó thương hàn, đóng dấu heo, tai xanh ở khu vực có nguy cơ cao. Chỉ thị nêu rõ, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% so tổng đàn và người chăn nuôi nếu không chấp hành tiêm phòng không được hưởng hỗ trợ khi dịch bệnh xảy ra.

Diễn biến dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm thời gian qua vô cùng phức tạp, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng và bệnh heo tai xanh tái phát liên tục, dai dẳng và lan rộng rất nhanh trong thời gian ngắn. Theo Cục Thú y, trong tuần, dịch bệnh heo tai xanh (PRRS) tiếp tục bùng phát tại các tỉnh có dịch với mức độ lây lan cực kỳ nhanh chóng và tính chất hết sức phức tạp, do các hộ có heo bệnh bán chạy sang địa bàn khác, thương lái thu mua heo bệnh vận chuyển trái phép, trong khi công tác kiểm dịch tại các tỉnh chưa được chặt chẽ.

Tại các địa phương, hệ thống thú y và giám sát yếu kém nên việc phát hiện và xác định dịch chậm; việc tiêu hủy heo của những hộ bị dịch vẫn chưa được các cấp chính quyền thực hiện khẩn trương và triệt để, do đó mầm bệnh có cơ hội phát tán trên diện rộng. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm luôn trong tình cảnh bộc phát trở lại và đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhiều địa phương xuất hiện dịch trên diện rộng, làm nhiều gia súc, gia cầm mắc bệnh và chết, không những gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là đến sức khỏe con người. Một trong các nguyên nhân chủ yếu là do việc tiêm vaccine phòng bệnh không được các địa phương quan tâm đúng mức, trong khi ý thức về tiêm phòng của người chăn nuôi, nhất là hộ nhỏ lẻ còn kém nên tỷ lệ tiêm phòng rất thấp, có nơi chỉ khoảng 10%, thậm chí không tiêm phòng, trong khi quy định phải đạt trên 70% tổng đàn. Với quy định mới, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% tổng đàn, một việc vô cùng khó khăn, đòi hỏi người chăn nuôi và chính quyền các cấp không thể lơ là như thời gian qua.

Sau thời gian khá ổn định, dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng tái phát tại một số tỉnh miền Trung và phía Nam. Nguyên nhân do mầm bệnh vẫn còn tồn lưu trong môi trường, khi việc quản lý và tiêm phòng đàn gia cầm, nhất là trên đàn vịt chạy đồng, không đảm bảo nên hiệu quả bảo hộ không cao, do đó gia cầm tiếp xúc với mầm bệnh sẽ bị lây nhiễm. Thực tế hiện nay, kết quả lấy mẫu đánh giá hàm lượng kháng thể sau khi tiêm phòng vaccine trên 135 mẫu máu vịt ở 9 đàn với tổng đàn 4.720 con (từ Bình Dương và Long An) đưa vào cơ sở giết mổ trong tháng 7 chỉ có 45/135 mẫu có kháng thể đủ bảo hộ (33,33%) và 2/9 đàn đạt tỷ lệ bảo hộ (18,20%). Điều này cho thấy việc quản lý tiêm phòng cũng như kiểm dịch của các tỉnh không đảm bảo, người dân lơ là trong việc phòng chống dịch cho đàn gia cầm.

Nguồn Chi cục Thú y TPHCM

Đông Phong

Tin cùng chuyên mục