Tiến về Sài Gòn

Bây giờ ngồi xem lại những trang nhật ký tôi xúc động nhớ những ngày buồn vui trong thời kháng chiến.
Tiến về Sài Gòn

Bây giờ ngồi xem lại những trang nhật ký tôi xúc động nhớ những ngày buồn vui trong thời kháng chiến.

Những ngày buồn là khi vỡ mặt trận Huế, Trung đoàn 101 của chúng tôi chạy lên chiến khu Hòa Mỹ. Chứng kiến cảnh chết chóc, đói khát, bệnh tật đã nhiều nhưng sau khi tôi được đi học trường đào tạo sĩ quan, ra trường trở về nơi cũ đi chiến đấu giúp Lào. Đụng độ với quân Pháp ở trận Bản Pung, đại đội tôi bị thương vong nhiều, đó là nỗi buồn sâu đậm nhất. Mãi cho đến mùa xuân năm 1975, theo chân đồng đội tiến vào giải phóng miền Nam, đó mới là những ngày vui sướng nhất cuộc đời.

Từ phải sang, các nhà văn Trần Công Tấn, Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Thu Bồn tại Thành cổ trong ngày giải phóng Quảng Trị.

Từ phải sang, các nhà văn Trần Công Tấn, Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Thu Bồn tại Thành cổ trong ngày giải phóng Quảng Trị.

Quảng Trị giải phóng, tôi ghé về thăm làng Thượng Trạch của tôi nay đã trở thành bình địa cát trắng, đầy hố bom đạn. Dân làng chạy hết, chẳng biết vào Nam hay ra Bắc. Tôi đang ngơ ngác đi tìm má thì tôi gặp nhà thơ Thu Bồn bên sông Thạch Hãn. Thu Bồn rủ tôi tìm đến Quân khu Trị Thiên để hỏi tin tức, xin ăn và xin đi nhờ xe đuổi theo đơn vị cũ của chúng tôi trong đội hình của Quân đoàn 2 vào giải phóng Huế. Được cho ăn, cho ở tại trại Đinh Công Tráng để chờ xe. Đây là chỗ ở của trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng. Tôi nhặt được cái ảnh lớn của Trưởng chụp chung với cố vấn Mỹ, cầm theo để nhận mặt hắn, xem thử Trưởng có “nằm chết tử thủ bên cạnh các chiến hữu” như lời thề của hắn hay không.

Từ Quảng Trị vào Huế, thấy nhiều lính ngụy chết ven đường, gặp nhiều toán tù binh bị áp giải ra phía Bắc nhưng chẳng thấy Ngô Quang Trưởng đâu!

Huế được giải phóng, đồng đội của chúng tôi đã hành quân vào Đà Nẵng. Tôi ghé về thăm làng ngoại - cái làng Hiền Sĩ cũng vườn không nhà trống. Tôi vội về Gia Hội, chắc má tôi đang sống ở nhà người em ruột. Nhưng nhà cậu Sáu cửa đóng then cài. Cả dãy phố di tản hết.

Được tin tướng Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2, dẫn đầu đoàn xe tăng đánh chiếm đèo Hải Vân, tiến vào Đà Nẵng, chúng tôi vội rời Huế đuổi theo. Xuống xe ở Đà Nẵng, thành phố vừa được giải phóng, chúng tôi đang ngơ ngác chưa biết vào đâu, thì gặp anh em văn nghệ khu 5: Phan Tứ, Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Bùi Minh Quốc, Thái Bá Lợi… Các nhà văn, nhà thơ đang bận rộn giúp Lực lượng Quân quản mở trạm, lập bàn ghi danh quân ngụy ra trình diện. Tuy bận, Phan Tứ vẫn đưa chúng tôi đến ở tạm tại nhà Tòa án Quảng Nam.

Đêm hôm ấy, trải bạt giữa sàn nhà, tôi và Thu Bồn nằm ngủ cạnh Võ Trần Nhã. Nghe tin má tôi bị giam giữ ở trại tập trung gia đình Việt cộng bên núi Non Nước. Biết nhà văn Võ Trần Nhã quen thân với Ban Quân quản, tôi nhờ Nhã liên hệ giúp tìm má tôi. Nhã nhận lời, mừng quá, tôi ngủ rất ngon. Sáng hôm sau thức dậy, Thu Bồn biến đâu mất. Tối ấy chờ đến hai hôm sau vẫn không thấy Thu Bồn về. Nhã vội lên Ban Quân quản nhờ tìm Thu Bồn đang mất tích.

Vừa lo cho Thu Bồn nhưng thương nhớ má, tôi sốt ruột tự tìm đến vùng núi Non Nước. Trại tập trung đã bị phá banh, chỉ trơ lại bờ rào kẽm gai. Thất vọng, tôi trở về. Nhã an ủi: “Thôi ngủ đi. Mai đi tiếp vô Sài Gòn. Chắc má cậu cũng chạy vô đó. Quân đoàn 2 đã đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, bắt sống trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Quân đoàn 3 và tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 Không quân ngụy. Quân ta đang tiến vào Sài Gòn, chuẩn bị đánh phá tuyến phòng thủ cuối cùng của Mỹ Thiệu ở Long Khánh - Xuân Lộc”…

Giọng kể trầm trầm của Nhã đưa tôi vào giấc ngủ say. Quãng hai giờ sáng, Thu Bồn đột ngột trở về đánh thức chúng tôi dậy bảo: “Có kẹo bánh đây, dậy mà ăn đi”. Giọng Thu Bồn vui vẻ: “Tớ về làng tìm được má rồi. Quà má gửi cho đấy”.

