Tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh

Vốn chảy vào các dự án khuyến khích
Tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP đạt gần 9%, đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế TP cùng thời điểm ở mức 7,74%. Trong đó, có đến 76% - 80% trên tổng dư nợ tín dụng được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Cơ quan này khẳng định, quan điểm của NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, xuất khẩu và kiên quyết kiểm soát chặt việc giải ngân vốn, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro.

Dây chuyền giết mổ và pha lóc thịt gia cầm của Công ty TNHH Ba Huân đặt tại Long An được hình thành nhờ nguồn vốn vay từ chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp. Ảnh: HẢI HÀ

Vốn chảy vào các dự án khuyến khích

Việc sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp (DN) vay vốn ngân hàng thực hiện các dự án mà TP khuyến khích lâu nay đã trở thành mô hình điểm của TPHCM. Chính vì thế, trong hai quý đầu năm 2016, tín dụng chảy vào dự án khuyến khích này. Cụ thể, tính đến nay, các chương trình cho vay các dự án kích cầu trên địa bàn TP có dư nợ hơn 1.548 tỷ đồng với 16 dự án. Cho vay nhà ở đến cuối tháng 6 vừa qua đạt khoảng 6.600 tỷ đồng với trên 10.000 khách hàng được cam kết cho vay, nâng tổng hạn mức lên đến 8.063 tỷ đồng. Chương trình cho vay vốn theo 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên cũng có mức tăng trưởng cao, đạt 154.246 tỷ đồng, tăng 7,94% so với cuối năm ngoái. Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 23.127 tỷ đồng, dư nợ cho vay xuất khẩu đạt 30.953 tỷ đồng, dư nợ cho vay DN nhỏ và vừa đạt 93.417 tỷ đồng, dư nợ cho vay ngành công nghiệp hỗ trợ đạt khoảng 6.491 tỷ đồng, dư nợ cho vay DN ứng dụng công nghệ cao đạt 257 tỷ đồng. Cùng với đó, cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị quyết 55/2015 của Chính phủ về việc đầu tư vốn cho các dự án dài hạn đến cuối quý 2-2016 cũng đã lên đến 53.757 tỷ đồng.

Ngoài ra, chương trình cho vay bình ổn thị trường năm 2016-2017 ở TPHCM cũng có 10 tổ chức tín dụng tham gia với mức cam kết cho vay là 14.900 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với chương trình này năm trước đó. Dư nợ cho vay đến hết tháng 6-2016 đạt khoảng 726 tỷ đồng với 13 công ty vay vốn tạo nguồn hàng cho thị trường. Cùng với đó, chương trình cho vay các DN trong khu chế xuất - khu công nghiệp cũng có dư nợ cho vay đạt khoảng 104.412 tỷ đồng, với 2.800 khách hàng; trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt khoảng 69.634 tỷ đồng, 34.778 tỷ đồng dư nợ cho vay trung, dài hạn. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đã hỗ trợ cho hơn 4.000 DN và hộ sản xuất kinh doanh gần 100.000 tỷ đồng vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi.

Với những kết quả trên, một vị lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho hay, hiện nay các chương trình cho vay VND khuyến khích đầu tư của ngân hàng có lãi suất vay ngắn hạn chỉ ở mức 7%/năm. Những cá nhân, DN đầu tư vào các lĩnh vực mà TP khuyến khích còn được bù lãi suất nên đầu tư thủy sản, nông nghiệp công nghệ sinh học… lãi vay thực trả chỉ còn khoảng 1% - 2%. “Lãi suất ngân hàng hiện không phải là vấn đề lớn đối với những DN trong lĩnh vực nông nghiệp làm ăn bài bản. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là thị trường của DN có đủ lớn để mở rộng sản xuất, kinh doanh cung ứng hàng hóa có tính liên tục hay không. Thông thường, các DN thường sử dụng vốn theo hình thức nhu cầu hàng hóa thị trường đến đâu đầu tư tới đó. Ngân hàng  cho vay cũng nhìn vào những đơn vị làm thật để định lãi suất thấp nhất có thể, nhưng bù lại tốc độ vòng quay vốn nhanh và hiệu quả”, vị này cho hay.

Lãi suất sẽ ổn định?

Theo NHNN chi nhánh TPHCM, một trong những nguyên nhân dẫn đến tín dụng tăng nhanh trong nửa đầu năm 2016 là nhờ các thị trường phục hồi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN và các hộ gia đình. Lãi suất cho vay của các ngân hàng tương đối ổn định. Ngoài những chương trình ưu tiên của TP có lãi suất ưu đãi, hàng loạt ngân hàng đều tung ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay đối với DN. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) vừa đưa ra giải pháp tài chính dành cho DN xuất khẩu trên cả nước với gói tín dụng cho vay VND theo lãi suất USD chỉ từ 4,5%/năm, với tổng hạn mức toàn chương trình lên đến 200 tỷ đồng; đồng thời áp dụng các chính sách tài sản bảo đảm linh hoạt và thời hạn cho vay kéo dài lên đến 6 tháng. Lãnh đạo Viet Capital Bank cho hay, với gói cho vay ưu đãi này, DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ có điều kiện chủ động nguồn vốn, tập trung vào việc sản xuất, mở rộng thị trường, tiết kiệm được chi phí lãi vay và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Ngoài ra, ngân hàng này cũng đang triển khai các sản phẩm, dịch vụ tiện ích phù hợp với từng phân khúc DN như Chương trình Lãi vay cực sốc - Tăng tốc kinh doanh với lãi suất từ 6,6%/năm, miễn phí 6 tháng phí chuyển khoản dịch vụ thu thuế và phát hành bảo lãnh điện tử với hàng hóa xuất nhập khẩu…

Tương tự, từ ngày 1-6, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng triển khai chương trình trọn gói dành cho DN như sản xuất kinh doanh, tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế… với tổng  hạn mức lên đến hơn 3.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi và giảm đến 100% phí thanh toán. Theo đó, DN có nhu cầu vay ngắn hạn hay trung hạn, dài hạn để bổ sung vốn kinh doanh, đầu tư mua trang thiết bị, nhà xưởng, kho hàng, phương tiện vận chuyển… sẽ chịu lãi suất chỉ từ 6,11%/năm.

Mặc dù vậy, thời gian gần đây, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động thêm từ 0,2% - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn, khiến các DN e ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới. Trước những lo ngại này, lãnh đạo một ngân hàng cỡ trung tại TPHCM cho rằng, hiện các ngân hàng vẫn giữ lãi suất cho vay ở mức ổn định vì sự cạnh tranh. “Cạnh tranh lãi suất hiện nay khiến biên lợi nhuận trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thu hẹp vì chênh lệch lãi đầu vào, đầu ra chỉ còn trên dưới 2%/năm đối với DN trong lĩnh vực xuất khẩu và 3% - 3,5%/năm là cho vay cá nhân”, vị này cho biết. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng mặt bằng lãi suất cho vay trong nửa đầu năm 2016 tương đối ổn định, nhưng trước xu hướng lãi suất tiết kiệm tăng hiện nay thì khó kỳ vọng lãi suất đầu ra giảm. “Theo tôi, lãi suất cho vay khó có thể tăng cao mà vẫn giữ ổn định từ nay đến cuối năm. Lạm phát trong năm nay được dự báo tăng cao hơn so với năm 2015, nhưng vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Mặt khác, cạnh tranh về thị phần tín dụng giữa các ngân hàng ngày một gay gắt nên việc giảm lãi vay được xem là phương án tốt nhất để thu hút khách hàng của các ngân hàng”, ông Trần Du Lịch nhận định.

MINH HUY

Tin cùng chuyên mục