Tiếng vĩ cầm

Tiếng vĩ cầm

Đã nhiều năm rồi, mỗi khi có ai đó hỏi tôi: thời học sinh phổ thông, điều gì làm tôi nhớ nhất, không cần phải cân nhắc đắn đo, tôi trả lời luôn: tiếng vĩ cầm! Vâng, đúng là ngày ấy chúng tôi chưa được học một nốt nhạc nào.

Có lẽ cái lớp 5A, rồi sau này là 6A, 7A thuộc ngôi trường phổ thông cấp hai xã Nghĩa Hiệp (nay là thị trấn Liễu Đề) của chúng tôi gặp may chăng, bởi chúng tôi vẫn thường được nghe tiếng vĩ cầm. Người chơi vĩ cầm ấy là thầy Trương Văn Khiên, giáo viên môn toán, kiêm chủ nhiệm lớp tôi. Thầy Khiên chơi được cả phong cầm và vĩ cầm. Nhưng thầy thường mang bên mình cây vĩ cầm.

Khi họp lớp, thầy Khiên thường khen những đứa có nhiều việc tốt, chê những đứa có những việc dở, nhưng bao giờ trước lúc cuộc họp kết thúc thầy cũng bảo: “Ưu điểm của các em vẫn là nổi trội. Thầy muốn chơi mấy bản nhạc thay cho lời chúc mừng các em…”. Thế là cả lớp hưởng ứng bằng một tràng pháo tay kéo dài. Thầy mở hộp lấy cây vĩ cầm, nâng lên tì vào vai trái. Tay phải thầy cầm cây ác-xê bắt đầu kéo. Thầy chơi bài Lới lơ, Hoa thơm bướm lượn, bài Lý cây đa, Lý con sáo, Lý kéo chài… Bài nào thầy cũng chơi một cách say mê như gửi cả hồn vía vào bản nhạc. Còn chúng tôi, mặt đứa nào cũng tỏ vẻ hân hoan, mắt nhìn chăm chắm vào cây đàn và đôi tay thầy, cảm thấy như ở đó có phép mầu nhiệm.

Phòng học làm theo kiểu nửa hầm nửa nhà tối om, nhưng lúc này chúng tôi có cảm giác nó sáng bừng lên nhờ tiếng đàn. Cây vối bên bờ ao trước cửa sổ lớp học như cũng biết tỏa hương thơm nhờ tiếng đàn.

Người ôm đàn phong cầm là thầy giáo Trương Văn Khiên, 4 người còn lại đều là em ruột thầy: nghệ sĩ Trương Ngọc Ninh (ghita), Trương Công Dân, Trương Vĩnh Hưng, Trương Vĩnh Bình (vĩ cầm).

Người ôm đàn phong cầm là thầy giáo Trương Văn Khiên, 4 người còn lại đều là em ruột thầy: nghệ sĩ Trương Ngọc Ninh (ghita), Trương Công Dân, Trương Vĩnh Hưng, Trương Vĩnh Bình (vĩ cầm).

Có một đứa con gái từ thành phố sơ tán về mới xin vào học lớp tôi. Những ngày đầu đến lớp gương mặt xinh đẹp của nó trông rất ủ dột. Hỏi ra thì biết nó nhớ thành phố. Nó nói thẳng thừng rằng nó không sao chịu được cuộc sống buồn tẻ ở đây. Nhưng sau cái hôm được nghe thầy Khiên chơi đàn, nó liền nói ngược lại, rằng nó bắt đầu thấy yêu thôn quê nhờ những bản nhạc đó. Sáng thứ hai tuần sau đi học trên con đường tắt ngang cánh đồng, qua khu nghĩa địa cổ nhìn thấy những khóm hoa dùng dành, nó rẽ vào ngắt những chùm hoa đẹp nhất, cuốn thành một bó, rồi cứ thế ôm đến lớp. Chúng tôi chưa kịp can ngăn thì nó đã ôm bó hoa bước lên bục giảng trao vào tay thầy Khiên. Nó nói: “Em tặng thầy. Cảm ơn thầy đã kéo đàn cho chúng em nghe những bản nhạc hay thật là hay!”.

Thầy Khiên tỏ ra rất vui khi nhận bó hoa của nó. Còn chúng tôi thì ngược lại, rất lấy làm lo cho nó. Bởi vì dùng dành là loài hoa nở quanh năm, mùi thơm tinh khiết và hoang dã, sức sống của cây rất dai dẳng, nên người quê tôi thường trồng nó trên những nấm mộ, vừa làm hoa dâng cúng vừa đánh dấu khỏi nhầm với mộ người khác. Chờ lúc ra chơi, chúng tôi xúm đến mắng con bé té tát: “Đồ hâm! Nếu thầy phát hiện ra mày hái hoa của người chết tặng thầy, thầy sẽ nghĩ sao?”. Con bé giật mình, mặt tái đi. Nhưng lạ thay, nó không tỏ ra một chút bối rối. Đúng là người thành phố có khác! Ngay cả cách nó sửa sai cũng rất “hoành tráng”.

