Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng nhiều năm qua, hệ thống bảo tàng tại TPHCM vẫn luôn cố gắng từng bước đổi mới, sáng tạo trong hoạt động nhằm thu hút khách tham quan. Cơ sở vật chất được tiếp thu vốn cũ kỹ lạc hậu, có cấu trúc và thiết kế không tương ứng với hoạt động chuyên ngành, phần lớn các bảo tàng tại TPHCM không đáp ứng được hoạt động nghiệp vụ và chuyên môn. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động dịch vụ bổ trợ cho bảo tàng - được coi là một trong những động thái tiếp sức cho bảo tàng, nhiều năm qua vẫn không mấy chuyển động!
Khách đến bảo tàng là ai?
Theo Sở VH - TT TPHCM, mỗi năm các bảo tàng tại TPHCM đón gần 3,5 triệu lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, một con số được đánh giá là khả quan. Thế nhưng, nếu nhìn lại ở một góc độ nào đó thì câu chuyện này vẫn cần nhiều sự quan tâm. Vì sao? Ngoài một số bảo tàng được các công ty du lịch đưa vào tour tuyến, đưa được khách trong nước và du khách quốc tế đến tham quan như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh; các đơn vị bảo tàng còn lại lượng khách đến tham quan thường được ví von là “đến hẹn lại lên”, nghĩa là chỉ sôi động nhộn nhịp vào những dịp lễ lạt, kỷ niệm hay giao lưu, họp mặt…
Thông thường, ngoài lượng du khách quốc tế đến TPHCM được đưa đến hay tìm đến tham quan bảo tàng, các đoàn khách còn lại phần nhiều là do các cơ quan đơn vị, công ty xí nghiệp tổ chức đưa nhân viên, công nhân lao động đi tham quan; nhà trường, đoàn thanh niên tổ chức cho sinh viên - học sinh đến bảo tàng sinh hoạt ngoại khóa, giáo dục truyền thống; cũng có khi là các đoàn cán bộ từ các tỉnh thành đến TPHCM giao lưu, học tập hoặc công tác. Còn lại, số lượng người dân tìm đến bảo tàng thưởng lãm, học tập còn khá khiêm tốn nếu không muốn nói là rất ít. Thử hỏi một số người dân tại TPHCM xem, khi có thời gian rảnh rỗi họ có chọn đến bảo tàng không, câu trả lời có lẽ sẽ là không.
Từ cả chục năm trước, TPHCM đã có dự án cải tạo, nâng cấp và xây mới bảo tàng nhưng tiến độ thực hiện quá chậm vì vướng thủ tục. Trong số 7 bảo tàng do Sở VH-TT TPHCM quản lý, đến nay mới chỉ có Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là được xây mới một phần, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM được tiếp quản từ Viện Viễn đông Bác cổ là có cấu trúc và thiết kế tương ứng với quy cách hoạt động bảo tàng, đa phần còn lại do cơ sở vật chất cũ kỹ (xây dựng từ trước năm 1975) rơi vào tình trạng xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động chuyên môn.
Giấc mơ về bảo tàng hiện đại
Trong điều kiện vật chất thiếu thốn, hạn hẹp, các bảo tàng phải tự thân vận động, nỗ lực hết mình để làm sao thu hút được khách. Thấy được những khó khăn này, các cấp quản lý cũng từng bước điều chỉnh, tạo điều kiện để bảo tàng phát huy hoạt động. Cụ thể nhất là từ năm 2009, chủ trương tổ chức hoạt động dịch vụ bổ trợ cho bảo tàng đã được đưa hẳn vào Luật Di sản văn hóa. Tiếp đó, tại thông tư số 18/TT-BVHTTDL ngày 31-12-2010, Bộ VH-TT-DL cũng đã có hướng dẫn khá cụ thể về việc tổ chức các hoạt động dịch vụ bổ trợ cho bảo tàng. Trong đó nêu rõ, bảo tàng được tổ chức các hoạt động dịch vụ và các hoạt động dịch vụ này phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng hoặc đơn đặt hàng của tổ chức, cá nhân… Có thể nói, thông tư 18 ra đời như một luồng gió mát giải tỏa “cơn khát” tổ chức hoạt động dịch vụ cho bảo tàng bấy lâu. Ấy vậy nhưng đến nay, câu chuyện này vẫn không mấy chuyển động!
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du với giờ học sử tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - TPHCM
Ảnh: LÊ MINH
Từ hơn 5 năm trước, câu chuyện này đã nóng với nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan đến vấn đề này. Hoạt động dịch vụ như thế nào là phù hợp, vừa mang dấu ấn của nét đặc trưng văn hóa vừa đóng vai trò bổ trợ cho hoạt động bảo tàng đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thỏa đáng khi còn quá nhiều tranh luận, khi những người trong cuộc tỏ ra không mấy mặn mà. Bởi vì thực tế quá “chua”, từ bắt tay xây dựng đề án đến phê duyệt đề án là một chuỗi không ít những thủ tục nhiêu khê, rối rắm.
Các bảo tàng thì ngao ngán, nhiều đơn vị doanh nghiệp có ý định liên kết đầu tư theo hướng xã hội hóa cũng ngán ngẩm thở dài, lâu dần rồi trở nên không còn ai mặn mà. Ở các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Anh, CHLB Đức, Australia, Đan Mạch… hay gần gũi hơn cả là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… các hoạt động dịch vụ bảo tàng hoạt động rất mạnh mẽ, có vai trò then chốt vừa mang nét đặc trưng văn hóa lịch sử của địa phương và quốc gia, vừa góp phần quảng bá hình ảnh của bảo tàng. Trong khi ở nước ta, hầu hết các bảo tàng điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, chắp vá, không được đầu tư tương xứng nên hoạt động cũng chỉ trong chừng mực nhất định, thiếu phương tiện hiện đại chuyên ngành, phương thức trưng bày khô cứng, hoạt động dịch vụ nếu có cũng chỉ dừng lại vài quầy hàng lưu niệm, quầy sách hoặc hơn chút là quán cà phê giải khát…
Trong điều kiện và nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp, để bảo tàng phát triển và có sức sống hơn, đòi hỏi phải có những cách nghĩ thoáng hơn và cách làm mới hơn, phù hợp hơn với xu thế phát triển của bảo tàng thế giới hiện đại.
Bao giờ ta tự cởi trói cho mình? Câu hỏi luôn khiến những người quan tâm đến văn hóa, đến di sản phải suy tư trăn trở. Giấc mơ về một hệ thống bảo tàng hiện đại, phát triển mang tầm khu vực có lẽ vẫn còn quá xa vời.
Theo bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM: “Nếu đánh giá hoạt động của bảo tàng trong giai đoạn hiện nay, chỉ có thể nói gọn trong ba chữ là khó trăm bề! Làm sao để chúng ta bỏ đi lối tư duy cứng nhắc, chỉ xem bảo tàng hoàn toàn là nơi trang nghiêm, như là nơi chỉ để thờ cúng thì không nên. Mỗi bảo tàng có một đặc thù riêng, muốn bảo tàng có sức sống thì phải kết nối được với xã hội, thân thiện và hướng đến cộng đồng. Vai trò của hoạt động dịch vụ phải được coi trọng, cốt lõi là làm sao hướng đến các hoạt động văn hóa, giải trí lành mạnh, đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. |
MINH AN