Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người Việt dùng hàng Việt

Những cơ hội, thách thức và khó khăn sẽ và đang tác động không nhỏ đến việc thu hút, động viên nhân dân chung sức, chung lòng, phát huy sáng kiến, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước xây dựng kinh tế đất nước ổn định, phát triển vững mạnh…
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Chiều 30-3 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (BCĐ) tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2021 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022.

Theo Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu, năm 2021, BCĐ các cấp đã đề ra và chỉ đạo nhiều giải pháp, cách làm hay, sáng tạo để đưa hàng hóa tiếp cận gần hơn với người dân. Thái độ, sự quan tâm của người tiêu dùng Việt đối với các sản phẩm nội địa cũng được nâng cao. Các doanh nghiệp, nhà sản xuất cũng chủ động tận dụng thời điểm khó khăn của thị trường để chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức sản xuất để thích ứng với bối cảnh phòng, chống dịch và bắt kịp cuộc Cách mạng 4.0; nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt đã thể hiện được uy tín và chiếm lĩnh thị phần nội địa và xuất khẩu đi nước ngoài. Kết quả đó phần nào thể hiện qua tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 đạt kỷ lục 668,5 tỷ USD.

“Những kết quả, nỗ lực trong triển khai cuộc vận động đã góp phần góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội; mặc dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 chỉ giảm nhẹ 4,6% so với năm 2020”, ông Lê Tiến Châu nêu rõ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc vận động vẫn tồn tại nhiều hạn chế, cần khắc phục, như: tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn; năng lực, sức cạnh tranh của nhiều hàng hóa Việt Nam còn hạn chế; hoạt động quảng bá, kết nối cung cầu chưa được thực hiện thường xuyên, hiệu quả chưa cao; còn tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển hàng hóa trái phép... diễn ra rất phức tạp.

Năm 2022 và những năm tiếp theo, dịch Covid-19 dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp nên sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, hoạt động sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, những cam kết của EU về lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt đem đến xung lực mới cho nền kinh tế Việt Nam. Song, kinh tế Việt Nam cũng đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn... Trong khi đó quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, tiềm lực không đủ mạnh, sức cạnh tranh không cao. Những cơ hội, thách thức và khó khăn sẽ và đang tác động không nhỏ đến việc thu hút, động viên nhân dân chung sức, chung lòng, phát huy sáng kiến, sát cánh cùng Đảng, Nhà nước xây dựng kinh tế đất nước ổn định, phát triển vững mạnh…

Để tiếp tục triển khai hiệu quả cuộc vận động, BCĐ cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động; tăng cường đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chí, tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa Việt Nam sản xuất trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng các hoạt động phát triển thị trường; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; xây dựng điểm bán sản phẩm đặc thù, phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, hàng Việt về biên giới; mở rộng hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm...

Tin cùng chuyên mục