Chờ cho hết giờ ra chơi bắt đầu vào tiết thứ hai, nó điềm nhiên bước lên bục giảng, khoanh tay cúi đầu trước thầy, nói: “Thưa thầy, em mới từ thành phố sơ tán về, chưa hiểu lắm những loài hoa của đồng quê. Bó hoa dùng dành lúc nãy tặng thầy là em hái trên một ngôi mộ, nhưng em lại cứ tưởng chỗ đó chỉ là bãi cỏ. Em xin lỗi thầy!”. Cả lớp lặng phắc, nín thở, chờ một cú trừng phạt từ thầy chủ nhiệm. Nhưng kìa, đã không mắng mỏ gì, thầy Khiên còn đưa một bàn tay vuốt mái tóc con bé. Thầy bảo: “Hoa gì, nó mọc ở đâu, không quan trọng. Thầy cảm nhận được tấm lòng ở em, đó mới là điều đáng nói nhất. Cảm ơn em!”. Cả lớp vỡ nhẽ, ngộ ra một điều gì đó khá hệ trọng trong giọng nói của thầy.

Thầy Khiên dạy học ở huyện Nghĩa Hưng thêm mấy năm nữa thì chiến tranh kết thúc. Đã có thời kỳ thầy được bổ nhiệm cương vị hiệu trưởng. Hòa bình, thầy được điều động lên thành phố bổ sung vào ban lãnh đạo Nhà văn hóa Thiếu nhi, phụ trách đội ca nhạc Vàng Anh. Hồi ấy, miền Bắc có 3 đội ca nhạc thiếu nhi rất nổi tiếng: Sơn Ca của Hà Nội, Họa Mi của Hải Phòng và Vàng Anh của Nam Định. Được làm thầy giáo của đội Vàng Anh, đúng sở trường, thầy Khiên có tâm trạng lâng lâng như cá gặp nước. Vào dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ tết đội Vàng Anh lại càng bận rộn, họ mang vác nhạc cụ lên xe đi biểu diễn khắp nơi. Đến đâu họ cũng được công chúng nồng nhiệt đón nhận, mến mộ.

Nhưng rồi, số phận thầy Khiên rất ứng nghiệm với câu thơ nổi tiếng của thi hào Nguyễn Du: Chữ tài liền với chữ tai một vần! Một lần đưa đội Vàng Anh đi biểu diễn trong miền Nam, nể lời người quen, thầy Khiên cho một người đi nhờ xe. Người này mang theo mấy bao thuốc nam. Xe đang chạy qua miền Trung nóng như thiêu đốt, mấy bao thuốc bỗng dưng bốc lửa. May mà thầy Khiên kịp đưa hết học sinh trong đội xuống xe trước khi nó bốc cháy. Cho dù thế, thầy Khiên vẫn phải nhận một cái án kỷ luật khá nặng, để rồi sau đấy ít lâu thầy phải rời khỏi đội Vàng Anh và Nhà văn hóa Thiếu nhi vĩnh viễn.

Cho đến những năm gần đây, khi tuổi thầy Khiên đã ngấp nghé thất tuần, lãnh đạo Hội Cựu giáo chức thành phố Nam Định cảm thấy nuối tiếc khả năng âm nhạc của thầy, họ thành lập Chi hội cựu giáo chức văn nghệ sĩ rồi mời thầy làm chi hội trưởng. Có đất dụng võ, thầy Khiên lại hoạt động rất hăng say. Mỗi khi Hội Cựu giáo chức thành phố họp hành, đi giao lưu, tham quan du lịch, đều kéo cái Chi hội cựu giáo chức nghệ sĩ này đi cùng. Và đi đến đâu là lời ca tiếng hát vang lừng đến đó. Vui thật là vui. Một liều thuốc kéo dài tuổi thọ hữu hiệu.

Dịp Quốc khánh năm 2011 này, chị Thanh Hà, một giọng đơn ca, một cây sôlít sáng danh của đội Vàng Anh năm xưa bấm điện thoại từ Nam Định gọi lên Hà Nội cho tôi, nói: “Thầy Trương Văn Khiên bệnh nặng, đã ở giai đoạn cuối. Thầy muốn gặp em…”. Tôi vội đáp xe về Nam Định. Nhìn thầy gầy còm, thân thể mỏng dính, nằm co quắp trên giường, cố kìm cảm xúc mà tôi vẫn bật khóc. Thầy Khiên cứ quờ quạng tìm nắm lấy tay tôi như cố bấu víu một chút sự sống. Giọng thầy phều phào: “…Thời gian càng lùi xa, thầy càng thấy những năm tháng dạy học ở quê em là có ý nghĩa nhất trong cuộc đời dạy học của thầy. Hôm nay em về, thầy có thể yên tâm nhắm mắt được rồi…”.

Lê Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục