Tiếng gọi bản Búng

So với thời điểm cách đây hơn một năm, khi lần đầu tiên Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đặt chân đến, bản Búng nay đã có một gương mặt khác. Thấp thoáng giữa núi rừng xanh ngát, nơi thượng nguồn Khe Khặng trong vùng phụ cận và vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát (thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), đã có màu đỏ của nhà lợp ngói mới, trạm xá và trường học cũng mới. Đứng giữa bản, dễ thấy màu trắng bạc của hệ thống ống nước nối ngang nối dọc từ suối dẫn về nhà dân. Xa xa cũng có màu đỏ của đường mới đang mở…
Tiếng gọi bản Búng

So với thời điểm cách đây hơn một năm, khi lần đầu tiên Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đặt chân đến, bản Búng nay đã có một gương mặt khác. Thấp thoáng giữa núi rừng xanh ngát, nơi thượng nguồn Khe Khặng trong vùng phụ cận và vùng đệm của Vườn quốc gia Pù Mát (thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An), đã có màu đỏ của nhà lợp ngói mới, trạm xá và trường học cũng mới. Đứng giữa bản, dễ thấy màu trắng bạc của hệ thống ống nước nối ngang nối dọc từ suối dẫn về nhà dân. Xa xa cũng có màu đỏ của đường mới đang mở…

  • Đường xa

Nhưng đường vào bản Búng hiện vẫn “độc đạo” với 15km đường thủy ngược dòng sông Giăng. Hơn hai giờ chiều, cái nắng ở đây vẫn chói chang như đổ lửa. Sông cạn, ngược nước, chỉ có vài cây số đầu tiên thuyền còn ngon trớn, sau đó gặp đá nổi lởm chởm. Bây giờ chúng tôi mới hiểu tại sao các anh ở Đồn biên phòng 555 quyết định mỗi chuyến chỉ đưa một ít trang thiết bị y tế mà chương trình Nghĩa tình Trường Sơn tài trợ vào Trạm xá bản Búng (cũng do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP xây tặng).

Hiển, người đứng mũi thuyền, ướt đẫm mồ hôi và nước, giải thích: “Cách đây mấy ngày thuyền chở gạo vào đây đã bị lật. Gạo còn phơi được chứ trang thiết bị y tế ướt thì hư hết. Chở dần dần an toàn nhất!”. Đại úy Trần Văn Quế - chính trị viên - Phó đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết, từ đập Phà Lài ở trung tâm xã Môn Sơn đến bản Búng phải vượt qua 47 con thác lớn nhỏ, hai bên dòng sông là vách núi dựng đứng, cao vút, ngát màu xanh của rừng, tiếng chim hót, tiếng thú rừng, chuồn chuồn đen bay đặc mặt sông…

Thiên nhiên hoang sơ thật kỳ vĩ, đẹp lạ lùng với người đang sống thành thị như chúng tôi. Nhưng không ai có thời gian để đếm thác, ngắm cảnh, chụp ảnh bởi cứ chốc lại xuống thuyền đi bộ, đẩy thuyền, máy ảnh thường xuyên nằm bọc ni lông vì sợ rớt nước, ướt… Sau hơn 4 giờ, chúng tôi đến được Trạm biên phòng bản Búng trong bộ quần áo ướt sũng.

Đường vào khó khăn như vậy, nhưng được đi thuyền vẫn là niềm mơ ước của cư dân ở đây. Bác La Văn Khai, nguyên phó bản, cho biết rất hiếm khi đi thuyền, bởi với thu nhập hộ cao nhất chỉ 7 - 8 triệu đồng/năm (trung bình 3 - 4 triệu đồng/năm) thì số tiền 200.000 đồng/chuyến đi thuyền là quá lớn. Có cậu con trai học nội trú ngoài trung tâm xã cả năm mới về, mỗi lần nhớ con, bác đều đi bộ ra thăm.

  • Truyền lửa

Chuyện đi lại khó khăn là nguyên nhân chính khiến bản Búng cứ mãi tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Từ năm 2006, khi tỉnh triển khai đề án “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát”, đặc biệt, 2 năm gần đây, khi đội công tác Bộ đội Biên phòng Bản Búng được thành lập theo dự án hợp phần “Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai tại bản Búng và bản Cò Phạt” thì tình hình mới khả quan hơn.

Cuộc sống người dân đã có phần chủ động, biết tự trồng trọt, chăn nuôi, không còn quá phụ thuộc vào thiên nhiên, đặc biệt hạn chế việc kết hôn cận huyết thống và các hủ tục chữa bệnh, chôn cất, thờ cúng mê tín dị đoan… Hầu hết trẻ em đều được đến trường, học hết cấp 1; có 6 cháu được tài trợ ra xã học cấp 2; 1 cháu học cấp 3.

Chữa bệnh đã có “ông ta Lưu” (tiếng Đan Lai có nghĩa “ông ngoại Lưu”), để gọi thiếu tá quân y Trần Đức Lưu của bà con trong bản. “Không có ông ta Lưu tôi đã chết rồi! Đêm hôm gì ông ấy cũng chẳng ngại, cứ bà con kêu là xách đèn, vác giỏ chạy tới”, bác La Thị Lý cho biết. Chị La Thị Ước thì nói: “Có bộ đội biên phòng về bản ở với dân, chúng tôi sáng ra nhiều thứ lắm! Miệng họ nói, tay họ làm, ai cũng tin cả”.

Theo đại úy Trần Văn Đông, Đội phó Đội công tác Bản Búng, trước đây bà con ở rải rác trong các khe sâu trong núi, nơi xa nhất có khi phải đi mấy ngày đường rừng. Từ khi có đội công tác, bộ đội vận động bà con về ở chung tại đây nên việc chăm lo cho cuộc sống bà con cũng thuận tiện hơn.

  • Hướng về tương lai

Đã có hàng chục tỷ đồng từ nhiều nguồn “chảy” về bản Búng (trong đó Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng), nhưng để cải thiện cuộc sống lâu dài cho cư dân nơi đây, cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa.

Hiện tại, dự án cấp nước cụm dân cư bản Búng trị giá hơn 3 tỷ đồng đang chuẩn bị đưa vào sử dụng; Trường Tiểu học Bản Búng với nguồn vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng đã đón học sinh trong năm học mới; Trạm xá Bản Búng đã khánh thành, trang thiết bị tương đối đầy đủ… Dự án sắp xếp ổn định dân cư tại bản Búng và bản Cò Phạt với các hạng mục như: 31km đường giao thông trong bản, 3 công trình thủy lợi, 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, hỗ trợ giống cây trồng… đang triển khai ráo riết.

Đó có thể nói là một sự ưu ái lớn của một tỉnh có nhiều xã nghèo nhất nước và các nhà hảo tâm đối với bản Búng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó, có thể “cái gốc” của vấn đề chưa được chạm đến. Trao đổi với chúng tôi, đại tá Đinh Ngọc Văn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An rất trăn trở về việc này. Trước mắt, với lợi thế địa hình, các chiến sĩ biên phòng đang từng bước hướng dẫn dân bản sản xuất, chăn nuôi các loài gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao như bò, heo mọi..., nếu thành công sẽ mở rộng các mô hình khác như nuôi nhím, heo rừng... để phát triển, cải thiện thu nhập, đời sống của dân bản địa.

Bến sông Giăng, điểm vui chơi của trẻ em Đan Lai và chờ đón khách du lịch trong tương lai.

Bến sông Giăng, điểm vui chơi của trẻ em Đan Lai và chờ đón khách du lịch trong tương lai.

Theo đại tá Nguyễn Việt Hà, Phó Chính ủy BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, với cảnh trí thiên nhiên sẵn có, môi trường trong lành..., phát triển du lịch sinh thái cũng là một trong những phương án mang lại tiềm năng kinh tế cho bà con bản Cò Phạt và bản Búng trong tương lai.

Khách du lịch ngoài việc đắm mình trong thiên thiên hùng vĩ trên dòng sông Giăng, còn được tham quan tìm hiểu cuộc sống của người dân tộc Đan Lai, xem và mua sắm các sản phẩm làng nghề của địa phương này. Hy vọng, sau khi di dời dân ra đập Phà Lài, khu vực gần trung tâm xã Môn Sơn, chỉ giữ lại khoảng 25 - 30 hộ làm nòng cốt để đầu tư tổng thể xây dựng mô hình bản làng kiểu mẫu dọc dãy Trường Sơn, lúc đó bản Búng và bản Cò Phạt sẽ là một trong những điểm đến đầy hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước.

Bản Búng đã được đánh thức, nhưng để bản trở mình vươn dậy, đòi hỏi cần sự phối hợp và quyết tâm cao hơn nữa. 

VIỆT NGA – HƯƠNG UYÊN

- Thông tin liên quan:

>> Hỗ trợ trang thiết bị trạm xá bản Búng

Tin cùng chuyên mục