Tiền mệnh giá nhỏ: Khan hiếm, cũ nát

Tiền mệnh giá nhỏ: Khan hiếm, cũ nát

Khan hiếm tiền mệnh giá nhỏ  là chuyện dài lâu nay, nhưng từ đầu tháng 9 đến nay  tình trạng này đang ngày càng trở nên trầm trọng, trở thành nỗi bức xúc của người dân và các ngân hàng (NH).

Nạn “tiền rác”

Tiền mệnh giá nhỏ: Khan hiếm, cũ nát ảnh 1
Nhu cầu sử dụng tiền lẻ rất lớn. Ảnh: Hùng Tín

Nước ta vẫn đang lưu thông song song 2 loại tiền cotton và tiền kim loại mệnh giá nhỏ, trong đó tiền cotton do đặc tính thấm hút và lưu giữ tạp khuẩn rất cao nên khi luân chuyển qua quá nhiều người và nhiều môi trường ô nhiễm nên ngày càng cũ nát, cực kỳ bẩn. Tiền mệnh giá càng nhỏ thì càng bẩn vì được lưu thông nhiều. Chị Nguyễn Hồng Ngọc, tiểu thương tại chợ Xóm Củi (quận 8 TPHCM), cho biết trước đây khách trả tiền xu thì e ngại vì khó cất giữ, nhưng bây giờ cầm một tiền giấy nhăn nheo, úa màu thì thà cầm tiền xu còn hơn. Không chỉ có tiểu thương mà hầu hết người dân không mấy tha thiết với tiền lẻ bằng cotton, nhiều người tỏ ra khó chịu và từ chối sử dụng loại tiền này. Tuy nhiên, theo chị Ngọc, không nhận tiền này thì cũng không kiếm đâu ra tiền lẻ mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống để giao dịch, nên người dân vẫn cứ phải sử dụng tiền bẩn.

Ông Lê Văn Phú - một phụ huynh học sinh tại quận 7 TPHCM than: “Tiền cotton mệnh giá nhỏ đang quá dơ, rách, tiền kim loại cũng xỉn màu mà nhiều người ví như là “tiền rác”. Tình trạng hàng ngày học sinh phải cầm những đồng “tiền rác” để sử dụng đang là nguy cơ lây lan nhiều bệnh tật cho thế hệ tương lai”. Một trong những mục đích phát hành tiền kim loại  là hướng đến việc người dân được sử dụng đồng tiền sạch. NHNN Việt Nam đã từng cho biết sẽ làm mới lại tiền kim loại bằng việc đánh bóng lại tiền nhưng đến nay người dân vẫn phải sử dụng những đồng tiền kim loại xỉn màu song song với những tờ tiền cotton cũ nát. Đồng tiền là biểu tượng của quốc gia và sử dụng đồng tiền là quyền lợi của công dân thì không cớ gì người dân hàng ngày phải xài những đồng tiền bẩn. Khi nào người dân hoàn toàn được sử dụng tiền sạch vẫn chưa có lời giải.

Khan hiếm kinh niên

Hầu hết các NH đều cho biết tiền mệnh giá nhỏ từ 5.000 đồng trở xuống do số lượng phát hành từ đầu năm đến nay quá ít, chỉ đáp ứng từ 10%-15% nhu cầu của thị trường, trong khi việc luân chuyển của đồng tiền này rất nhanh nên ngoài thị trường người dân phải chấp nhận chuyền tay nhau những đồng tiền giấy rách nát. Hàng tháng mặc dù các NH có thu hồi về vài chục triệu đồng, nhưng phần lớn là tiền rất nát nên các NH không thể chi ra mà phải trả về NHNN. Khoảng vài tháng NHNN mới chi cho các NH tiền lẻ mệnh giá 5.000  đồng (tiền kim loại); 2.000 đồng và 1.000 đồng (tiền cotton) với số lượng từ 7-10 triệu đồng/NH, trong khi nhu cầu tiền lẻ của một chi nhánh NH trung bình gần 1 tỷ đồng/ngày. Theo một cán bộ kho quỹ ngân hàng thương mại, gần 6 tháng nay NHNN không phát hành tiền mệnh giá 500 đồng, điều này đã làm cho tình trạng khan hiếm tiền lẻ mệnh giá nhỏ ngày càng nóng hơn. NH lấy tiền mệnh giá 200 đồng thay thế tiền 500 đồng thì phần lớn người dân từ chối cho dù NH đưa 3 tờ 200 đồng thay cho tờ 500 đồng. Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, tình trạng khan hiếm tiền lẻ là có nhưng tiền cotton mệnh giá 200 đồng đang dư thừa nhưng người dân từ chối sử dụng. Điều này gây khó cho các NHNN trong việc  điều tiết nguồn tiền lẻ.

Ông Quang Triết, Trưởng phòng kho quỹ Eximbank, cho biết kể từ đầu tháng 9 này rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã gọi điện đến NH để “đặt hàng” tiền mệnh giá nhỏ với số lượng rất lớn để chuẩn bị cho việc chi trả lương thưởng, dịp Tết. Tuy nhiên, đến nay NH vẫn “bó tay” vì chưa nhận được kế hoạch từ NHNN về chi tiền mệnh giá nhỏ trong thời gian tới. Một cán bộ kho quỹ của Sacombank, cho rằng hiện nay các khách hàng lớn của NH như các siêu thị, các cửa hàng dịch vụ có nhu cầu tiền lẻ rất lớn nhưng NH không thể đáp ứng nổi. Rõ ràng, điều cấp thiết hiện nay là NHNN nên thay đổi cơ cấu nguồn tiền phát hành, vì thực tế có nhiều loại tiền mệnh giá lớn đang dư thừa trong khi tiền mệnh giá nhỏ lại khan hiếm
trầm trọng.

Dịu Ngân

Tin cùng chuyên mục