Tiếng mõ Nam Lân

Tiếng mõ Nam Lân

Chú chệt lái heo
Tiếng mõ Nam Lân

LTS: Tại nhà truyền thống của các xã trên địa bàn huyện Hóc Môn, đặt trang trọng bên cạnh những hiện vật, tư liệu, hình ảnh là khúc gỗ dài gần một thước. Đó là chiếc mõ Nam Lân. Trong ký ức của người dân nơi đây, thời Pháp thuộc, mỗi lần bắt được người nghèo trốn sưu cao thuế nặng, giặc lại đánh mõ tập trung bà con đến chứng kiến việc đánh đập xét xử. Dân nghèo uất ức, nửa đêm cử người ra trộm chiếc mõ.

Từ ngày Đảng Cộng sản ra đời, theo sáng kiến của các lão nông ấp Nam Lân (Bà Điểm), Đảng bộ Gia Định chủ trương hạ uy thế địch, nâng cao uy thế ta bằng một cuộc nổi mõ đồng loạt khắp các địa phương 18 thôn vườn trầu (tháng 8-1930).

Trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, từ lời hiệu triệu của Xứ ủy Nam kỳ, cùng với tiếng mõ Nam Lân, nhân dân 18 thôn vườn trầu, nhân dân từ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đến mũi Cà Mau đã cùng đứng lên khởi nghĩa. Tiếng mõ Nam Lân được xem như một biểu tượng cho tinh thần quật khởi.

Kỷ niệm 121 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu (19-5-1890 – 19-5-2011),100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2011), phóng viên Báo SGGP trở lại mảnh đất Bà Điểm xưa, chiếc nôi của khởi nghĩa Nam kỳ để ghi lại những câu chuyện chưa từng được kể về những cộng sự, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tháng ngày bão lửa của Nam kỳ khởi nghĩa.

Bài 1: Những vị khách đặc biệt

Sau Đại hội Đảng lần thứ I ở Macau, Trung Quốc vào tháng 3-1935, đồng chí Hà Huy Tập được bầu làm Tổng Bí thư và được cử về nước để lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng. Các đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Ngân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Võ Văn Tần - Bí thư Tỉnh ủy Gia Định đã về làng Tân Thới Nhứt, Bà Điểm, Hóc Môn để móc nối với các đồng chí đảng viên tại chỗ, chọn cơ sở trú đóng. Nhà của gia đình cô Nguyễn Thị Sóc (Hai Sóc), một đảng viên ở ấp Tây Bắc Lân được chọn để các đồng chí lãnh đạo Đảng ở. Năm 1939, cô Hai Sóc được lệnh bố trí đón một vị khách đặc biệt từ Sài Gòn về Bà Điểm.

Bà Năm đang xem lại hình của các đồng chí lãnh đạo cách mạng cách đây 70 năm. Ảnh: Hồ Mai

Bà Năm đang xem lại hình của các đồng chí lãnh đạo cách mạng cách đây 70 năm. Ảnh: Hồ Mai

Chú chệt lái heo

Nhà cô Hai Sóc có 4 chị em gái. Trong đó, cô Nguyễn Thị Năm, em gái cô Sóc, làm công nhân ở một nhà máy bột mì, lại rành tiếng Pháp. Cô Năm là người thích hợp nhất được chọn đi đón vị khách.

Một sáng sớm, cô Năm mặc bộ đồ màu xanh, tay cầm nón lá, đón chuyến xe sớm đi Sài Gòn. Thông tin cô nhận được chỉ vỏn vẹn: “Cần đón một người Hoa, từ chợ Thái Bình đi ra, mặc bộ đồ xá xẩu, đầu đội nón có chóp nhọn phía trên, tay xách thêm cái lồng mây bắt heo”. Đúng giờ, cô đứng chờ trước cổng chợ. Không bao lâu thấy một chú chệt lái heo đi ra. Cô ra hiệu cho người kia đi theo mình. Hai người đi song song nhau, mỗi người một bên đường đi vòng ra bến xe. Hai người ra được bến thì xe đã đầy khách. Tài xế nổ máy, chuẩn bị xuất bến. Rất nhanh trí, cô Năm nhanh nhẹn đội nón lá lên đầu, đưa hai tay dẹt đám đông nhảy lên xe. Theo sau cô, chú chệt lái heo cũng bắt chước chen lên xe. Hai người đều hiểu, chỉ cần trễ một chuyến xe, lang thang ở trung tâm Sài Gòn thêm phút nào là nguy hiểm phút ấy. Mật thám, lính kín, cảnh sát có mặt khắp nơi.

Chiếc mõ Nam Lân đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống xã Bà Điểm.

Chiếc mõ Nam Lân đang được lưu giữ tại Nhà truyền thống xã Bà Điểm.

Tới Hóc Môn, hai người xuống xe, kẻ trước người sau đi lòng vòng một lúc rồi mới dám về nhà cô Hai Sóc. Ngó thấy vị khách đã vào nhà an toàn, cô Năm đánh thêm một vòng lội bộ lên vườn trầu nhà má ruột.

“Mấy bữa sau, tôi xuống nhà chị Hai chơi, ngó thấy người khách mình dắt về bữa trước đang ngồi họp với các đồng chí Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Nguyễn Thị Minh Khai. Mọi người gọi ảnh là anh Cừ. Lúc đó, tôi mới biết “chú chệt lái heo” ấy chính là đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng”, cô Năm, giờ đây đã là cụ bà 97 tuổi, bồi hồi nhớ lại.

Tờ vé số nghĩa tình

Bà Năm kể tiếp: “Cái thời cơ cực, mấy đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng cũng phải chịu cực, chịu khổ, gần gũi với bà con lắm. Tui nhớ tánh anh Hà Huy Tập ít nói nhưng rất tình cảm”.

Bữa nọ, tầm 5 - 6 giờ chiều, trời mưa lâm râm, trong nhà đốt đèn dầu leo lét. Đang nằm ngủ trên gác, trong bụng bà Năm chợt thấy không yên tâm nên thì thầm với má: “Má ơi, tối nay sao mắt con giật hoài. Chắc có chuyện không lành, chuẩn bị nghen má!”. Chưa đầy 1 tiếng sau, bà Năm nghe tiếng súng nổ ình ình. Có tiếng anh Mười Đối la lớn ở vườn trầu bên cạnh. “Thôi chết, anh Mười “bị” rồi. Ảnh la lớn để đánh động cho má con tui. Lúc đó gấp quá, lính đi rầm rầm ngoài đường”, bà Năm kể. Rồi hai tay bà, một nắm tay đồng chí Năm Bắc (Nguyễn Thị Minh Khai) một nắm tay đồng chí Hà Huy Tập bươn riết qua mấy vườn trầu. Không kịp chạy xa nữa rồi, bà đánh liều dẫn chị Năm vô nhà chị Hai Hy, cái nhà vừa bị lính khám trước đó ít lâu. Còn đồng chí Tập thì chui xuống giàn củi sau nhà đồng chí Tám Khôi. May sao thoát cả. “Thời gian này, lính càn quét dữ quá, cán bộ đằng mình không ở lâu một chỗ được. Một dạo anh Tập rời nhà tôi đi mấy chục ngày. Bỗng một hôm anh quay về, tôi mừng quá nhưng lo lắng hỏi: Anh về chi vậy, còn động quá mà? Anh Tập trả lời: Về thăm bà già rồi đi. Cho chị Năm tờ vé số này nghe, có trúng thì lấy tiền nuôi má. Tôi đi lần này không biết chừng nào mới về…”.

Nghe đồng chí Hà Huy Tập nói, bà Năm ứa nước mắt. “Lần đó ảnh đi luôn. Một thời gian sau má con tôi hay tin anh Tập bị bắt ở Sài Gòn. Tờ vé số tôi cũng không có dịp dò. Giặc càn ngày càn đêm, một ngày chạy mấy bận, không còn nghĩ tới chuyện gì được nữa”, bà sụt sùi nhớ lại.

Bà Năm kể: “Hồi đó, chị Năm Bắc cũng trạc tuổi tôi. Chị em thân nhau lắm. Ngày tôi có bầu đứa con đầu lòng, chị Năm Bắc đi công tác suốt nhưng vẫn dặn má tôi: “Má để con đặt tên cho con cô Năm nha!”. Hôm tôi chuyển bụng, đang nằm trong buồng thì chị Năm về thăm. Chưa kịp nói với nhau câu nào thấy lính đã mò tới cửa. Quýnh quá, tôi chỉ kịp lột cái khăn trên đầu cho chị Năm Bắc đội rồi đẩy chị lên nằm trên lò than, còn tôi nhảy xuống ngồi quạt. Thằng lính hất hàm hỏi:

– Ai đây? Đẻ hả?

– Chị tui mới sanh con gái đó. Mấy anh ra đi, coi đàn bà đẻ là xui tận mạng bây giờ!

Nói rồi, tôi lấy nải chuối má cúng trên bàn thờ ra mời tụi lính ăn. Đám lính liếc sơ, ăn chuối rồi bỏ đi. Chị Năm Bắc thoát nạn. Trước khi đi, chị đặt cho con gái tôi cái tên: Nguyễn Hồng Lạc - cái tên gọi lên đã nghe thấm tình non nước”.

Hồ Việt - Mai Hương


Bài 2: Trong vòng tay nhân dân

Trong thời gian từ năm 1935 đến 1940, Bà Điểm, Hóc Môn là nơi Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoạt động và chỉ đạo trực tiếp phong trào cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, cả Nam kỳ, khắp Việt Nam, sang Campuchia, Lào.

Các Tổng Bí thư của Đảng: Lê Hồng Phong (1935), Hà Huy Tập (1936), Nguyễn Văn Cừ (1938) đã hoạt động ở đây. Mảnh đất 18 thôn Vườn Trầu hiền hòa với những người nông dân hiền lành chất phác đã trở thành chiếc nôi che chở cách mạng trong giai đoạn đầy khó khăn mà cũng rất đỗi hào hùng.

