Tiết kiệm điện chiếu sáng: Không chỉ là… thay bóng đèn

Để có thể tiết kiệm điện, việc thay bóng đèn được xem là giải pháp tạm thời và chỉ có thể giải quyết phần ngọn của vấn đề. Còn phần gốc là quy hoạch, đầu tư công nghệ cho hệ thống chiếu sáng… thì cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.
Tiết kiệm điện chiếu sáng: Không chỉ là… thay bóng đèn

Để có thể tiết kiệm điện, việc thay bóng đèn được xem là giải pháp tạm thời và chỉ có thể giải quyết phần ngọn của vấn đề. Còn phần gốc là quy hoạch, đầu tư công nghệ cho hệ thống chiếu sáng… thì cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.

  • Thiếu quy hoạch = loạn chiếu sáng

Trên thực tế, việc thiếu quy hoạch chiếu sáng đô thị đã và đang dẫn đến tình trạng chồng chéo, lộn xộn, thậm chí là lãng phí điện tại nhiều đô thị lớn trên cả nước. Đơn cử như tại Hà Nội, khi triển khai xây dựng tổng sơ đồ hệ thống chiếu sáng thành phố chỉ giới hạn trong phạm vi 4 quận nội thành và 2 thị trấn Văn Điển và Gia Lâm.

Mặt khác, các hạng mục chiếu sáng chỉ đề cập đến duy nhất chiếu sáng giao thông mà không đề cập đến chiếu sáng công viên, vườn hoa, khu tập thể, ngõ xóm, trang trí, kiến trúc, quảng trường… Kết quả là ngoài các tuyến chiếu sáng được xây dựng, cải tạo nâng cấp mới theo quy hoạch thì hiện vẫn còn 13.000 bộ đèn được sản xuất với trình độ công nghệ thấp, có hiệu suất phát quang thấp, chiếm 40% tổng số đèn trên lưới, đang sử dụng tại nhiều khu vực. Điều đáng nói là chính các bộ đèn này đã và đang gây lãng phí điện nghiêm trọng.

Đèn hai cấp công suất chỉ mới giải quyết phần ngọn của việc tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng. (Ảnh chụp trên đường Bà HaÏt, quận 10 TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đèn hai cấp công suất chỉ mới giải quyết phần ngọn của việc tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng. (Ảnh chụp trên đường Bà HaÏt, quận 10 TPHCM). Ảnh: ĐỨC TRÍ

  • Thiếu công nghệ = lãng phí điện

Không dừng lại đó, nếu không xây dựng chiến lược phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị thì sẽ không chủ động về nguồn vốn đầu tư cho vấn đề này. Ông Trần Trọng Huệ, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM cho biết, TPHCM vừa đưa vào hoạt động Trung tâm điều khiển hệ thống chiếu sáng công cộng thuộc vào dạng hiện đại bậc nhất thế giới. Hệ thống này đi vào hoạt động, trước mắt sẽ điều chỉnh chiếu sáng cho 12.000 bộ đèn trên địa bàn thành phố, giúp thành phố tiết kiệm hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Về lâu dài, trung tâm sẽ đưa vào điều khiển chiếu sáng cho 95.000 bộ đèn trên địa bàn thành phố. Như thế thì con số tiền điện tiết kiệm được sẽ rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải tỉnh thành nào cũng có thể đầu tư xây dựng trung tâm này. Vì kinh phí đầu tư cho trung tâm lên đến 141 tỷ đồng. Do đó, để làm được điều này nhất thiết phải có sự quy hoạch trước, từ đó chủ động xây dựng nguồn vốn đầu tư. Có như vậy hệ thống chiếu sáng mới thực sự phát huy ý nghĩa của nó là hoạt động công ích góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân và thực sự tiết kiệm điện.

  • Và thiếu cơ chế = khó thực hiện

Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, công tác quản lý chiếu sáng đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể là quy hoạch chiếu sáng chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều quy hoạch được xây dựng nhưng nội dung chiếu sáng chỉ được đề cập rất sơ lược; chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung quy hoạch chiếu sáng đô thị; đầu tư cho hệ thống chiếu sáng đô thị chưa được quan tâm đúng mức so với sự phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa; công tác quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng chưa thống nhất, tập trung quá nhiều đầu mối dẫn đến tình trạng lãng phí điện không cần thiết.

Đặc biệt, tại nhiều tỉnh thành, việc xây dựng các công trình chiếu sáng không đồng thời với việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp đô thị dẫn đến tình trạng khu vực xây dựng xong nhưng thiếu hệ thống chiếu sáng hoặc đầu tư hệ thống chiếu sáng rất khó khăn, tốn kém. Ngoài ra, hiện việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho hệ thống chiếu sáng gặp nhiều khó khăn, do đó rất cần có cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống chiếu sáng. Thế nhưng, cho đến nay cơ chế này vẫn chưa có.

Ông Trần Văn Nhân, Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn nhấn mạnh, hiện vẫn chưa xây dựng được chiến lược phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2020. Toàn bộ các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM đều chưa lập quy hoạch hệ thống chiếu sáng đô thị trong quy hoạch xây dựng. Vì vậy, chính quyền các cấp rất lúng túng và khó khăn trong việc chỉ đạo xây dựng và phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị, nhất là trong việc lập kế hoạch và chuẩn bị vốn đầu tư.

Do đó, theo ông Tiến, nhất thiết việc quản lý chiếu sáng đô thị cần phải thống nhất quản lý nhà nước và có phân cấp; việc đầu tư hệ thống chiếu sáng đô thị phải tuân thủ quy hoạch đã được phê duyệt và nhất thiết phải được sự quan tâm, ưu tiên của nhà nước. Quy hoạch chiếu sáng phải được xây dựng như những ngành khác như giao thông, cấp điện đồ án, quy hoạch đô thị… Ngoài ra, cần cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đầu tư, ưu đãi tài chính, hỗ trợ cho phát triển chiếu sáng… và nhất là trên một địa bàn cần thống nhất một đơn vị quản lý…

CHÂU ANH

Tin cùng chuyên mục