(SGGP)- Ngày 21-5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo góp ý xây dựng Luật Báo chí với sự tham gia của các đại biểu lãnh đạo các cơ quan báo chí, quản lý báo chí các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Theo đó, dự thảo Luật Báo chí mới có 6 chương, 58 điều, trong đó có 35 điều mới, 23 điều cũ có sửa đổi bổ sung. Trong đó, những quy định mới đáng chú ý gồm: Đối tượng áp dụng Luật Báo chí bao gồm cả những người liên quan đến hoạt động báo chí như cộng tác viên, nhân viên phát hành... Bên cạnh những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí như làm giả, sửa chữa thẻ nhà báo; đăng phát nội dung đã bị xóa bỏ trên báo điện tử; nhập khẩu sản phẩm báo chí bị cấm..., dự thảo Luật Báo chí còn quy định nghiêm cấm thông tin trên báo chí những nội dung tuyên truyền chống Nhà nước, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; kích động bạo lực, truyền bá tư tưởng phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật đời tư cá nhân, thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử... Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí, dự thảo luật thể hiện thống nhất quan điểm Việt Nam không có báo chí tư nhân.
Góp ý cho dự thảo Luật Báo chí, ông Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, về quy định trình độ yêu cầu đối với lãnh đạo cơ quan báo chí, chỉ cần ghi yêu cầu “trình độ đại học”, không cần ghi “chuyên ngành báo chí”. Bởi nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí hiện nay không học báo chí mà học đại học ngành khác, nhưng được đào tạo kỹ năng làm báo. Đại diện cho Thông tấn xã Việt Nam cũng đã nêu, bản tin thông tấn trước là báo in, nhưng giờ đang chuyển dần sang phát tin online. Bởi vậy, không nên đưa loại hình thông tấn này vào báo chí in. Ngoài ra, dự thảo Luật Báo chí nên bổ sung quy định về các trường hợp phải cải chính trên báo chí, trong đó có trường hợp “thông tin gây hiểu lầm”, cũng gây tổn hại nhiều về uy tín, danh dự, kinh tế cho đối tượng bị ảnh hưởng.
Tại hội thảo, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam đã đưa ra một loạt kiến nghị, đề xuất. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất quy định rõ hơn khái niệm về liên kết, cụ thể “liên kết là cùng hợp tác sản xuất và phân chia lợi nhuận”. Bổ sung hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan và các quy định khác của Luật Sở hữu trí tuệ vào “Các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí”.
Một số đại diện của các sở TT-TT như Quảng Trị, Thanh Hóa, Bắc Giang cũng có ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại địa phương. Một số tờ báo của địa phương này thì không nên đặt văn phòng đại diện ở các địa phương khác mà chỉ nên tập trung phản ánh hoạt động tại địa phương mình, theo đúng tôn chỉ, mục đích của báo…
Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn khẳng định, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý. Qua hội thảo đã thấy có nhiều nội dung mới, phải cân nhắc, sửa chữa, làm sao để có được văn bản dự thảo trình chỉn chu hơn, đầy đủ hơn. Bộ TT-TT mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn nữa trên Cổng thông tin điện tử của Bộ TT-TT và các kênh tiếp thu ý kiến khác nữa về dự thảo Luật Báo chí. Một hội thảo tương tự dành cho các cơ quan, đơn vị ở khu vực phía Nam sẽ được tổ chức vào ngày 28-5 tới đây tại TPHCM.
TRẦN BÌNH