  • Hiệu thuốc Tử-Sanh-Đường
     
    “Ở nhà
    Tuyệt mật

1. Để viết thư cho Đảng Cộng sản Đông Dương, cần dùng những con số đã được sử dụng theo quy định với Sinitchekin.

2. Hãy gửi tiền cho chúng tôi hàng tháng theo địa chỉ bà A.Rivere, phố Massiges, Saigon.

3. Hãy gửi báo Nhân đạo, tạp chí Thư tín Quốc tế, tập san Bônsêvich, Những người bạn Liên Xô, Quan điểm và những tờ khác theo địa chỉ: Ông Nguyễn Văn Trân - người quản lý hiệu thuốc tàu An Nam: Tử-Sanh-Đường (Bà Điểm, thị trấn Tân Thới Nhứt) qua Sài Gòn.

4. Những thư từ, tài liệu đặc biệt…, phong bì thứ nhất đưa cho ông Lê An Minh, phong bì thứ hai: đưa cho bà Tư bán trầu cau…”.

Trong số những tài liệu còn lưu giữ của Quốc tế Cộng sản, có một lá thư đồng chí Hà Huy Tập viết bằng tiếng Pháp với cái tên bí mật “Ở nhà”, phụ chú “tuyệt mật”, gửi từ Sài Gòn đến Mátxcơva vào cuối năm 1937, ký tên là  Sinitchekin.

Trở lại Hóc Môn, Bà Điểm, lần tìm dấu vết của “bà Tư bán trầu cau” và hiệu thuốc Tử-Sanh-Đường, chúng tôi được nghe bà con ở đây kể lại nhiều câu chuyện thú vị. Ông Mai Công Tài, Bí thư Chi bộ ấp Hậu Lân, xã Bà Điểm, kể: Theo nhiều vị lão thành cách mạng, trong thời gian hoạt động tại Tân Thới Nhứt, Bà Điểm, Trung ương Đảng cần có kinh phí để hoạt động và trạm liên lạc để phát hành tài liệu, báo chí của Đảng, đồng chí Hà Huy Tập giao cho đồng chí Nguyễn Văn Trân đứng ra tổ chức những cơ sở kinh tài và giao liên này.

Hiệu thuốc Tử-Sanh-Đường ra đời ở chợ Bà Điểm năm 1937, vốn liếng nhờ vận động bà Mười Út (vợ ông Bùi Công Bích) giúp đỡ, đồng chí Nguyễn Văn Trân đứng ra làm chủ hiệu. Hai đồng chí Trần Hữu Độ và nhà sư Huệ Thới (đều là đảng viên) bắt mạch, kê đơn hốt thuốc.

Do giá rẻ hơn các nơi nên khách hàng rất đông. Tài liệu mật thường được gói kỹ và ngụy trang như một thang thuốc thông thường. Đối diện với tiệm thuốc Tử-Sanh-Đường còn có tiệm tạp hóa Rạng Đông cũng do đồng chí Nguyễn Văn Trân làm chủ, các đồng chí Mai Công Chắc, Nguyễn Văn Ngàn quản lý và chạy hàng, vốn hoạt động nhờ vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngói (chủ tiệm vàng Kim Cao) giúp.

Các cơ sở này bề ngoài hoạt động kinh tế gây quỹ cho Trung ương Đảng, thực chất bên trong là nơi gặp gỡ, liên lạc, trao đổi tin tức, phát hành tài liệu, báo chí đi các nơi, là trạm giao liên cho Đảng ở trong nước và cả với Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô.

Ngoài ra, hệ thống liên lạc nơi đây còn có một hiệu may. Trường hợp cần truyền thông tin bằng mật khẩu, ta cho người giả làm khách đi may đồ. Đến nơi, khách được đưa vào buồng để đo ni tấc, thực chất là để trao đổi thông tin.

Để vận hành một đường dây liên lạc hoạt động ngay trước mắt kẻ thù, nhiều đảng viên nữ trung kiên và quần chúng cốt cán đã không ngại hiểm nguy. Nổi bật có đồng chí Nguyễn Thị Giả (bà Tư bán trầu cau) và bà Mai Thị Liền.

Hai bà hàng ngày đi theo xe ngựa bán trầu cau ở chợ Sài Gòn. Trong mỗi thúng trầu cau thường có giấu tài liệu mật. Trong trí nhớ của nhiều người, bà Tư bán trầu cau đã nhiều lần mang con dao thái chuối dọa chém đám lính kín đến xét nhà để các đồng chí bên trong có thời gian cất giấu tài liệu. Bà cũng đứng ra nuôi dưỡng, chăm sóc ông Võ Văn Ngân khi ông lâm bệnh hiểm nghèo.
 
