
Thời gian gần đây, tình hình đầu tư vào Tiền Giang rất khởi sắc. Hiện nay, các ngành chức năng đang rà soát một số “khu đất thuận lợi, vị trí tốt” để kêu gọi đầu tư. Trao đổi với phóng viên Báo ĐTTC xung quanh vấn đề này, ông NGUYỄN HỮU CHÍ (ảnh), Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết:

Tiền Giang có 4 khu công nghiệp (KCN) được Chính phủ cho phép thành lập, trong đó 2 KCN đang hoạt động (Mỹ Tho và Tân Hương) và 2 KCN đang triển khai (Long Giang và Soài Rạp). KCN Mỹ Tho đã lấp đầy 100% diện tích, hiện có 25 dự án hoạt động, trong đó có 8 dự án vốn nước ngoài. KCN Tân Hương thu hút 6 dự án, trong đó 4 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Quan điểm của tỉnh khi kêu gọi đầu tư vào các KCN là cần chất lượng chứ không theo số lượng và ưu tiên nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có giải pháp công nghệ, thu hút nhiều lao động, ít ô nhiễm môi trường… Đầu tư đúng hướng, đúng lĩnh vực, nếu nhà đầu tư làm tốt sẽ được hưởng chính sách ưu đãi chung do Chính phủ quy định. Ngoài ra, còn hưởng chính sách hỗ trợ do UBND tỉnh ban hành cho từng KCN.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, các KCN ở Tiền Giang ngoài thuận lợi về việc giao thương, đi lại tỉnh còn có những lĩnh vực nào ưu đãi cho nhà đầu tư?
Ông NGUYỄN HỮU CHÍ: - Tiền Giang đang kêu gọi đầu tư vào KCN Tân Hương, đồng thời đang triển khai xây dựng KCN Long Giang và KCN Soài Rạp. KCN Tân Hương rộng trên 197 ha thuộc xã Tân Hương, huyện Châu Thành, cách TP Mỹ Tho 12 km và cách TPHCM 50 km, cạnh QL 1A và đường cao tốc Cần Thơ - TPHCM. Các lĩnh vực kêu gọi đầu tư bao gồm: điện, điện tử, công nghệ thông tin, thiết bị văn phòng, chế tạo thiết bị cơ khí, phụ tùng cơ giới hóa nông nghiệp, chế tạo máy động lực, phân bón, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, dệt may, sản xuất sợi, len, vải cao cấp, giày dép, bao bì, nhựa, đồ chơi, gốm sứ, thủy tinh, hàng thủ công mỹ nghệ…

KCN Long Giang rộng 540 ha thuộc xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước cũng nằm sát đường cao tốc Cần Thơ – TPHCM, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực điện tử, điện lạnh, cơ khí, lắp ráp, sản phẩm gỗ, trang trí nội thất, sản xuất thiết bị gia dụng, vật liệu xây dựng, hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế, chế biến nông lâm sản, công nghiệp cao su, công nghiệp giấy...
KCN Soài Rạp rộng 291,8 ha thuộc các xã Gia Thuận và Vàm Láng, huyện Gò Công Đông. KCN này có vị trí thuận lợi về giao thông thủy và có tuyến đường bộ về TPHCM gần. Soài Rạp kêu gọi đầu tư lĩnh vực xây dựng nhà máy đóng tàu, khu cảng biển tàu Lash, KCN phụ trợ sản xuất máy tàu thủy, nội thất tàu thủy, trang thiết bị nâng hạ, sản xuất container…
- Được biết Tiền Giang đang rà soát lại một số “ khu đất thuận lợi, vị trí tốt” để kêu gọi đầu tư. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang quan tâm điều này. Xin ông cho biết cụ thể hơn?
- Hiện nay Tiền Giang có 2 khu đất được xem là thuận lợi cho các nhà đầu tư. Đó là khu đất “Đồng Sen-Phương Nam” có vị trí đặc biệt thuận lợi, tọa lạc tại ấp Long Hưng, xã Long An, huyện Châu Thành, cách ngã ba Trung Lương khoảng hơn 1 km. Vị trí mặt tiền QL 1A (chiều rộng mặt tiền khoảng 400m), giáp với TP Mỹ Tho và đường nhánh nối vào đường cao tốc, cách cảng Mỹ Tho 5 km. Khu đất này rộng 103.000 m2, đã san nền trên 80% diện tích. Chúng tôi ưu tiên kêu gọi đầu tư phát triển ngành dịch vụ, thương mại. Khu đất thứ hai tại đường Lưu Thị Dung ở thị xã Gò Công. Nằm trong nội ô thị xã, khu đất có diện tích khoảng 9.500m2, đã hoàn tất việc san nền, uu tiên đầu tư xây nhà ở, dịch vụ, thương mại, kinh doanh… Cả 2 khu đất này sẽ được thực hiện chuyển nhượng theo phương thức giao đất có thu tiền sử dụng đất.
- Xin cám ơn ông.
Phương Uyên (thực hiện)