
Tất cả vì nguồn nước mát
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), huyện Củ Chi gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Kinh tế thuần nông lạc hậu, mang tính tự cấp, tự túc, phần lớn các thửa ruộng trên địa bàn huyện chỉ canh tác một vụ lúa vào mùa mưa với năng suất thấp. Nhiều vụ mùa thất bát, có khi lúa trổ bông cũng chỉ để cho bò ăn. Trước thực trạng này, giải pháp thủy lợi trở thành yêu cầu cấp thiết để bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương.
Vào năm 1981, cùng với công trình hồ Dầu Tiếng, tuyến chính kênh Đông được chính quyền địa phương quan tâm và cho thiết kế để dẫn nước về phía Tây Bắc TPHCM. Tuy nhiên, trước yêu cầu cách bách về nước tưới, huyện Củ Chi đã chủ động triển khai đào kênh cấp 2, cấp 3 và hệ thống kênh nội đồng, trước cả khi kênh chính hoàn thiện. Thời điểm đó, chính quyền huy động nhiều lực lượng, trong đó có cả nông dân, cán bộ, giáo viên, thanh niên cùng tham gia.
Nhớ lại những ngày tham gia đào kênh, bà Nguyễn Thị Ngỡ (ngụ ấp Lào Táo Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) kể, thanh niên trong xóm, ấp lúc bấy giờ rất hăng hái tham gia góp sức xây dựng kênh, vì ai cũng mong quê mình có nước tưới cho đồng ruộng mùa khô khát. Mọi người bắt đầu công việc từ 7 giờ sáng cho đến 11 giờ trưa; chỉ nghỉ trưa nửa tiếng đồng hồ, sau đó lại bắt đầu công việc đến 16 giờ chiều.
“Chỉ bằng cuốc và xẻng, người đi trước cuốc đất ra cho người đi sau ôm đất lên đắp bờ kênh. Có những lúc tay sưng tấy, cả người nhức mỏi vì cầm cuốc, ôm đất nhưng mọi người vẫn không bỏ việc, ai nấy hăng say làm việc đúng tiến độ để đội thi công của thành phố tiến hành giai đoạn 2 bằng máy móc”, bà Ngỡ nhớ lại.
Rời nhà bà Ngỡ, chúng tôi ghé thăm một vài hộ dân trong ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng có người thân đã từng tham gia đào kênh Đông. Ông Nguyễn Văn Đương, một nông dân tại ấp Đồng Lớn, cho biết, sau khi hoàn thành tuyến chính kênh Đông, huyện Củ Chi chủ trương kéo dài kênh dẫn nước này tưới cho vùng đất phía Nam của huyện thuộc thị trấn Củ Chi và các xã Tân Thông Hội, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An. Người dân trong huyện sẵn sàng góp thêm ngày công lao động để hỗ trợ người dân ở những xã trên xây dựng kênh. Có người ở xã khác phải đi bộ cả chục cây số, người nào sáng bận việc thì đến tối làm bù, hết ngày công lao động lại đổi cho tốp khác. Không chỉ nhiệt tình đóng góp sức lao động, người dân còn tự nguyện hiến đất nếu tuyến kênh chính hay kênh nội đồng đi qua.
Làm giàu từ dòng kênh Đông
Nhờ tuyến kênh Đông, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp huyện Củ Chi phát triển mạnh với những thửa ruộng, vườn rau xanh mướt, năng suất cao. Trên cơ sở đó, chính quyền địa phương tiếp tục đưa nông nghiệp chuyển sang một bước tiến mới - nông nghiệp công nghệ cao. Nơi đây có những trang trại, mô hình nông nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Vùng đất thép Củ Chi” ngày nay được mệnh danh là “thủ phủ” của nhiều cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như hoa lan, rau thủy canh, cá cảnh…

Khi chúng tôi đến thăm vườn lan của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) cũng là lúc những nhân công đang hối hả cắt cành để kịp giờ giao cho thương lái. Với vườn lan rộng vài hécta đã giải quyết được nhiều việc làm và mang lại thu nhập khấm khá cho chủ đầu tư. Trước đây, gia đình chị Huyền sản xuất nông nghiệp theo kiểu cũ, vất vả mà không dư dả gì. Sau quá trình nghiên cứu về khuyến nông, gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hoa lan.
