Gây quỹ cộng đồng
Xuất bản một cuốn sách hiện nay không còn là vấn đề khó khăn về thủ tục nhưng kinh phí lại là một vấn đề lớn, đặc biệt với những sáng tác đầu tay, chưa nổi tiếng. Trong bối cảnh đó, gây quỹ cộng đồng, một mô hình góp vốn sản xuất đang trở nên quen thuộc trên thế giới nhưng còn mới ở nước ta.
Nở rộ gây quỹ để sáng tác
Nếu tác giả không có kinh phí để tự in sách thì chỉ có hai cách để sách được xuất hiện. Một là giới thiệu với các nhà xuất bản (NXB), đơn vị làm sách để những nơi này hỗ trợ chi phí xuất bản. Cách phổ biến nhất từ trước đến nay nhưng nhược điểm là do ngân sách có hạn nên việc lựa chọn tác phẩm để đầu tư xuất bản rất giới hạn, chủ yếu chỉ nhắm vào các tác phẩm tên tuổi, đáp ứng các yêu cầu của đơn vị, có khả năng thu hồi vốn cao… Thứ hai, phải biết dựa vào các quỹ hỗ trợ xuất bản. Hiện nay, ngoài quỹ của các hội nhà văn còn có quỹ của tổ chức tập thể hoặc cá nhân, nhưng cũng giống như các đơn vị làm sách, các quỹ này cũng rất eo hẹp, lựa chọn khó khăn nên số tác giả được hỗ trợ không nhiều.
Thành Kỳ Ý, bộ sách lịch sử thành công nhờ gây quỹ cộng đồng, hiện được đưa lên lịch
Năm 2014, nhóm Phong Dương Comics bất ngờ lập trang web Betado, kêu gọi bạn đọc góp vốn để xuất bản bộ truyện tranh với đề tài lịch sử Long thần tướng. Mục tiêu ban đầu của nhóm đề ra là thu được 300 triệu đồng để làm sách. Sau vài tháng kêu gọi, đã có 711 người góp vốn với tổng số tiền 330 triệu đồng, vừa đủ để thực hiện cuốn sách.
Nhận thấy một cơ hội mới cho những người sáng tác, mô hình gây quỹ cộng đồng đã nhanh chóng mở rộng với hai trang web là Comicola, chuyên góp vốn cho các tác giả truyện tranh và Betado hướng đến hỗ trợ xuất bản sách hoặc các ấn phẩm văn hóa như album ca nhạc, dự án bảo tồn di sản... Đến nay, cả hai trang đã thực hiện thành công 9 tác phẩm. Trong đó Long thần tướng, vẫn là tác phẩm được góp quỹ nhiều nhất khi tập 2 huy động được 260 triệu đồng, cuốn sách Sổ tay giáo dục gia đình là tác phẩm huy động nhanh nhất khi thu được 100 triệu đồng chỉ sau 4 ngày phát động.
Mới đây nhất, trang gây quỹ cộng đồng Crobo do Trung tâm Hợp tác trí tuệ Việt Nam và Công ty sách Alpha Books tổ chức đã đi vào hoạt động. Trang này mở rộng hơn khi hướng đến 3 dòng sách là sách dịch, sách trong nước và sách xưa viết bằng tiếng Hán, Nôm nhưng chưa được chuyển ngữ.
Ngập ngừng trước mô hình mới
Gây quỹ cộng đồng (CrowFunding), hiểu theo nghĩa thông thường là hình thức rao bán sản phẩm từ khi tác phẩm còn là ý tưởng. Nếu ai thích ý tưởng này có thể góp vốn cho người sáng tác, sản xuất và khi số vốn góp đủ ở một mức nào đó thì sản phẩm sẽ được thực hiện. Tùy vào mức góp vốn mà người góp sẽ được các ưu đãi, thấp nhất có thể là món quà lưu niệm của người sản xuất, sáng tác; cao hơn có thể là sản phẩm thực tế và cao hơn nữa có thể là những sản phẩm đặc biệt, dành riêng hay thậm chí trong trường hợp Long thần tướng được đưa vào làm nhân vật phụ trong tác phẩm.
Ưu điểm của gây quỹ cộng đồng rất rõ ràng, người sáng tác, sản xuất có được kinh phí thực hiện, đánh giá được mức độ ưa thích của người sử dụng. Số tiền thu được không bị ràng buộc bởi các hợp đồng kinh tế, chỉ bị ràng buộc bởi lương tâm và trách nhiệm. Chính vì thế, có khi người sáng tác, sản xuất không thiếu kinh phí nhưng vẫn gây quỹ để đo lường sức hấp dẫn của sản phẩm cũng như để tạo sự an toàn.
Dù rất phổ biến ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam, gây quỹ cộng đồng còn rất mới lạ và vì thế có nhiều vấn đề phát sinh. Như trường hợp Long thần tướng, ngay khi gây quỹ đã tạo nên dư luận trái chiều, thậm chí nhiều người cho rằng nếu tác phẩm thực sự hay thì lẽ nào các NXB lại từ chối và còn nghi ngờ tính trong sáng của những người thực hiện. Ở góc độ ngược lại, chính các tác giả sáng tác cũng rụt rè vì nghĩ rằng gây quỹ là một hình thức “xin xỏ” bạn đọc giúp đỡ.
Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất của gây quỹ cộng đồng tại Việt Nam là chưa có cơ chế để kiểm soát, điều chỉnh hoạt động này. Điều gì sẽ xảy ra nếu người gây quỹ không thực hiện cam kết, hay làm cho có để hợp pháp hóa cam kết? Sáng tác là lĩnh vực mang nặng tính cá nhân, tác giả có thể hứa hẹn nhưng nếu tác phẩm không có chất lượng như lời hứa thì cũng không thể làm gì về mặt pháp lý được. Và tuy đã có một số tác phẩm thành công nhờ gây quỹ nhưng dư luận vẫn còn e dè với mô hình này, khi về mặt cơ bản vẫn đặt nặng yếu tố đạo đức hơn là pháp luật, trông chờ vào lương tâm cá nhân…
Cần phải khẳng định một điều, gây quỹ cộng đồng không phải toàn năng, nó không thể thay thế cho các hoạt động đầu tư xuất bản truyền thống bởi nhiều lý do, như chỉ mới hướng đến bạn đọc trẻ, các sáng tác thiếu sự đánh giá của những người chuyên môn, quá trình góp vốn phức tạp, lâu dài, không đảm bảo tính liên kết khi tác giả hoặc những người góp vốn có thể chấm dứt bất cứ lúc nào.
Thế nhưng, nhìn dưới khía cạnh khác, gây quỹ cộng đồng thực sự là sự hỗ trợ đắc lực ban đầu cho những người sáng tác. Thông qua gây quỹ, các ý tưởng có thể biến thành hiện thực, được công chúng biết đến và dĩ nhiên có cơ hội tỏa sáng nếu đó thực sự là những tác phẩm hay.
TƯỜNG VY