Bà Nguyễn Thị Minh Tự, con gái bà Tư bán trầu cau nhớ lại: “Má tôi là người có tư tưởng rất tiến bộ. Lúc tôi còn nhỏ, má cho tôi đi học tiếng Pháp, đi uốn tóc kiểu Tây rất tân thời. Vậy mà hàng ngày, tôi lại thấy má bận đồ bình dân, bới tóc, bưng thúng trầu cau đi bán. Sau này lớn lên tôi mới biết má đi làm cách mạng”.

  • Tiền đề cho khởi nghĩa

Cách nhà bà Tư bán trầu không xa là nhà của cụ Trần Văn Hy (Hai Hy). Nhìn căn nhà tường cũ số 63/5 ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, nếu không được giới thiệu trước, ít ai ngờ rằng nơi đây 70 năm trước đã diễn ra Hội nghị TƯ Đảng lần thứ VI. Căn nhà ngày xưa gồm ba gian, hai chái, mái ngói, cột gỗ, giờ không còn nữa.

Nhà xây lại không còn giữ được vết tích cũ. Duy còn bộ bàn ghế, nơi ngồi họp của các đồng chí trong BCH Trung ương Đảng còn được giữ lại. Chị Nguyễn Thị Hòa, cháu dâu của đồng chí Hai Hy cho biết: “Lúc còn sống, chồng tôi (cháu của ông Hai Hy) thường kể về truyền thống gia đình.

Cái bàn này vốn có 6 chiếc ghế. Hồi chiến tranh, bom đạn làm cháy hết 2 cái, cháy sém luôn phần mặt bàn, giờ mới làm lại thêm 2 cái ghế bổ sung. Cái vết trầy trên mặt bàn, hồi trước thợ mộc nói chỉ cần bỏ ra 1 triệu đồng là họ có cách làm cho láng đẹp. May mà lúc đó nhà không có tiền làm nên mới giữ được vết tích của lịch sử”.

Chỉ bộ ngựa gõ để ở góc nhà, chị Hòa nói: “Cái này vợ chồng tôi mới làm lại sau này. Trước đây nó là tấm phản gỗ, nơi nghỉ ngơi của các đồng chí lãnh đạo cách mạng. Sau tấm phản trúng bom, bề mặt bị cày xới lồi lõm, nhà tôi mới kêu người lật mặt dưới của tấm phản lên làm mặt trên để nằm”.
 
Tại chiếc bàn gỗ đơn sơ này, vào các ngày từ 6 đến 8-11-1939, Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Tham dự có các đồng chí Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn...

Bộ bàn ghế làm việc của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Bộ bàn ghế làm việc của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai.

Trước đó, vào tháng 6-1939 mật thám Pháp bắt đồng chí Lê Hồng Phong tại Sài Gòn. Hội nghị phân tích tình hình Đông Dương, thay đổi nội dung chiến lược cách mạng, xác định mục tiêu của cách mạng Đông Dương lúc này là “đánh đổ đế quốc Pháp, chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc”, tạm gác khẩu hiệu “cách mạng ruộng đất”, tính chất của cách mạng Đông Dương là “cách mạng dân tộc giải phóng”, thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ. Đây cũng là hội nghị quan trọng, đặt nền móng trực tiếp chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền cách mạng.

Chiến lược cách mạng của Trung ương Đảng đề ra ở Hội nghị Trung ương lần thứ VI chính là tiền đề dẫn đến Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Một điều mà cán bộ đảng viên, nhân dân Tân Thới Nhứt, Bà Điểm vẫn tự hào là những năm 1936-1939, giai đoạn cực kỳ khó khăn, không có đồng chí nào của Trung ương bị lộ hay bị địch bắt trên địa bàn xã, mặc dù mảnh đất Tân Thới Nhứt, trung tâm 18 thôn Vườn Trầu, chỉ cách chợ Bà Điểm vài trăm mét. Đây là nơi có đồn bót của thực dân Pháp với những tên trưởng đồn khét tiếng hung ác như cò Bê-tai (E. Bétaille) và phó đồn là cò Nataly.

Cò Bê-tai ngày đêm lùng sục bắt bớ, bắn giết cộng sản và những người yêu nước. Mỗi lần bắn giết người nào, hắn đều cắt tai, đem về ngâm rượu để trước đồn hù dọa. Thế nhưng, điều đó vẫn không làm nhân dân nao núng.

Bà con nơi đây vẫn còn kể cho nhau nghe câu chuyện về cô Nguyễn Thị Vẻn - giao liên của đồng chí Võ Văn Tần. Một lần bị giặc phục kích, cô Vẻn và đồng chí Võ Văn Tần bị dồn vào một đường cụt không lối thoát. Rất nhanh trí, cô giao liên trẻ măng, chưa chồng ấy đã mượn một cái nón lá, một đứa nhỏ, một quang gánh của người dân gần đó. Cô trao đứa nhỏ cho đồng chí Võ Văn Tần bồng, trao chiếc nón lá để “chồng” che nắng cho con, đồng thời giấu luôn gương mặt người “cha”.

Phần mình, cô quảy đôi quang gánh đi trước, luôn miệng kêu chồng đi nhanh vì con đang bệnh. “Gia đình nông dân nghèo” này đàng hoàng lọt qua chốt gác của giặc.

