Liệu sẽ đến ngày tiền giấy hay tiền xu chỉ còn được trưng bày trong viện bảo tàng sau khi biến mất khỏi các giao dịch mua bán hàng ngày trên thế giới?
Mua ổ bánh mì cũng cà thẻ
Thụy Điển có lẽ là quốc gia “ghét” tiền mặt nhất châu Âu. Có tới 80% các khoản mua bán trên đường phố đều được thanh toán bằng kỹ thuật số tại đất nước Bắc Âu này. Một người bán bánh mì xúc xích trên lề đường ở thủ đô Stockholm cũng nhận thẻ tín dụng, dù giá mỗi cái bánh chưa đến 2EUR. Chủ tiệm bánh mì trên cho hay trả tiền bằng thẻ tín dụng rất tiện, không sợ làm rơi tiền, không sợ bị móc túi. Với khách hàng là du khách nước ngoài, chưa rành rẽ đếm tiền cũng chẳng sao, không ai bị thiệt thòi. Tại bảo tàng của ban nhạc Abba, nổi tiếng với ca khúc Money, Money, Money, quầy bán vé cũng không nhận tiền mặt…
Tại Đan Mạch, bà Maria, chủ một cửa hàng bán hoa ở Copenhagen, cho biết bà từng bị trấn lột khi trên đường ra ngân hàng và từ đó trở đi, bà Maria nhất quyết không dùng tiền mặt. Đan Mạch đang chuẩn bị một dự luật cho phép người bán hàng từ chối nhận tiền mặt của khách.
Còn tại Pháp, trong 15 năm trở lại đây, số lượng các dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng tăng lên gấp 3 lần. Thẻ tín dụng là phương tiện thanh toán trong 50% các khoản giao dịch. Thậm chí từ đầu những năm 2000, nhiều ngân hàng Pháp còn cung cấp thêm những phương tiện cho phép trả tiền mà không cần rút thẻ tín dụng ra khỏi ví. Theo thống kê của cơ quan tư vấn McKinsey, mỗi người Pháp trung bình sử dụng 301 lần thẻ tín dụng/năm, đứng thứ 6 tại châu Âu về mức độ sử dụng thẻ tín dụng.
Tuy nhiên khác với Thụy Điển, việc dùng thẻ tín dụng để thanh toán những khoản tiền rất nhỏ còn chưa được phổ biến ở đất nước hình lục lăng. Ví dụ như mua một ổ bánh mì chưa đến 1EUR, ít ai thanh toán bằng thẻ tín dụng. Ngoài ra, rất nhiều cửa hàng không chấp nhận hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng nếu giá trị đơn hàng dưới 15EUR, do chi phí mà chủ hiệu phải trả cho ngân hàng còn quá cao. Vì thế, theo Ngân hàng Trung ương Pháp, năm 2016, khối lượng tiền giấy ở Pháp vẫn tăng 7%.
10 năm nữa sẽ vắng bóng tiền mặt
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) mới đây thông báo dịch vụ thanh toán di động (m-payment) tiếp tục được phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc, do xu hướng giao dịch không dùng tiền mặt đang trở thành trào lưu chính trong hoạt động thanh toán của người dân. Theo PBoC, trong quý 2-2017, các ngân hàng Trung Quốc đã xử lý 8,6 tỷ lượt giao dịch thanh toán di động, với tổng giá trị đạt 39,24 ngàn tỷ NDT (tương đương 6.000 tỷ USD), đạt tốc độ tăng lần lượt là 40,5% và 33,8% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài ra, giao dịch trực tuyến thông qua các nền tảng thanh toán phi ngân hàng trong quý 2 cũng đạt tổng giá trị lên đến 31,49 ngàn tỷ NDT (4.900 tỷ USD), tăng 34,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tốc độ tăng trưởng mạnh này có phần đóng góp rất lớn của những “người khổng lồ” trong lĩnh vực thanh toán di động ở Trung Quốc, thông qua hoạt động phát triển những nền tảng thanh toán thân thiện với người dùng, chẳng hạn như WeChat, nhằm khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt. Hồi tháng 4 vừa qua, Ant Financial, chi nhánh tài chính của Tập đoàn Alibaba, cho biết sẽ đầu tư 6 tỷ NDT (hơn 920 triệu USD) trong 2 năm tới để khuyến khích sự phát triển của xu thế này. Theo khảo sát của Công ty công nghệ Tencent (Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc) và Công ty Nghiên cứu thị trường Ipos của Pháp về xã hội không tiền mặt, có tới 84% người Trung Quốc cảm thấy hoàn toàn thoải mái khi rời nhà chỉ với điện thoại di động mà không cần mang theo tiền mặt.
