Tiếp tục gặt những mùa vàng?

Tiếp tục gặt những mùa vàng?

Chỉ mới 9 tháng đầu năm nhưng hầu hết các ngân hàng (NH) TMCP đều công bố hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trong năm 2007. Đây là thành công đáng phấn khởi của hệ thống NH trong bối cảnh ngành tài chính NH đang chịu tác động từ nhiều yếu tố. Thế nhưng liệu các NH vẫn sẽ gặt hái những mùa vàng?

Thế “kiềng 3 chân” đã sẵn sàng

Tiếp tục gặt những mùa vàng? ảnh 1
Giao dịch tại NH Việt Á. Ảnh: Cao Thăng

Các NH lớn như ACB, Sacombank, DongA Bank, Eximbank… có lợi nhuận và quy mô tăng từ 70%-100%/năm, những NH bậc trung như SCB, Việt Á... đến nay cũng đã vượt mức kế hoạch năm đặt ra với các chỉ số tài chính tăng trưởng khá mạnh…

Điều này cho thấy hoạt động của các NH đã đi vào từng bước ổn định và tương đối bền vững. Đến nay các NH đều có những chiến lược rõ ràng, nhất là khối NH TMCP đã có những chính sách phát triển rất cụ thể cho đối tượng khách hàng trọng tâm của mình. Mặc dù để thực hiện được chiến lược đó còn tùy thuộc vào năng lực của từng NH, đòi hỏi phải có thời gian cũng như con người, song rõ ràng các NH đã có bước đi bài bản, phù hợp với xu thế cạnh tranh và hội nhập.

Hiện nay các NH đều ý thức được việc kêu gọi hợp tác bên trong lẫn từ bên ngoài để học hỏi những kinh nghiệm quản lý, tiếp thu những kiến thức mới, sản phẩm mới, phát triển và mở rộng địa bàn cũng như lĩnh vực kinh doanh.

Năm 2007 cũng được xem là năm khá thành công của các NH trong việc mở rộng mạng lưới hoạt động. Từ đầu năm đến nay, đã có NH TMCP mở rộng từ 25-35 điểm giao dịch trên cả nước. Điều này đã tạo nên lợi thế rất lớn cho các NH nội địa khi cạnh tranh với các NH nước ngoài. Với mạng lưới hoạt động ít và chi phí hoạt động khá cao, các NH nước ngoài đang khó giành thị phần hiện có với các NH nội địa.

Phải lường được những tác động

Tuy nhiên, với đặc thù là ngành kinh tế tổng hợp, bất cứ một chính sách vĩ mô tác động đến một ngành kinh tế nào thì cuối cùng cũng ảnh hưởng đến NH. Những NH nào có chính sách quá tập trung vào một ngành, nghề, lĩnh vực thì dễ gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh khi chính sách thay đổi.

Chẳng hạn Chỉ thị 03 của NHNN Việt Nam khống chế tỷ lệ cho vay kinh doanh CK đã làm cho các NH nội địa phải khá chật vật trong thu hồi nợ và phát triển tín dụng sang lĩnh vực mới. Đây cũng là bài học lớn cho các NH trong việc xây dựng chính sách tín dụng, không chỉ cơ cấu dư nợ hợp lý, mà còn lường trước những tác động vĩ mô ảnh hưởng đến hoạt động của mình. Một NH quá non trẻ, thiếu kinh nghiệm và không có bước đi bài bản, khi có một chính sách thay đổi thì gặp ngay khó khăn là điều tất yếu.

Hiện nay, các NH nước ngoài đang nhảy vào cho vay và đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng tín chấp, trong khi các NH trong nước vẫn còn thụ động và chưa dám đẩy mạnh mảng này. Hay như mảng dịch vụ bán lẻ liên quan đến công nghệ cũng được các NH đẩy mạnh phát triển. hầu hết các NH đều đầu tư, mua công nghệ nhưng khả năng tiếp nhận, đầu tư và khai thác công nghệ mới đó vẫn chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Điều này xuất phát từ con người, nhân sự IT cho các NH hiện nay đang là vấn đề nan giải.

Hoạt động NH đang diễn ra những cạnh tranh gay gắt, nhất là cạnh tranh lãi suất huy động lẫn cho vay. Trong cuộc cạnh tranh này, các NH TMCP chật vật hơn vì lãi suất huy động đầu vào cao, trong khi các NH quốc doanh nguồn vốn đầu vào thấp; vốn đầu ra lại bị hạn chế bởi Chỉ thị 03 và quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của NHNN.

Trước tình trạng dư thừa vốn, nhiều NH đã bắt đầu phải cắt giảm lãi suất cho vay khoảng trên dưới 20% so với mức lãi suất cũ. Với mức lãi suất cho vay chỉ từ 0,99%/tháng đến 1,05%/tháng thì lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của các NH đang ngày càng thu hẹp.

Điều này đặt ra thách thức lớn cho các NH là phải phát triển dịch vụ, tạo thêm các tiện ích khác để giữ khách hàng và thu hút khách hàng mới. Tiềm năng phát triển cho các NH nội địa vẫn còn rộng mở với điều kiện phải đẩy chất lượng dịch vụ của mình cao hơn.

TS. Trần Văn Dần
Chuyên gia kinh tế tài chính

Tin cùng chuyên mục