MAI HƯƠNG -  HỒ VIỆT


Bài 3: Bão lửa cách mạng

Ít lâu sau Hội nghị Trung ương lần thứ VI, các cán bộ chủ chốt của Trung ương Đảng lần lượt bị bắt, từ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đến Võ Văn Tần, Hà Huy Tập, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn. Ngay trong ngày 22-11-1940, do bị chỉ điểm, các đồng chí Nguyễn Như Hạnh (Bí thư Thành ủy Sài Gòn), Tạ Uyên (Bí thư Xứ ủy Nam kỳ), Phan Đăng Lưu (Ủy viên BCH Trung ương Đảng) bị địch bắt và thu được bản kế hoạch khởi nghĩa. Kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ. Đêm 22 rạng 23-11-1940, tỉnh Gia Định và các vùng xung quanh TP vẫn tiến hành khởi nghĩa vì không bắt được liên lạc với Thành ủy và Xứ ủy. Nhiều nơi, với vũ khí thô sơ, nhân dân yêu nước đã tràn vào phá đồn giặc, cướp chính quyền. Tại 18 thôn Vườn Trầu, tiếng mõ Nam Lân rộn ràng cất lên mừng chiến thắng, dù chỉ một ngày sau, khởi nghĩa bị dìm trong biển máu.

Tiếng mõ Nam Lân ảnh 4

Đồng chí Lê Duẩn (thứ 3 từ phải qua) thăm lại nơi diễn ra Hội nghị TƯ lần thứ VI tại nhà cụ Hai Hy năm 1980

  • Đêm định mệnh

Ngày Nam kỳ khởi nghĩa thất bại, bà Nguyễn Thị Minh Tự, con gái của bà Tư bán trầu mới tròn 8 tuổi. Ký ức về những ngày máu lửa ấy vẫn còn hằn sâu trong tâm trí bà, sau hơn 70 năm. Bà kể:

…Đó là một đêm tối trời. Một toán lính mặc áo màu đen bao vây nhà ông Phan Văn Đối và nhà ông bà ngoại tôi. Toán lính rọi đèn pin bắt mỗi người phải ngồi một chỗ rồi lùa hết lên xe. Tôi cũng bị bắt dồn trên một xe bít bùng chở về Sài Gòn, đưa vào trại giam. Ngồi trong trại giam, từ đằng xa, tôi nhìn thấy một người cõng trên lưng một người nữa, tóc tai rũ rượi. Đến gần nhìn thì, trời ơi, người được cõng là má tôi. Hai chân má sưng vù, bầm tím.

Hơn một tháng sau, lính đưa tôi đến một phòng giam. Trong phòng tối đen và họ nhốt má tôi trong đó. Má tôi bị đánh sưng tím mình mẩy, tới đổ máu, không đi được. Tôi khóc. Má gượng cười, xoa đầu dặn tôi: “Nếu có ai hỏi gì, con cứ lắc đầu nói “không biết”. Con mà nói biết, má con mình sẽ không bao giờ được gặp nhau nữa”.

Ngay sau đó, một tên lính dắt tôi ra, đưa sách Tây biểu tôi đọc và còn mua bánh kẹo, trái cây dụ tôi ăn. Một lát, hắn mang đến tấm hình của cô Minh Khai và chú Hà Huy Tập, hỏi: “Bé có biết ai đây không? Người này có hay đến nhà bé không? Nói đi rồi hai má con sẽ được thả về”. Tôi lắc đầu: “không biết”, dù rằng những người đó thường xuyên đến nhà má tôi hội họp. Thấy không dụ dỗ được, chúng bắt dì, dượng lên đưa tôi về nhà. Còn má tôi bị đưa đi đâu mất.

Trong thời gian giặc giam cầm, tra tấn các đồng chí lãnh đạo cách mạng, mấy chị em cô Hai Sóc vẫn tìm cách đến nhà lao này, tới nhà lao khác để thăm nuôi. Ngày chính quyền Sài Gòn đem đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ra xử kín, bà Nguyễn Thị Tư (tự là bà Năm), cùng với người em ruột của mình đã nhờ người em rể đang làm thông ngôn cho thầy kiện, xin giùm 3 cái giấy để vào dự.

  • Minh Khai này chết còn muôn ngàn Minh Khai khác!

Lần cuối cùng bà Năm được nhìn thấy gương mặt của những đồng chí thân thương của mình là ngày các anh chị ra trường bắn. Bà bồi hồi nhớ lại:

Cái tin giặc đem xử bắn chị Năm Bắc, anh Hà Huy Tập, Võ Văn  Tần vào ngày 28-8-1941 làm tôi rụng rời. Tin mật báo cho hay chúng sẽ xử tại trường bắn Giếng Nước. Tôi khăn gói lên nhà cô Chín gần khu vực này ở trước 4 ngày. Mấy ngày đó, lính Tây bao bốn mặt, mỗi mặt 2 cây số bằng dây thép không cho ai đến gần. Những nhà dân ở gần đó đóng cửa im ỉm, không ai dám ra đường. Ngó bộ tình hình không yên, cô Chín sinh nghi, hỏi:

- Sao mày lên ở lâu vậy?