Thấy nét mặt rạng rỡ của Thu Bồn, cũng như niềm vui mấy hôm nay khi Phan Tứ và Nguyên Ngọc gặp lại gia đình, lòng tôi càng buồn thêm. Thu Bồn nói: “Tấn vui lên. Mai mình đưa cậu đi tìm má. Mình biết chỗ dân Trị Thiên tập trung rồi”…

Sáng hôm sau, mặt trời vừa ló lên bên núi Sơn Trà, chúng tôi đã nai nịt, quân phục gọn gàng đi tìm má tôi. Bốn giờ liền chúng tôi đi từ sân bay ra ngã ba Huế, rồi đến chợ Mới, đến khu bán hàng ăn của người Trị Thiên. Thấy hai “ông giải phóng”, nhiều người xúm lại hỏi tin tức người thân của họ. Một ông già tóc bạc trắng, lễ phép nói: “Thưa hai ông… tui có thằng cháu ra Bắc. Xưa ở nhà tên Cu Anh. Đi lính đổi tên Trần Công Tấn. Tui là Sáu Nọi, cậu ruột cháu”…

Nghe thế, tôi nhào đến ôm ông già mà kêu lên: “Trời ơi! Cậu Sáu. Cháu là thằng Cu Anh đây nè!”. Cậu Sáu bật khóc ôm lấy tôi. Thu Bồn thì bật cười vì cái tên lạ hoắc của tôi. Cậu Sáu vừa mếu máo, vừa dẫn chúng tôi trở ngược lại đường Trưng Nữ Vương, bước vào một quán ăn nghèo, kêu lên: “Chị Đội ơi! Thằng Cu Anh đã về đây nì”. Má tôi hớt hải bước ra. Tôi nhào đến ôm chầm lấy má, vừa khóc vừa nói: “Má ơi! Con đã về”… Má tôi không khóc, chỉ tay lên bàn thờ, nơi có tấm ảnh thằng bé tắm truồng, ngồi trong cái chậu thau. Má thủng thẳng nói: “Tưởng con đã chết. Cả nhà thờ cúng con suốt 30 năm nay”.

Rồi má gọi em gái tôi đến, bảo đi nấu nước lá thơm cho má tắm. Lấy bộ áo quần lụa mới cho má thay để tối nay má chết. Má nói: “Sống để chờ con. Nay con đã về. Tối nay má chết cũng… nhắm mắt được rồi”. Nói đến đó má ôm chặt như sợ tôi biến mất, má nấc lên một tiếng: “Con ơi!”. Lúc đó cả nhà em tôi mới khóc theo má. Thu Bồn đứng nhìn, cũng trào nước mắt…

* * *

Phía trước, chiến trường đang gọi. Chúng tôi vội vã chia tay gia đình và Đà Nẵng. Lúc này các quân đoàn chủ lực của ta đã đập tan tuyến phòng thủ cuối cùng của giặc ở Đông Bắc Sài Gòn. Phá toang “cánh cửa thép tử thủ” ở Xuân Lộc. Quân đoàn 2 và Sư đoàn 7, Quân đoàn 3 tiếp tục đánh diệt các điểm chốt chặn ở Thủ Đức, cầu Rạch Chiếc, xe tăng ta húc đổ cánh cổng đánh chiếm dinh Độc Lập, sào huyệt cuối cùng của Mỹ Thiệu đúng vào trưa ngày 30-4-1975. Cùng lúc đó các quân đoàn, binh đoàn chủ lực của ta ở tất cả các hướng, theo sau xe tăng, có cả các nữ du kích, biệt động ngồi trên xe tăng dẫn đường, ào ạt như thác đổ tràn ngập thành phố Sài Gòn.

Chỉ sau đó mấy hôm, bằng mọi cách, giới văn thi sĩ chúng tôi không phải đánh mà đã chiếm ngôi nhà số 2 đường Hồng Thập Tự và số 190 đường Công Lý. Tiếng hát, tiếng cười nói râm ran suốt đêm ngày vui như hội.

Trong lúc đồng nghiệp của tôi lần lượt được đến nhận công tác ở các cơ quan văn nghệ, phát thanh, báo chí thì anh Tư Ánh (Trần Bạch Đằng) trao cho tôi bức điện của Bí thư Đảng Đoàn văn nghệ gọi trở về cùng nhà thơ Thanh Hải hoạt động xây dựng Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế… Mãi đến năm 1980, tôi mới được điều động trở lại Sài Gòn công tác, trở thành cư dân sống và viết tại TPHCM cho đến tận bây giờ…

Trần Công Tấn

Tin cùng chuyên mục