Tiếng vọng cố hương

Lần đầu tiên ở Việt Nam, một cuộc thi thơ cấp làng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là cuộc thi Thơ ca và nguồn cội của Hội Thơ làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ngày 17-3 vừa qua, lễ trao giải thưởng cuộc thi Thơ ca và nguồn cội lần thứ 2 được tổ chức. Người đứng ra tổ chức cuộc thi cũng là một nhà thơ quen thuộc, người con của làng Chùa - Nguyễn Quang Thiều. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về cuộc thi thơ độc đáo này.
Tiếng vọng cố hương

Lần đầu tiên ở Việt Nam, một cuộc thi thơ cấp làng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó là cuộc thi Thơ ca và nguồn cội của Hội Thơ làng Chùa, xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Ngày 17-3 vừa qua, lễ trao giải thưởng cuộc thi Thơ ca và nguồn cội lần thứ 2 được tổ chức. Người đứng ra tổ chức cuộc thi cũng là một nhà thơ quen thuộc, người con của làng Chùa - Nguyễn Quang Thiều. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về cuộc thi thơ độc đáo này.

* PV:
Từ nhân vật của các hoạt động văn học cấp trung ương, bây giờ lại quay về tổ chức cuộc thi thơ cấp làng, cảm giác của ông ra sao?

* Nhà thơ NGUYỄN QUANG THIỀU: Một cảm giác an toàn, bình yên và hạnh phúc. Vì nếu tôi có làm gì đó chưa tốt thì người làng tôi chỉ cười xòa thôi. Còn ở Hội Nhà văn Việt Nam mà làm điều gì đó chưa tốt, sẽ bị hội viên và báo chí chê bai. Thậm chí còn bị một vài người thiếu thiện chí nhắn tin “khủng bố” nữa. Rồi họ đưa lên mạng phê phán không tiếc lời. Nói chung, trở về trú ngụ nơi cố hương của mình thì không có hạnh phúc gì hơn.

Các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (thứ tư từ phải sang) đón gia đình nhà thơ Mỹ Kevin Bowen thăm Việt Nam.

Các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (thứ tư từ phải sang) đón gia đình nhà thơ Mỹ Kevin Bowen thăm Việt Nam.

* Cuộc thi Thơ ca và nguồn cội mời một đội ngũ giám khảo toàn những tên tuổi của văn học Việt Nam. Tuy ông chỉ đóng vai trò khiêm tốn là thư ký của cuộc thi nhưng không ít người tự hỏi, liệu thư ký Nguyễn Quang Thiều có áp đảo ý kiến đánh giá của ban giám khảo?

* Ngay từ ngày đầu của cuộc thi, tôi không hề có ý kiến về một bài thơ hay một tác giả cụ thể nào. Những người nông dân làng tôi nghèo khó nhưng sống trong sáng và công bằng. Con người tôi có được một điều gì tốt là do họ dạy tôi. Họ đã nhờ chúng tôi tổ chức cuộc thi nên chúng tôi không được phép làm những điều vẩn đục. Trong cuộc họp của ban chung khảo, tôi chỉ ngồi đánh máy biên bản, không nói một lời nào cho dù nhiều lúc cũng “ngứa ngáy” muốn tranh luận. Hơn nữa, ban giám khảo toàn là những người tài và có uy tín.

* Từ thành công của cuộc thi thơ cấp làng này, ông rút ra được điều gì?

* Hãy yêu cuộc đời này và ngợi ca nó bằng ngôn ngữ mẹ đẻ một cách chân thành nhất. Hãy sống và dâng hiến không vụ lợi. Có lẽ vì như thế mà cuộc thi thơ do một hội thơ làng tổ chức lại có thể mời gọi được những nhà thơ tài năng và tên tuổi tham dự. Vì trong sâu thẳm của tinh thần cuộc thi lại không phải là cuộc thi mà là những khoảnh khắc thiêng liêng của mỗi con người khi viết về cố hương mình.

* Xin ông cho biết giá trị giải thưởng cuộc thi Thơ ca và nguồn cội lần thứ 2, cũng như việc tổ chức cuộc thi lần thứ ba?

* Vì đây là một cuộc thi do hội thơ của một làng tổ chức và do một công ty mới thành lập và hoạt động trong một lĩnh vực khó kinh doanh nên giá trị về tiền không lớn. Giải nhất được trao kèm theo tiền mặt là 15 triệu đồng. Những người làng Chùa dự định sẽ 3 năm một lần tổ chức cuộc thi.

Lễ trao giải tại làng Chùa lần này sẽ có sự tham dự của những bạn thơ người Mỹ như Kevin Bowen, Fred Marchant… Đó cũng là một cách giúp bạn bè thế giới hiểu hơn về sinh hoạt văn hóa và thi ca đầy tính nhân văn của người Việt.

Cuộc thi Thơ ca và nguồn cội lần thứ 2, giải nhất thuộc về nhà thơ Đinh Thị Như Thúy (Đắc Lắc), người vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011. Cuộc thi không chỉ thu hút đông đảo người dự thi, trong đó có nhiều nhà thơ nổi tiếng, mà ban giám khảo cũng toàn những nhà thơ, nhà phê bình tên tuổi: Y Phương, Nguyễn Đăng Điệp, Trần Quang Quý, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Quang Hoài.

HÙNG PHAN

Tin cùng chuyên mục