- Chị Hai tự nhiên đánh, chửi tui, tui giận bỏ đi mấy ngày cho chỉ biết! - tôi làm bộ. 

- Tây bao dữ quá, tao cho mày đồng bạc, mày về dưới đi cho yên thân.

- Thôi, về dưới chị Hai đánh nữa…

Hồi đó, xứ 18 thôn Vườn Trầu này nhà nào cũng có cây thang hái trầu. Đúng ngày giặc xử tử các đồng chí của mình, tôi vác cây thang vô nhà, leo tuốt lên nóc ngó mắt qua khe vách. Dượng Chín tôi la:

- Mày nhỏ con mà leo cao dữ vậy, té chết à!

- Không sao đâu dượng, tụi Tây nó nói Việt cộng ốm nhách, leo nhánh đu đủ còn không rung nữa mà.

Qua khe ván, tôi nhìn thấy 4 chiếc xe nhà binh đỗ xịch. Một trong bốn chiếc có chở theo mấy cái hòm. Anh tài xế nhảy ra khỏi xe. Tôi suýt kêu lên thành tiếng: Thằng cha này có thời gian cũng lái xe cho bên hãng bột mì tôi làm. Từng gương mặt thân thương lướt qua cái khe vách nhỏ xíu. Tôi căng mắt nhìn: trước mắt tôi là chị Năm Bắc, anh Tập, già Tần, anh Tiến (Nguyễn Hữu Tiến). Chị Năm Bắc đi giày xăng-đan, mặc quần đen, áo dài trắng, bới đầu tóc sau ót, được dẫn ra đầu tiên.

Tôi nghe chị la lớn: “Minh Khai này chết còn muôn ngàn Minh Khai khác”. Thằng Tây đeo đầy mề đay đỏ trước ngực nói xí xô xí xào. Một tiếng súng vang lên. Nhiều tiếng súng vang lên. Tôi loạng choạng bước xuống một nấc thang, đầu óc choáng váng muốn té. Sau khi trấn tĩnh, tôi đặt chân leo tiếp lên nấc thang cao hơn. Già Tần, anh Tập, anh Tiến đang giật phăng tấm vải đen bịt mắt, bình tĩnh trước họng súng quân thù. Có cảm giác nào đau bằng cảm giác nhìn đồng chí của mình ra đi mà mình hoàn toàn bất lực, muốn khóc cũng không được khóc. Cô Chín tôi đang ở dưới nhà. Chỉ một tiếng khóc sẽ làm lộ bí mật của tổ chức.  

Mấy ngày sau, tình cờ gặp lại người tài xế lái chiếc xe chở hòm hôm trước. Tôi hỏi dò:

- Anh Chín lúc này làm ở đâu?

- Tui qua làm bên nhà binh rồi. Hôm bữa có lên Bà Điểm. Bữa đó xử Việt Cộng, tôi có ý tìm cô Năm nhưng nghĩ chắc cô không dám ra coi đâu.

- Ừa, tui có quen ai đâu mà ra coi – tôi hụ hợ rồi làm bộ ngây thơ: “Ngu quá hà, làm Việt Cộng chi cho khổ. Mà hổng biết bắn rồi họ đem chôn ở đâu anh?”.

- Ở Đất Thánh Chà chớ đâu. Mà cô biết chơi vậy thôi, cô mà nói ra là tui bị bắt đó.

Vậy là nhằm ngày lễ Thánh, tôi sắm bó bông, nải chuối, bó nhang giả đò đi viếng mộ. Sài Gòn lúc đó có khu Đất Thánh Tây để chôn Tây và Đất Thánh Chà để chôn người Việt. Lên tới nơi, tôi  mới biết đúng ngày lễ người ta chỉ cho vào viếng mộ bên Đất Thánh Tây, còn bên Đất Thánh Chà đã mở cửa cho vô ngày hôm trước. Tôi “hối lộ” cho người gác cổng nửa lít rượu rồi vào tìm. Đến gần một bờ tường, tôi nhìn thấy hai ngôi mộ còn rất mới: cái to, cái nhỏ gần nhau, quạnh quẽ không khói nhang, không tên tuổi. “Mấy anh, mấy chị đây rồi”. Tôi cắn chặt môi đến bật máu.

Một lúc sau, tôi cho người gác cổng thêm nải chuối và “điều tra” được hai ngôi mộ đó là mộ chung của “mấy người theo Việt Cộng vừa bị xử tử”. Tôi mừng quá, ra về chỉ dám nói cho chị Ninh (vợ đồng chí Nguyễn An Ninh) và chị Hai Nhạn (chị Thái Thị Nhạn) biết. Mấy chị em định bụng sẽ chờ dịp ra rước các đồng chí về nhưng rồi cuộc đàn áp đẫm máu của giặc sau Khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra trên khắp các xóm làng. Thời cuộc lại đẩy đưa chúng tôi vào cuộc chiến đấu mới.

