Đây là chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt của TPHCM tham gia “Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận 2012”, vừa diễn ra vào giữa tháng 10, đã đoạt 5 giải A và một số giải thưởng khác.
Chương trình cũng vừa được dàn dựng lại và biểu diễn phục vụ đông đảo khán giả thành phố tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, trình diễn nhiều tác phẩm âm nhạc, tiết mục múa do các nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn người Chăm thực hiện như: múa Bên Tháp, Chiếc khăn duyên của biên đạo - đạo diễn Đàng Quang Dũng; bài hát Pantu graka, Làng Chăm ơn Bác của nhạc sĩ Amư Nhân; Roya tình yêu của I Nư Tuấn; dân ca Chăm Dam dara Cham của Azic Nam…
Đặc biệt, các diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ trẻ tham gia biểu diễn đều là người Chăm đang sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn TPHCM. Trong cuộc sống, dù mỗi người mỗi việc, lại ở cách xa nhau hàng cây số, thế nhưng, hễ có dịp được tham gia tập dợt, đi biểu diễn văn nghệ là các thành viên trong nhóm lại hồ hởi có mặt, tập luyện nhiệt tình với niềm say mê văn hóa nghệ thuật dân tộc.
Bạn Sity PhahiMah ở quận 8 chia sẻ: “Nhóm em có 28 thành viên, đa số các bạn đều là học sinh, sinh viên, một số ít đã đi làm. Chúng em rất vui khi được tham gia biểu diễn trong những chương trình nghệ thuật giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây cũng là một cách quảng bá văn hóa, nghệ thuật dân tộc Chăm đến đông đảo khán giả, đồng thời góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo đã được gìn giữ từ bấy lâu”.
Trong những năm qua, tại TPHCM, nét đẹp độc đáo của nghệ thuật dân tộc Chăm luôn tạo được sự cuốn hút đối với các nhà nghiên cứu và cộng đồng xã hội. Nét đẹp truyền thống dân tộc rất riêng ấy thể hiện cả trong đời sống thường nhật và trong những sáng tác văn học nghệ thuật. Sắc màu tươi tắn ấy đã góp phần làm sôi nổi, sinh động cho đời sống xã hội và cho hoạt động phát triển văn hóa của các dân tộc trên địa bàn thành phố.
Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc TPHCM - Tiến sĩ Phú Văn Hẳn chia sẻ: “Người Chăm là một thành viên trong cộng đồng 54 dân tộc anh em, có một nền văn hóa hết sức lâu đời. Thời đại ngày nay, văn hóa Chăm đang tiếp tục tồn tại và phát triển cùng với sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam. Những năm gần đây, người Chăm TPHCM thường động viên, nhắc nhở nhau giữ gìn phong tục tập quán của dân tộc mình, nhắc nhau sống và làm việc, tiếp thu những giá trị hiện đại nhưng vẫn không quên gìn giữ những giá trị đạo đức, giá trị văn hóa truyền thống trong cách ăn, mặc, ứng xử…
Với văn học nghệ thuật, tuy trong quá trình sáng tác còn chậm, nhưng các sáng tác về văn học của người Chăm vẫn có những đóng góp có giá trị cho cuộc sống. Bên cạnh những tác phẩm văn học, thơ ca, lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật múa dân gian truyền thống rất được nhiều người yêu thích, được công nhận là nét văn hóa nghệ thuật độc đáo, rất riêng và rất cần thiết cho sự làm giàu văn hóa văn học nghệ thuật TPHCM”.
Thúy Bình