Tiếp tục miễn giảm thuế đất nông nghiệp

Tiếp tục miễn giảm thuế đất nông nghiệp

Ngày 25-10, QH đã nghe báo cáo và thảo luận các dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND; dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự án Luật Phòng, chống mua bán người và dự án Luật Khiếu nại.

Sửa nhiều quy định về bầu cử

Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề vướng mắc thật sự cấp bách do tới đây sẽ tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày và trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tại một số địa phương.

Việc sửa đổi theo hướng Hội đồng bầu cử ở TƯ có nhiệm vụ, quyền hạn chung đối với cả việc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu HĐND. Dự luật cũng đưa ra hướng thành lập Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh để thay thế và thực hiện chung nhiệm vụ, quyền hạn của cả Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Các Hội đồng bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã cũng được đổi tên tương ứng thành Ủy ban bầu cử…

Thảo luận về vấn đề này, đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi, tuy nhiên đề nghị có thêm các quy định cụ thể hơn liên quan đến việc bầu cử sắp tới. ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) cho rằng, các điều kiện ứng cử phải cụ thể hơn như phải có lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, độ tuổi tối đa, trình độ tối thiểu, nơi cư trú rõ ràng...

Điều này để tránh tình trạng ứng cử rất nhiều nhưng khi hiệp thương còn lại rất ít vì không đủ tiêu chuẩn ứng cử.

Về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, theo ĐB Phạm Phương Thảo, TPHCM là một trong những nơi thí điểm, nhưng để HĐND thành phố hoạt động hiệu quả, làm tốt chức năng khi không còn HĐND huyện, quận, phường phải tăng số đại biểu HĐND TP lên, bởi nếu ít người quá sẽ không làm nổi nhiệm vụ giám sát.

Miễn giảm thuế đất nông nghiệp trong 10 năm

Tại kỳ họp này, Chính phủ đề nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ nghèo; miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp do Nhà nước công bố cho một số đối tượng và giảm thuế cho một số đối tượng khác.

Chính phủ đề nghị thực hiện miễn, giảm thuế trong 10 năm, từ 2011-2020 và áp dụng từ ngày 1-1-2011. Về đối tượng được miễn giảm thuế, theo đề nghị của Chính phủ, cơ bản được giữ nguyên như Nghị quyết số 15/2003.

Đất nông nghiệp ngoại thành TPHCM ngày càng bị thu hẹp. Ảnh: Thái Bằng

Đất nông nghiệp ngoại thành TPHCM ngày càng bị thu hẹp.
Ảnh: Thái Bằng

Đa số đại biểu quốc hội đồng tình với đề xuất của Chính phủ, coi đó là một chính sách để tiếp tục khoan sức dân, triển khai tốt chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Các ý kiến đều nhấn mạnh, kinh tế thị trường có mặt tiêu cực là tạo sự phân tầng lớn, những đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người nông dân cần phải có “lưới” bảo vệ. “Lưới” đó chính là chính sách an sinh, và với người nông dân, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là chính sách an sinh hiệu quả nhất. ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM) cho rằng, về lâu dài Nhà nước không nên đặt vấn đề thuế sử dụng đất nông nghiệp mà nên miễn hoàn toàn.

“Dĩ nhiên là chỉ miễn giảm cho nông dân trực tiếp sản xuất, không nên miễn cho doanh nghiệp kinh doanh đất nông nghiệp”, ĐB lập nói. ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề xuất nên miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho những nông dân cho thuê đất sản xuất. “Điều này vừa khuyến khích nông dân cho thuê đất để phát triển sản xuất lớn, hạn chế các hộ kinh tế nhỏ lẻ, vừa giúp nông dân giữ đất. Thay vì bán hết đất, họ có thể cho thuê đất để đi làm việc khác nhưng khi có biến động, họ lại được về sản xuất trên đồng ruộng của mình”, ĐB Lịch nêu quan điểm.

Xuất hiện tình trạng đưa người ra nước ngoài bán nội tạng

Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày tại phiên họp QH sáng 25-10.

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Minh Điền

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường. Ảnh: Minh Điền

Dự luật quy định, những nạn nhân bị mua bán trong nước hoặc từ nước ngoài tự trở về thì UBND cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, hỗ trợ ăn, mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú. Trường hợp họ không có nơi cư trú hoặc có giấy tờ xác định là nạn nhân và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân thì làm thủ tục chuyển giao người đó cho cơ sở này.

Giai đoạn 2004-2009, cả nước đã xảy ra gần 1.600 vụ lừa bán hơn 4.008 nạn nhân; so với 5 năm trước, tăng gần 1.100 vụ và hơn 2.900 nạn nhân. Đáng chú ý, tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nam giới xảy ra ngày càng nhiều tại một số địa phương. Thêm vào đó, cũng đã xuất hiện một số đường dây đưa người ra nước ngoài bán nội tạng cho các bệnh viện tư, dẫn đến nạn nhân bị tử vong.

ANH THƯ – PHAN. THẢO 

Thà đền tiền còn hơn chịu thảm họa

Hôm qua 25-10, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục lên tiếng về dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắc Lắc): Bùn đỏ sẽ ngấm vào nước ngầm

Tôi đã đọc bản kiến nghị của nhân sĩ trí thức về việc dừng khai thác bauxite ở Tây Nguyên và nhiều bạn bè thân thiết của tôi cũng đã đặt bút ký ủng hộ. Những người ký vào bản kiến nghị là những người yêu nước, có quá trình hoạt động cách mạng được kiểm chứng và đông đảo trí thức nên chúng ta không thể không quan tâm. Tôi nghĩ Chính phủ và QH nên có trả lời kiến nghị này. Tôi cũng mong muốn QH sẽ ra một nghị quyết mới về khai thác bauxite, vì từ thảm họa bùn đỏ Hungary, tôi thấy ngành công nghiệp này quá nguy hiểm.

Tôi cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, vì một số ý kiến lãnh đạo ở bộ này cho rằng, Việt Nam khác Hungary vì Việt Nam có thung lũng. Cần nhớ, thung lũng ở trên cao còn nguy hiểm hơn. Thung lũng Tây Nguyên có rất nhiều đá vôi, đá vôi tan trong nước, bùn đỏ có khả năng sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm, từ đó sẽ chảy xuống cả đồng bằng Nam bộ, rất nguy hiểm. Hungary đã có hơn 30 năm kinh nghiệm mà vẫn phải chịu thảm họa như thế thì nguy cơ thảm họa đối với ta là hoàn toàn có khả năng xảy ra.

ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội): Ưu tiên những dự án có hiệu quả tức thời

Tôi băn khoăn 2 điều: dự án đầu tư lớn nhưng hiệu quả kinh tế xem ra không tương xứng. Mặt khác, trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, đang khan hiếm về đồng vốn như thế này nên chăng chúng ta ưu tiên những dự án có hiệu quả tức thời và lâu dài. Đó là chưa kể rủi ro rất lớn, sự cố bùn đỏ Hungary khiến ai cũng giật mình. Vì thế, theo tôi, Chính phủ, QH cần xem xét một cách nghiêm túc.
 
Nhiều ý kiến đề nghị dừng ngay dự án này. Tôi cho rằng, bao nhiêu công sức đã bỏ ra rồi, dừng lại ngay các dự án bauxite cũng rất khó. Tuy nhiên, nên xem lại quy mô, mức độ đầu tư cũng như rà soát lại về mặt kỹ thuật. Phải cân nhắc lại cho thấu đáo và làm thử, rồi dần dần mở rộng sau. Bauxite chưa khai thác lúc này thì có thể khai thác lúc khác.
 
ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn): Không được quyền duy ý chí

Thảm họa bùn đỏ ở Hungary là lời cảnh báo rất nghiêm khắc và kịp thời, nhắc chúng ta không được quyền duy ý chí trong việc khai thác bauxite. Tôi thấy có thể tiếp tục khai thác ở Tân Rai để thí điểm vì ở đó nhà máy đã làm rồi và chúng ta vẫn phải thí điểm để qua đó rút kinh nghiệm cho kế hoạch tương lai. Nhưng dự án ở Nhân Cơ thì nên dừng lại vì thực ra mình vẫn chưa làm gì nhiều, chủ yếu mới xong khâu giải phóng mặt bằng.
 
Khi bắt tay làm dự án bauxite đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình. Nhưng lúc ấy Chính phủ quyết làm. Bây giờ, sự cố tràn bùn đỏ ở Hungary là dịp thuận lợi để cùng bàn bạc lại. Thà đền tiền cho nhà đầu tư còn hơn làm dự án mà vừa lỗ, vừa lo về thảm họa môi trường.

L.NGUYÊN ghi 

Tin cùng chuyên mục