MAI HƯƠNG - HỒ VIỆT


Bài 4: Khủng bố trắng

Mặc dù ngay trong đêm 22-11-1940, các lực lượng khởi nghĩa đã hoàn toàn làm chủ quận lỵ Hóc Môn, nhưng sáng hôm sau, ngày 23-11, giặc Pháp đã chiếm trở lại quận lỵ. Một cuộc đàn áp đẫm máu diễn ra. 18 thôn Vườn Trầu bị cày xới, nhiều nhà dân bị đốt phá, cán bộ, đảng viên, người dân bị bắn giết; vườn tược, trầu cau bị giẫm nát, mõ Nam Lân bị đập tan tành. Bao trùm trên khắp xóm làng là một không khí ảm đạm, tang tóc chưa từng thấy. Chỉ có lòng yêu nước là không chết!

  • Tan tác Vườn Trầu

Sau đêm Khởi nghĩa Nam Kỳ, cò Bêtai (E. Bétaille) lồng lộn như điên dại. Cuộc khởi nghĩa nổ ra ngay bên cạnh đồn do hắn chỉ huy, chẳng khác nào một cú đánh trời giáng vào giữa mặt tên ác ôn khát máu. Chúng cho xe nhà binh đầy ắp lính lê dương chốt chặn những ngã ba - ngã tư, các đầu mối giao thông, rồi từ đó cho lính bủa vây khắp Tân Thới Nhứt – Bà Điểm. Giặc Pháp đưa xe tăng về Tân Thới Nhứt, Vĩnh Lộc, Tân Đông Thượng, Bình Hưng Hòa… ủi nát vườn trầu cau, ruộng thuốc lá, rẫy đậu phộng, hoa màu của nhân dân nhằm trút nỗi giận lên bọn “dân đen” dám làm loạn.
 

Đường Nguyễn Thị Sóc (tên chị ruột bà Nguyễn Thị Năm) đã được đặt cho một tuyến đường chính ở xã Bà Điểm.
Đường Nguyễn Thị Sóc (tên chị ruột bà Nguyễn Thị Năm) đã được đặt cho một tuyến đường chính ở xã Bà Điểm.

 
Trong những ngày đen tối đó, cò Bêtai đã sử dụng bọn tay chân gian ác như Cai Đinh, Bếp Hộ, Đội Cầu, Cai Dũng, Bếp Hải, Cai Ơn, Tư Kiếm… hàng ngày đi sục sạo trong xóm tìm bắt đảng viên Cộng sản và quần chúng cách mạng. Cũng chính cò Bêtai được sự giúp sức của các tên Việt gian, trong đó có Tư Kiếm, đã trực tiếp bắt và bắn giết nhiều đảng viên ưu tú của địa phương, nhiều quần chúng cảm tình với Đảng và kể cả dân thường vô tội ở Tân Thới Nhứt, Bà Điểm như: Đồng chí Mai Công Tự, Từ Văn Mười (Mười Lính), Tám Đầy, Năm Đức, Hà Văn Muốn (Hai Muốn)... Đêm đêm hắn mặc áo bà ba đen, đội nón lá, đi chân không, một mình ba khẩu súng, luồn sâu trong từng ấp, rình mò từng nhà dân.

Thấy nhà nào khả nghi là hắn kêu người trong nhà ra bắn giết tại chỗ không cần xét xử. Cũng chính tên trưởng đồn ác ôn này kết hợp với bọn chỉ điểm bắt người dẫn về tới Cầu Sa là bắn bỏ tại đây, hoặc bắt về bót điều tra rồi đưa ra cầu Bà Mẫn ở Xuân Thới Thượng bắn bỏ. Người nào bị bắt coi như khó trở về. Giết người xong, chúng cắt tai, cắt mũi, đem phơi bày trên các thớt thịt tại chợ Bà Điểm. Chưa thỏa cơn khát máu, cò Bêtai còn xỏ xâu tai người mang đến tỉnh lỵ Gia Định để khoe “chiến tích” lập công. Tội ác không thua gì bọn phát xít.

  • Sống mãi tuổi 20

Trở lại Bà Điểm sau 70 năm kể từ ngày quê hương Vườn Trầu chìm trong khủng bố trắng và đàn áp đẫm máu, người dân vẫn còn truyền miệng, truyền tai nhau nghe câu chuyện về người con gái kiên trung Nguyễn Thị Thử. Trong một đợt vây ráp, đàn áp của cò Bêtai, chị Nguyễn Thị Thử, một nữ nông dân sắp sa vào tay giặc.

