Tiếp tục bình ổn mặt hàng phục vụ mùa khai trường

Căn cứ Quyết định số 1223 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm ký ban hành ngày 28-3-2019, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) các mặt hàng mùa khai trường 2019-2020 đối với 4 nhóm hàng gồm tập học sinh, giày dép, đồng phục và cặp, ba lô, túi xách với hơn 100 loại sản phẩm.

 

Sản xuất tập học sinh cung ứng bình ổn thị trường tại một đơn vị Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất tập học sinh cung ứng bình ổn thị trường tại một đơn vị Ảnh: CAO THĂNG

Đáp ứng 35%-50% nhu cầu

Chương trình triển khai từ ngày 1-4-2019 đến 31-3-2020, trong đó đặc biệt quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Chương trình năm nay tiếp tục nhận được sự tham gia của 11 doanh nghiệp (DN) có nhiều thế mạnh trong việc sản xuất và cung ứng sản phẩm với chất lượng ổn định và giá cả phù hợp.

Căn cứ vào nhu cầu thực tế và khả năng cung ứng của các DN, TPHCM đã xây dựng sản lượng hàng tham gia bình ổn phục vụ mùa khai giảng năm học 2019-2020 chiếm từ 35%-50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn TPHCM. Cụ thể, mặt hàng tập học sinh là 17.965.400 quyển, hơn 440.000 bộ đồng phục, hơn 1,3 triệu cặp - ba lô - túi xách và khoảng 900.000 đôi giày, dép.

Theo quyết định của UBND TPHCM, để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội, chương trình BOTT tiếp tục gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chương trình triển khai theo hướng tăng cường xã hội hóa nhằm khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội và tạo điều kiện cho các nguồn lực kết gắn để tăng cường hiệu quả chương trình, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều tiết kinh tế vĩ mô và phù hợp với những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của TPHCM và cả nước. Hàng hóa trong chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, nguồn cung dồi dào và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên đang học tập trên địa bàn TP, kể cả trong trường hợp xảy ra biến động thị trường.

Chương trình kết nối DN với ngân hàng thương mại để vay vốn nhằm thực hiện nhiệm vụ BOTT; khuyến khích DN tăng cường mở rộng đầu tư, hợp tác với đối tác phù hợp để phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP. Thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán để hàng BOTT được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Để thực hiện chương trình đạt hiệu quả tốt nhất, tại kế hoạch thực hiện CTBOTT các mặt hàng cung ứng mùa khai giảng năm học 2019-2020, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành trong việc theo dõi và hỗ trợ các DN trong quá trình thực hiện. Trong đó, Sở Công thương là đơn vị thường trực thực hiện, Sở GD-ĐT đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về các CTBOTT đến các phòng GD-ĐT và trường học trên địa bàn TP để phụ huynh và học sinh, sinh viên biết và tham gia mua sắm. Theo đó, Sở GD-ĐT có nhiệm vụ kết nối, tạo điều kiện cho các DN tham gia CTBOTT giới thiệu hàng hóa đến các đối tượng trong trường học trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên phân phối lưu động phục vụ tại các quận ven, vùng sâu, vùng xa.

Đối với các sở ngành khác của TP tiếp tục thực hiện kiểm tra hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng của DN, đảm bảo cân đối cung - cầu. Chủ động và nhanh chóng huy động lực lượng bán hàng lưu động, điều phối hàng hóa đến những khu vực có dấu hiệu thiếu hàng, biến động giá để kịp thời can thiệp, phát huy vai trò dẫn dắt giá cả thị trường của chương trình; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, mạng lưới bán hàng bình ổn thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm.

Giá bán thấp hơn thị trường 10%-15%

Theo Sở Công thương TPHCM, do CTBOTT các mặt hàng mùa khai trường liên quan trực tiếp đến việc học tập của con em TP, nên giá bán sản phẩm của các DN trong chương trình bắt buộc phải thấp hơn giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường ít nhất từ 10%-15% (trong khi các CTBOTT khác giá bán chỉ thấp hơn 5%). DN tham gia chương trình tự xây dựng và kê khai giá bán sản phẩm tại Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá.

Công ty TNHH May túi xách Hương Mi (Hami) cho biết, năm nay tiếp tục cung cấp cho CTBOTT 750.000 ba lô, cặp xách các loại. Mặt khác, công ty cũng không ngừng đầu tư để nâng cấp chất lượng sản phẩm, thông qua việc sử dụng nguyên liệu 100% nhựa thật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh khi sử dụng. Công ty TNHH Lila Miti cũng tham gia bình ổn 200.000 cặp học sinh các loại, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trương Vui tham gia bình ổn ở cả 3 mặt hàng gồm ba lô, cặp học sinh, túi xách các loại với tổng số 340.000 sản phẩm.

Về giá bán, theo các DN tham gia BOTT, do nguồn nguyên liệu được dự trữ từ khá sớm và đầy đủ nên có thể tự chủ về giá bán tương đối ổn định so với năm ngoái. Tuy nhiên, ở một số nhóm mặt hàng có thay đổi mẫu mã mới, giá bán sẽ điều chỉnh tăng thêm khoảng 3% so với năm ngoái để bù vào chi phí đầu tư.

Tương tự, nhiều DN như Fahasa, Saigon Co.op, Vĩnh Tiến, Tuấn Việt, Sanding cũng tham gia bình ổn các mặt hàng giày dép, tập vở, đồng phục với mức giá tương đối ổn định so với năm học 2018-2019. Song song đó, các DN cũng tập trung phát triển mạng lưới phân phối rộng khắp; đồng thời tổ chức các ngày hội bán hàng bình ổn, đợt bán hàng lưu động để đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng ở vùng xa của TPHCM và các tỉnh thành khác.

Tin cùng chuyên mục