Mạch nước ngầm tốt là điều kiện thuận lợi để chị Huyền quyết định đầu tư hệ thống tưới phun sương, với số tiền hơn 300 triệu đồng. Chị Huyền thổ lộ: “Hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư lớn nhưng cũng mau thu hồi vốn, lại được thu hoạch lâu dài. Phải thừa nhận là có kênh Đông thì nước ngầm ở đây mới dồi dào, chứ trước đây đào xuống sâu cũng đâu có nước. Nhờ đó, mỗi năm vườn lan của gia đình tạo ra doanh thu hàng tỷ đồng”.

Nằm phía bên tả kênh Đông, trại cá cảnh Thiên Đức (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) là một trong những trại cá cảnh lớn của TPHCM, cũng bén duyên với dòng nước mát kênh Đông. Hàng năm, trại nuôi cá cảnh này bán ra thị trường khoảng 2 triệu con, trong đó chủ yếu là xuất khẩu. Theo lời ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức (chủ trại cá cảnh), không có dòng nước kênh Đông sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp khi phát triển nghề nuôi cá cảnh.
Là địa phương thụ hưởng lớn nhất từ kênh Đông, bà Lê Ngọc Sương, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, cho biết, công trình thủy lợi này đóng vai trò rất quan trọng. Đây là mắt xích không chỉ giúp ngành nông nghiệp Củ Chi cất cánh, mà còn là bản lề để địa phương phát triển kinh tế - xã hội vững chắc. Có nước kênh Đông, ngoài tác dụng tháo chua, rửa phèn, làm sống dậy những vùng đất hoang hóa như Tam Tân - Thái Mỹ, còn giúp nông dân yên tâm sản xuất, không còn trông chờ vào thiên nhiên.
Từ chỗ chỉ sản xuất được một vụ lúa với các giống cho năng suất thấp, bà con địa phương đã sản xuất được 3-4 vụ/năm. Năng suất lúa từ 1,2-1,5 tấn/ha/vụ (trước năm 1985), đã tăng bình quân lên 4,5 tấn/ha/vụ. Đậu phộng từ 0,8-1,2 tấn/ha/vụ, tăng bình quân lên 3,2-3,5 tấn/ha/vụ… Cứ như thế, sản xuất nông nghiệp của huyện Củ Chi liên tục phát triển. Không dừng lại ở cây lúa, hoa màu, nông dân Củ Chi còn tận dụng nguồn nước để nuôi trồng thủy sản. Kênh Đông còn tạo ra mạch nước ngầm phục vụ cho đời sống dân sinh và sản xuất công nghiệp, đa dạng môi trường tự nhiên cho các loài thủy sản sinh sôi, phục vụ cho đời sống con người và cân bằng môi trường sinh thái.
Ngày lại ngày, kênh Đông êm đềm dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về để tưới tắm cho 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Củ Chi, cho lúa thêm trĩu hạt, cây trái đầy cành. Qua 40 năm được đưa vào sử dụng (từ năm 1985) cũng là 40 năm kênh Đông khẳng định được vai trò phục vụ sản xuất, góp phần to lớn vào việc phát triển kinh tế trên địa bàn TPHCM nói chung và huyện Củ Chi nói riêng. Hơn thế nữa, đó còn là niềm tự hào của người dân “vùng đất thép”, vì họ chính là những người góp phần tạo nên con kênh tươi mát ngày hôm nay.
Theo ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi TPHCM, công trình thủy lợi kênh Đông đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh của TPHCM. Nhờ có công trình này, thành phố đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, với công suất 5.000m3/ngày. Hệ thống kênh Đông còn có vai trò quan trọng trong việc đẩy mặn khu vực ven sông Sài Gòn, gồm các huyện Củ Chi, Hóc Môn, khu vực phía Bắc huyện Bình Chánh và quận 12, trên diện tích hơn 20.000ha và phòng chống cháy rừng.