Tiếp cận 2 chiều

Theo Vinacas, vai trò và sự hỗ trợ của các tham tán thương mại còn có thể cao hơn nếu kịp thời cung cấp thêm thông tin cho DN về xu hướng tiêu dùng, hay nhu cầu thị trường tại chỗ, đặc biệt là những ý tưởng, để có thể hỗ trợ các nông sản Việt quảng bá hay tiếp cận thị trường các nước. 
Tại buổi gặp gỡ giữa tham tán thương mại các nước với doanh nghiệp (DN), hiệp hội ngành nghề và các tỉnh phía Nam vào cuối tháng 2, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ghi nhận những cố gắng và sự hỗ trợ của các tham tán thương mại (tại các nước châu Âu, Úc và Mỹ) khi DN và hiệp hội đến quốc gia đó xúc tiến thương mại mở rộng thị trường.
Bên cạnh sự chủ động của DN, sự hỗ trợ đó là điều kiện giúp kim ngạch nhân điều xuất khẩu những năm qua tăng trưởng 10%/năm, riêng năm 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD, đứng đầu các mặt hàng nông sản (rau quả, lúa gạo, hồ tiêu, cà phê…).
Theo Vinacas, vai trò và sự hỗ trợ của các tham tán thương mại còn có thể cao hơn nếu kịp thời cung cấp thêm thông tin cho DN về xu hướng tiêu dùng, hay nhu cầu thị trường tại chỗ, đặc biệt là những ý tưởng, để có thể hỗ trợ các nông sản Việt quảng bá hay tiếp cận thị trường các nước. 
Chánh văn phòng Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA)  kiến nghị 4 vấn đề: DN cần thông tin chính sách của nước sở tại, nhất là các rào cản kỹ thuật mà DN chưa nắm bắt để tránh các va vấp. Khi xảy ra tranh chấp giữa DN xuất khẩu Việt Nam và nước sở tại, rất cần có sự hỗ trợ kịp thời của tham tán thương mại, ví dụ như việc tranh chấp giữa Công ty Gia Hân và Công ty Global Home (Cộng hòa Czech).
HAWA cho rằng, tham tán thương mại là “thổ địa” tại chỗ, nắm bắt thị trường sâu hơn, sẽ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các hiệp hội và DN. Bộ Công thương nên thường xuyên tổ chức tọa đàm với hiệp hội về thị trường cụ thể nào đó, có thể chỉ từ vài thông tin ban đầu cũng sẽ giúp DN khai phá hay mở rộng được một thị trường nào đó. 
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh ghi nhận những kiến nghị của hiệp hội và DN. Thứ trưởng cũng chia sẻ, tham tán thương mại không đủ nhân lực và cả tài lực để có thể đáp ứng từng câu hỏi hay yêu cầu của hàng ngàn DN trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Ngân sách nhà nước để xúc tiến thương mại, từ khi cả nước xuất khẩu 50 tỷ USD/năm đến nay lên 200 tỷ USD/năm, vẫn không thay đổi. Vì vậy, hiệp hội ngành nghề và DN cũng cần chủ động tìm hiểu, thay vì chỉ trông chờ sự tư vấn, xúc tiến thương mại, hay đồng tham gia một hội chợ nào đó để được miễn phí.
Các tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ, nhưng bản thân DN cũng cần tự tìm kiếm thông tin thị trường từ nhiều nguồn. Đó là sự tiếp cận 2 chiều, sẽ tốt hơn và hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục