(SGGP).- “Bất kỳ lúc nào, cử tri cũng có thể gọi điện thoại để bày tỏ nguyện vọng đến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), mà không cần phải trực tiếp đến Văn phòng Đoàn ĐBQH. Riêng công tác tiếp dân của ĐBQH được phủ kín suốt tuần. Chúng tôi tiếp hết dân chứ không phải tiếp hết giờ”. Đây là khẳng định của ông Huỳnh Thành Lập, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP tại buổi làm việc với Ban Dân nguyện, Ban quản lý dự án “Nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa ĐBQH và cử tri tại Việt Nam” (dự án được thực hiện giữa Văn phòng Quốc hội với Viện KAS - Cộng hòa Liên bang Đức), vào sáng 2-10.
Một trong những điểm mới trong công tác tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TPHCM là thông tin rộng rãi lịch tiếp xúc của ĐBQH đến cử tri thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động tiếp xúc cử tri cũng được tăng cường, không chỉ thực hiện trước và sau kỳ họp mà còn theo chủ đề, yêu cầu và cử tri có thể chọn đại biểu để tiếp xúc. Đoàn ĐBQH TPHCM tạo điều kiện tối đa để phóng viên báo đài tác nghiệp, coi cơ quan báo đài là người bạn đồng hành với cơ quan dân cử. Về nhiều cuộc họp cơ quan chủ quản không cung cấp tài liệu cho báo, đài, đoàn ĐBQH TPHCM đề nghị phải cung cấp, trừ vấn đề nào mật. Tuy nhiên, đoàn ĐBQH TPHCM còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri, vì đây là trách nhiệm và lương tâm của đại biểu đối với người đã cầm lá phiếu bầu chọn mình. Để nâng cao hiệu quả dự án “Nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa ĐBQH và cử tri tại Việt Nam”, cử tri kiến nghị ĐBQH dành thêm thời gian để sâu sát dân, trực tiếp tiếp xúc dân tại những khu vực đang xảy ra các vấn đề nóng; tiếp xúc rộng rãi các thành phần cử tri; tăng cường công tác giám sát, khi phát hiện sai phạm thì kiên trì đeo bám đến khi xử lý...
* Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 2-10, Thường trực đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM do đồng chí Huỳnh Thành Lập, Trưởng đoàn ĐBQH TPHCM chủ trì đã có buổi lấy ý kiến của các đại biểu, các ngành có liên quan, góp ý dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài (NNN) tại Việt Nam. Nhiều ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm nội dung quản lý NNN quá cảnh tại Việt Nam; có ký hiệu riêng dành cho các thuyền viên ra vào Việt Nam vì hàng năm riêng tại các cảng ở TPHCM có hơn 100.000 thuyền viên ra vào. Ngoài ra, cần có thêm quy định quản lý NNN không có quốc tịch cư trú tại Việt Nam và thị thực xuất nhập cảnh cho trẻ em dưới 14 tuổi…
Do có sự thay đổi lịch công tác, các buổi tiếp xúc với cử tri quận 3, quận 4 của Tổ ĐBQH đơn vị 1 được chuyển sang tổ chức theo thời gian như sau: |
VÂN ANH - MINH YẾN