Điều này được thể hiện khá rõ từ các quy định mới của Nghị định 96/2010/NĐ-CP ngày 20-9-2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học - công nghệ (KH-CN) công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH-CN.
Trước đây, trong nhiều cuộc họp, Bộ KH-CN cho biết, dù Nghị định 115/2005/NĐCP đã khá mở để tổ chức KH-CN tự chủ nhưng các nhà khoa học vẫn cho rằng chưa đủ “vùng vẫy” trong cơ chế thị trường. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục ban hành NĐ 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH-CN.
Theo đó, các cá nhân, tổ chức Việt Nam, nước ngoài có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đều có thể xin giấy phép thành lập doanh nghiệp KH-CN. Nhiều doanh nghiệp KH-CN nhận định, cơ chế mở này không chỉ giúp đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm hàng hóa là kết quả KH-CN mà còn phát triển thị trường công nghệ, đồng thời tạo ra những biến chuyển lớn trong việc hình thành những tập đoàn tư nhân về KH-CN…
Nghị định 96/2010/NĐ-CP ngày 20-9-2010 của Chính phủ ra đời và sẽ có hiệu lực từ ngày 6-11-2010, doanh nghiệp KH-CN tiếp tục có thêm nhiều ưu đãi. Ưu đãi thấy rõ nhất là được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp KH-CN được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên phải có điều kiện: Doanh thu của các sản phẩm, hàng hóa hình thành từ kết quả KH-CN trong năm thứ 1 từ 30% tổng doanh thu trở lên, năm thứ 2 từ 50% tổng doanh thu trở lên và năm thứ 3 trở đi từ 70% tổng doanh thu trở lên của doanh nghiệp KH-CN.
Ngoài ra, cán bộ, viên chức thuộc tổ chức KH-CN công lập đã được ký hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ được bảo lưu hệ số lương trong thời gian tối đa 18 tháng kể từ ngày chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp KH-CN nếu có mức lương tại doanh nghiệp KH-CN thấp hơn mức lương tại tổ chức KH-CN trước khi chuyển đổi, sau đó được sắp xếp lại theo thang, bảng lương áp dụng đối với doanh nghiệp.
Nghị định 96/2010/NĐ-CP cũng quy định tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ KH-CN chưa tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, chậm nhất đến hết ngày 31-12-2013 phải tổ chức và hoạt động theo một trong hai hình thức: Tổ chức tự trang trải kinh phí và doanh nghiệp KH-CN hoặc được sáp nhập, giải thể.
Đồng thời, Chính phủ bổ sung quy định mới: Kinh phí hoạt động thường xuyên (bao gồm tiền lương, tiền công và chi phí hoạt động bộ máy) của các tổ chức KH-CN trên sẽ do ngân sách nhà nước cấp theo phương thức khoán đến hết ngày 31-12-2013.
Ngoài ra, tổ chức KH-CN hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách, nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật chuyên ngành, phục vụ quản lý nhà nước phải kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động trước ngày 31-12-2011 để được ngân sách nhà nước tiếp tục đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên theo nhiệm vụ được giao…
KIM THANH