Trong khi đó, theo công ty tư vấn về các dịch vụ mua bán trên mạng của Trung Quốc iResearch, chỉ riêng trong năm 2016, số lượng người sử dụng smartphone để mua bán trên internet hay mua bán trực tiếp đã được nhân lên gấp 3 lần. 5.000 tỷ USD các khoản mua bán tại Trung Quốc được thanh toán bằng phương tiện này. China Market Research Group - chuyên nghiên cứu về thị trường tại nước đông dân nhất địa cầu - dự báo chỉ trong 10 năm nữa Trung Quốc sẽ là một trong những nền kinh tế đầu tiên không còn sử dụng tiền mặt. Hiện tại số lượt thanh toán qua điện thoại thông minh củaTrung Quốc đã lớn hơn so với Mỹ 40 - 50 lần.
Tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 tại châu Á, chỉ còn 14% các khoản thanh toán sử dụng tiền mặt, 55% dùng thẻ tín dụng. Một nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố tháng 12-2016 cho thấy, có đến 51% người dân xứ kim chi muốn “phi vật thể hóa đồng tiền” để khỏi vướng bận với ví tiền khi mua sắm… Ngoài ra, một số chuyên gia cho biết việc không dùng tiền mặt còn giúp Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc tiết kiệm được 40 triệu USD/năm. Quản lý khối lượng tiền giấy và tiền đồng lưu hành trên toàn quốc đòi hỏi nhiều tốn kém. Khi không còn phải nặng gánh về việc quản lý khối lượng tiền mặt lưu hành, GDP nước này có thể sẽ thêm 1,2%...
Vẫn lo
Tiện ích là vậy nhưng thanh toán điện tử cũng còn nhiều điểm khiến người sử dụng không khỏi băn khoăn. Còn nhớ vào ngày đầu tiên của năm mới 2017, toàn bộ hệ thống thanh toán bằng thẻ tại Áo (khoảng 50.000 điểm) đã bị ngừng hoạt động trong vòng 1 tiếng. Những giao dịch như mua nhiên liệu hay mua hàng hóa tại các cửa hàng đều phải thực hiện bằng tiền mặt. Dù nguyên nhân được xác định là do lỗi kỹ thuật và “tin đồn” hệ thống bị tin tặc tấn công được loại trừ, nhưng trong thời buổi kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, nỗi lo tin tặc vẫn luôn thường trực.
Lo ngại bị đánh cắp dữ liệu, một số địa điểm không chấp nhận thanh toán qua thẻ và đại đa số các nước trên thế giới vẫn dùng tiền mặt để thanh toán là những lý do chính khiến người dân Mexico phản đối đề xuất loại bỏ tiền mặt. Theo kết quả thăm dò dư luận của Cơ quan Truyền thông chiến lược Mexico, 57% người dân nước này phản đối ý tưởng loại bỏ thanh toán bằng tiền mặt, trong khi 33% khác đồng ý thanh toán hoàn toàn bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ như tại Đan Mạch và Thụy Điển. Tuy nhiên, trong số những người đồng ý thanh toán bằng thẻ, có tới 91,6% cho rằng việc rút tiền mặt tại các cây rút tiền tự động (ATM) hay ngân hàng gây ra nhiều phiền phức và tốn nhiều thời gian.
Không chỉ có Mexcio, tại Đức, một trong những quốc gia có ứng dụng công nghệ vào cuộc sống hàng đầu thế giới, ít ai có thể ngờ được rằng 75% các khoản giao dịch vẫn được dùng tiền mặt. Phải chăng vấn đề an ninh trong thời đại số hiện nay khiến nhiều người vẫn còn dè dặt với thanh toán điện tử?