Tiếp lửa Trường Sa

Với tinh thần tất cả vì Trường Sa thân yêu, thời gian qua, Ban Xăng dầu (Phòng Hậu cần, Sư đoàn Không quân 370) vượt qua mọi trở ngại, vận chuyển thành công những chuyến hàng xăng, dầu ra quần đảo Trường Sa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biển đảo và giúp đỡ ngư dân đánh bắt xa bờ.
Tiếp lửa Trường Sa

Với tinh thần tất cả vì Trường Sa thân yêu, thời gian qua, Ban Xăng dầu (Phòng Hậu cần, Sư đoàn Không quân 370) vượt qua mọi trở ngại, vận chuyển thành công những chuyến hàng xăng, dầu ra quần đảo Trường Sa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biển đảo và giúp đỡ ngư dân đánh bắt xa bờ.

Đi người không ra đảo đã khó, chở hàng hóa càng khó hơn, nên việc chuyên chở xăng dầu ra đảo là nhiệm vụ rất gian nan, đầy hiểm nguy đòi hỏi bộ đội phải có sức khỏe tốt, tinh thần dũng cảm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Cán bộ chiến sĩ phải chuẩn bị kỹ từng chi tiết nhỏ nhặt nhất để đảm bảo phòng chống cháy nổ và sự cố tràn dầu. Thiếu úy Đỗ Công Kết, công tác tại Ban Xăng dầu, vừa mới đi Trường Sa về cho biết: “Chúng tôi quyết tâm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biển đảo bằng mệnh lệnh của trái tim nên khó khăn nào cũng vượt qua…”.

Kho xăng dầu được bộ đội bảo quản tại Trường Sa.

Kho xăng dầu được bộ đội bảo quản tại Trường Sa.

Ở Trường Sa, xăng dầu quý như máu, nên không thể tả hết niềm vui vô bờ bến của quân và dân trên đảo khi hàng trăm khối xăng, dầu được mang ra. Để có được nguồn xăng dầu tăng thêm sức mạnh cho đảo, bộ đội ngành hậu cần Sư đoàn 370 phải trải qua hành trình hết sức vất vả. Đầu tiên phải chở xăng dầu bằng xe tải từ TPHCM ra Vũng Tàu, lượng xăng dầu được chứa trong các thùng phuy. Đến Vũng Tàu, bộ đội không quân hiệp đồng với bộ đội hải quân dùng xe cần cẩu bốc xếp các phuy xăng dầu lên boong tàu, sau đó phủ bao cát và chêm cây lá xung quanh, đồng thời thường xuyên tưới nước liên tục để giữ độ ẩm làm mát cho từng thùng phuy xăng dầu. Nếu trời yên biển lặng thì mất khoảng 2 ngày tàu ra đến đảo, còn gặp bão tố thì thời gian kéo dài hơn. Ra tới nơi, tàu phải neo đậu cách đảo hơn 1 hải lý để đảm bảo an toàn vì bãi san hô tàu to không thể vào sát bờ. Sau đó phải dùng cần cẩu đưa từng thùng phuy xăng dầu từ tàu to xuống tàu nhỏ để đưa vào bờ. Ở trên đảo, các anh lăn từng thùng từ bến vào kho cách đó khoảng 600 - 700m, đến kho phải sắp xếp ngăn nắp trật tự để đảm bảo công tác PCCC. Để vận chuyển an toàn, các anh phải dậy từ tờ mờ sáng và bắt tay ngay vào công việc để tranh thủ lúc trời mát vận chuyển hàng an toàn và đỡ vất vả hơn. Khoảng 2 ngày thì bốc xếp xong cả trăm thùng phuy xăng dầu, lúc đó anh em mới thở phào nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ.

Gian khổ là thế nhưng hầu hết bộ đội ngành hậu cần Sư đoàn 370 vẫn xung phong làm nhiệm vụ đặc biệt này. Xác định nhiệm vụ của ngành hậu cần là luôn đi trước về sau, nên tại Ban Xăng dầu, Phòng Hậu cần, Sư đoàn 370 có hơn 50 cán bộ, chiến sĩ thì hầu hết đã xung phong ra đảo làm nhiệm vụ. Ngoài các chuyến đi theo tàu hải quân áp tải xăng dầu ra đảo, nhiều cán bộ, chiến sĩ xung phong ở lại đảo trực chiến cả năm trời mới về, nhưng ai nấy đều vui vẻ vì góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng. Hiện nay tại Trường Sa, Sư đoàn 370 có một đại đội làm nhiệm vụ chỉ huy tác chiến điều hành, hướng dẫn đường bay, điều khiển radar, PCCC, vận chuyển, quản lý kho xăng dầu… Dù vất vả nhưng bộ đội vẫn nỗ lực vượt khó để đưa ngày càng nhiều xăng dầu ra đảo Trường Sa. Nhờ đó, số lượng xăng dầu tại đảo tăng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trung tá Nguyễn Xuân Long, Trợ lý xăng dầu Sư đoàn 370 cho biết: “Nhờ có nguồn xăng dầu đầy đủ nên đã đảm bảo các chuyến bay ra biển của lực lượng không quân khi đưa đón nhiều các đoàn cán bộ và khách tham quan ra đảo, đặc biệt là đảm bảo kịp thời các chuyến bay cấp cứu bộ đội và ngư dân trên biển…”. Nếu như vài năm trước đây có rất ít các chuyến bay ra đảo thì giờ đây, tại đảo Trường Sa Lớn và đảo Song Tử Tây ngày càng nhiều chuyến bay ra biển hơn vì đã có đủ nguồn xăng dầu đáp ứng nhu cầu. Với công việc âm thầm tiếp lửa cho Trường Sa, bộ đội ngành hậu cần Sư đoàn 370 đã góp phần mang lại sức mạnh mới cho Trường Sa ở nơi đầu sóng ngọn gió để Trường Sa ngày càng gần hơn với đất liền.

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục