Tiếp lửa ấm cho vùng cao

Đối với người vùng cao, thời tiết khắc nghiệt đã trở thành nỗi ám ảnh thấm đẫm nước mắt. Đã có hơn 3.000 gia súc, gồm trâu, bò, ngựa, dê, heo… ở 12 tỉnh vùng cao phía Bắc bị giá rét quật ngã. Tình hình rét vẫn kéo dài, nên mức thiệt hại sẽ còn tăng.

Đối với người vùng cao, thời tiết khắc nghiệt đã trở thành nỗi ám ảnh thấm đẫm nước mắt. Đã có hơn 3.000 gia súc, gồm trâu, bò, ngựa, dê, heo… ở 12 tỉnh vùng cao phía Bắc bị giá rét quật ngã. Tình hình rét vẫn kéo dài, nên mức thiệt hại sẽ còn tăng.

Giờ đây, xem truyền hình, người dân các địa phương trong nước không còn hào hứng với những ngọn cây, túp lều phủ trắng tuyết, mà phải chạnh lòng với hình ảnh người phụ nữ Dao đỏ mặc chiếc áo không đủ ấm đi trong giá lạnh, nhặt từng củ su hào trong vườn đang chết dần vì rét. Chị tâm tình: “Lạnh thì lạnh, nhưng không còn cái gì để ăn, mà bỏ thì tiếc!”. Hay hình ảnh người phụ nữ ở Sa Pa chỉ biết gạt nước mắt nhìn con nghé - tài sản nhỏ nhoi mà gia đình chị mới gầy dựng được -  đang giãy chết mặc dù đã được khoác lên mình tấm chăn mỏng. Chị chỉ nói được một câu: “Con nghé mới mấy tháng tuổi, chết tội quá!”.

Chỉ một cú click chuột trên các trang xã hội mấy ngày gần đây, sẽ thấy tình người ấm áp khi nhiều nơi, nhiều đơn vị đã nhanh tay chuyển lên vùng cao những tấm áo ấm hay chăn len tặng các cháu thiếu nhi đang gồng mình với cái lạnh, với manh áo phong phanh và chân đất. Những bao tải áo ấm đã lên đường về những nơi xa xôi của Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Cao Bằng… gắn liền những địa danh còn thật lạ lẫm với nhiều người như Trạm Tấu, Phố Bảng, Xía Nọi… Thời tiết khắc nghiệt năm nay cũng đã đẩy bà con vùng cao các tỉnh phía Bắc vào thế chống chọi khó khăn, không chỉ chống lạnh cho người mà gia súc cũng lần lượt chết, hoa màu bị hư hại nặng. Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang cho biết, trong và sau đợt lạnh này, gia súc vừa chết, vừa đổ bệnh, còn hoa màu sẽ rụi hết do bị mưa tuyết bao phủ nhiều ngày. Cứ xem trên màn ảnh nhỏ hàng đêm, chắc hẳn mọi người dân vùng xuôi cũng đau lòng như chính bà con vùng cao khi thấy vườn rau họ trồng để bán tết giờ đã không còn nữa. Nước mắt hòa lẫn trong nước mưa và gió rét. Giúp bà con chống lạnh là việc cần lắm, nhưng không chỉ vậy, đang rất cần sự tiếp lửa ấm từ vùng xuôi khi tết đã cận kề mà không khí tết xem ra vẫn còn xa xôi bởi thiên tai.

Như một thói quen hay truyền thống, người dân TPHCM mấy ngày này đang bận rộn lo tết cho mọi người. “Xuân yêu thương - xuân sẻ chia” đang lan tỏa trong cộng đồng, trong giới trẻ, trong trường học. Những gói quà tết đang tới các nhà mở, bệnh viện, nhà dưỡng lão, trại trẻ mồ côi… Năm nay, do thiên tai ở vùng cao, cần lắm sự tiếp lửa ấm của vùng xuôi, đặc biệt của người dân TPHCM vốn rất nghĩa tình. Ngoài áo ấm, chăn len, cần lắm những phần quà tặng bà con vùng cao ăn tết, bù đắp thiệt hại do thiên tai. Vì trở ngại địa lý - đường xa, tết cận kề, những đoàn từ thiện nhân dân sẽ khó tiếp cận với bà con vùng cao. Không ai khác hơn, báo chí và những tổ chức từ thiện sẽ thay họ gánh vác trách nhiệm này: Đưa tết - như một cách tiếp lửa ấm - đến vùng cao. Kinh nghiệm từ các chuyến hàng cứu trợ thiên tai lũ ống, lũ quét vùng cao những năm trước đây. Tin rằng dẫu tết có cận kề, tấm lòng hào hiệp của người dân TPHCM sẽ được trao đến tận tay, tận thôn bản, tận từng gia đình của bà con vùng cao. Mong lắm thay…


THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục