Tiếp tục động đất 2,7 độ richter tại Thừa Thiên – Huế

Tiếp tục động đất 2,7 độ richter tại Thừa Thiên – Huế

(SGGPO).- Chiều 7-12, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất xảy ra vào lúc 1 giờ 25 phút 00 giây ngày 7-12 tại khu vực huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Trận động đất có độ lớn 2,7 độ richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (16.151 độ vĩ Bắc, 107.484 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 11km. Trước đó, vào lúc 12 giờ 38 phút 54 giây trưa 6-12 tại khu vực thị xã Hương Trà tiếp giáp huyện miền núi A Lưới với độ lớn 2,5 độ richter. Dù rằng các nhà chuyên môn khuyến cáo, những trận động đất này đều ở dưới hoặc đạt ngưỡng an toàn mức kháng chấn của hồ đập trên địa bàn. Song không ít người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở các địa phương của huyện miền núi A Lưới tỏ ra lo lắng.

Bản đồ chấn tâm động đất xảy ra vào lúc 1 giờ 25 phút 00 giây ngày 7-12 tại khu vực huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Theo ghi nhận từ các nhà chuyên môn, A Lưới nằm trên đới đứt gãy Khe Sanh - Huế. Đới này thuộc đới đứt gãy “mẹ” Đà Nẵng - Khe Sanh (dài 250km, rộng 5-10km, kéo dài từ Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị - Lào) là một đới cấu trúc kiến tạo lớn đóng vai trò phân định cấu trúc địa chất khu vực miền Trung. Nhiều trận động đất trên đới này đã xảy ra liên tiếp thời gian qua như động đất Sông Tranh (Quảng Nam), Đăkrông (Quảng Trị) và A Lưới.

PGS.TS. Nguyễn Văn Canh, chuyên gia địa chất động đất thuộc trường Đại học Khoa học Huế cho biết, việc tái hoạt động của các tuyến đứt gãy sâu miền Trung với việc xảy ra động đất ví von như một ngọn núi lửa ngủ yên giờ lại thức dậy. Các đứt gãy kiến tạo hoạt động trở lại gây ra động đất là sự thật, cần có sự quan tâm của nhiều ban ngành chức năng.

Vấn đề này, ông Đặng Văn Hòa, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh đã giao cho Sở KH-CN lập tờ trình đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiến hành nghiên cứu về nguyên nhân các trận động đất tại Thừa Thiên - Huế. Qua đó, nghiên cứu hướng cảnh báo sớm ảnh hưởng của động đất và xây dựng phương án ứng phó nếu động đất lớn xảy ra.

Đồng thời, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có văn bản yêu cầu UBND TP. Huế, thị xã, huyện kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các trận động đất trên địa bàn. Nắm bắt thông tin, tổ chức tuyên truyền, thông báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho nhân dân biết và hiểu rõ.

Ngoài ra, chủ đầu tư, các đơn vị quản lý các công trình tăng cường công tác quan trắc, kiểm tra chất lượng an toàn các công trình và đánh giá mức độ ảnh hưởng của trận động đất để có biện pháp xử lý kịp thời. Riêng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện lớn, yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị quản lý phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khẩn trương xây dựng hoàn chỉnh phương án ứng phó các sự cố khẩn cấp. Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần theo dõi nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác những diễn biến động đất trên địa bàn để cảnh báo sớm nhất cho người dân.

Như SGGPO đã thông tin tại khu vực huyện A Lưới đã từng xảy ra 8 trận động đất tính từ tháng 5-2014 đến tháng 9-2015. Trong đó, trận động đất lớn nhất là 4,7 độ richter xảy ra vào ngày 15-5-2014. Đặc biệt, trong hai ngày 8 và 9-4-2015, tại khu vực huyện A Lưới liên tiếp xảy ra 3 trận động đất với độ lớn trên dưới 3 độ richter.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục