(SGGP).- Sở Công thương TPHCM vừa làm việc với các doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất và kinh doanh mặt hàng thịt, trứng gia cầm trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận để triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm. Đề án được xây dựng chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn VietGAP và quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm hiện hành của Việt Nam, đồng thời cung cấp các công cụ hỗ trợ để điện tử hóa chu trình VietGAP. Cách làm này sẽ giúp việc ghi chép được thực hiện tự động, có hệ thống quản lý kho điện tử, tạo điều kiện thuận lợi để các DN đầu tư thực hiện VietGAP, làm gia tăng giá trị cho sản phẩm tại thị trường nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu.
Hướng dẫn người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt heo
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khác với đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo mới chỉ thực hiện từ trang trại đến người tiêu dùng; đề án truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm sẽ có sự tham gia của 4 chủ thể gồm trại cung cấp con giống, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, đơn vị thương mại. Điều này cũng đồng nghĩa quy trình truy xuất nguồn gốc đối với thịt và trứng gia cầm sẽ được thực hiện một cách bài bản, khép kín từ con giống cho đến tay người tiêu dùng.
Hiện Sở Công thương đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn chỉnh đề án để triển khai trong thời gian sớm nhất.
Uyển Chi