Không có đủ dây trói vì số lượng người bị bắt quá đông, giặc dùng dây kẽm gai xỏ vào tay người dân vô tội thành từng xâu rồi dẫn đi. Rượt bắt đến gần khu vực chợ, chị Thử lẫn vào đám đông thoát được. Điên máu, cò Bêtai treo giải thưởng 2.000 đồng Đông Dương cho người nào bắt được chị. Khi chị Thử đang lẩn tránh tại vùng đồng bưng làng Tân Thới Thượng, chị bị bọn chỉ điểm và tay sai bao vây. Vốn rất giỏi võ, chị đánh ngã được bọn chỉ điểm. Khiếp sợ, giặc bắn vào chân chị rồi giải về bót Bà Điểm, hòng khai thác thêm thông tin.

Đánh đập thế nào, chị Thử vẫn không khai, một mực đòi gặp được cò Bêtai rồi sẽ nói hết. Cò Bêtai tưởng thật, xông vào buồng giam để tra hỏi. Hắn vừa bước vào, chưa kịp định thần, chị Thử đã chắp hai tay bước tới đấm vào giữa mặt tên ác ôn một cú đánh như trời giáng. Kế tiếp là mấy cú đá bồi. Không tra hỏi gì thêm, cò Bêtai ra lệnh đem chị Nguyễn Thị Thử và một số đồng bào yêu nước ra xử bắn tại ngã ba Xuân Thới Thượng. Lúc bị giặc lôi từ xe tù ra trường bắn, chị Thử còn lựa thế đá cò Bêtai thêm một lần nữa.

Trước họng súng kẻ thù, người phụ nữ nông dân chân chất của 18 thôn Vườn Trầu thét lớn: “Thử này chết còn trăm ngàn Thử khác chống Tây, cứu nước, đòi độc lập tự do”. 11 giờ trưa 17-1-1941, chị ngã xuống giữa mảnh đất quê hương.

Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, chỉ trong phạm vi của 18 thôn Vườn Trầu, giặc tiến hành khủng bố trắng và dựng lên 3 trường bắn xử tử không biết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng, đảng viên cộng sản và dân thường vô tội. Để uy hiếp tinh thần nhân dân 18 thôn Vườn Trầu, mỗi lần hành hình, chúng bắt người dân, kể cả học sinh, người già, trẻ em tập trung xem xử bắn.

Tại trường bắn cạnh rạp hát cũ (nay thuộc thị trấn Hóc Môn), thực dân Pháp xử bắn đồng chí Phạm Văn Sáng - Bí thư Quận ủy Hóc Môn, đồng chí Đặng Công Bỉnh - người chỉ huy cánh quân mũi nhọn đánh vào Dinh Quận Hóc Môn và nhiều đồng chí khác. Lúc ra pháp trường, đồng chí Đặng Công Bỉnh hiên ngang lê cái chân bị đánh gãy bước tới trước mặt kẻ thù. Trước hàng ngàn đồng bào, anh Bỉnh đã lớn tiếng lên án tội ác của giặc, kêu gọi bà con tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Trước lúc hy sinh, anh hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp xâm lược. Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm. Cách mạng vô sản thành công muôn năm”.
 
Ở trường bắn ngã tư Giếng Nước (nay là Bệnh viện Hóc Môn) ngày 28-8-1941 giặc Pháp xử bắn các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương như: Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến.

Trường bắn thứ ba giặc dựng lên ở ngã ba Giồng Bằng Lăng làng Xuân Thới Tây (xã Xuân Thới Thượng). Nơi đây chúng xử bắn nhiều đợt nhưng không cho nhân dân dự. Hàng trăm chiến sĩ Cộng sản và đồng bào yêu nước đã bị xử bắn nơi đây, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư, đồng chí Phan Đăng Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng.

Nhân dân cư ngụ dọc Tỉnh lộ 14 (nay là đường Phan Văn Hớn) kể: Thời kỳ đó, hàng đêm, khoảng 3 giờ sáng, bà con nghe tiếng ô tô từ phía Sài Gòn chạy lên. Vài giờ sau, lại nghe tiếng xe  chạy trở về. Sáng sớm hôm sau, chạy ra đường, mọi người nhìn thấy vết máu dọc theo đường lộ là biết lại có thêm đồng chí mình bị xử tử.

Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ không thành công, chi bộ và nhân dân Tân Thới Nhứt, Bà Điểm bị tổn thất nặng nề. Ngoài cán bộ, đảng viên, lực lượng du kích và quần chúng cách mạng bị tù đày, hy sinh, Tân Thới Nhứt, Bà Điểm còn mất những người con ưu tú, trung kiên giữ những chức vụ quan trọng trong tổ chức Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ, Tỉnh ủy Gia Định như đồng chí Lê Văn Khương (Mười Đen), Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, Trưởng ban khởi nghĩa tỉnh Gia Định; đồng chí Bùi Văn Thủ, Xứ ủy viên, Thành ủy viên Sài Gòn - Gia Định; Bùi Văn Ngữ, Xứ ủy viên, từng đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Gia Định, em ruột đồng chí Bùi Văn Thủ, sinh quán ấp Tiền Lân; Mai Công Tự, Xứ ủy viên. Điều đặc biệt, những đồng chí này đều còn rất trẻ tuổi, mới ngoài 20. Người già nhất cũng chưa đầy 30 tuổi.

HỒ VIỆT - MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục